Nhắc đến ngọn lửa Kỳ Sơn, người ta nhớ ngay chuyện về nụ cười Bao Tự và cơ nghiệp của vua U Vương đời nhà Chu.
Nhắc đến ngọn lửa Kỳ Sơn, người ta nhớ ngay chuyện về nụ cười Bao Tự và cơ nghiệp của vua U Vương đời nhà Chu.
Bao Tự xinh đẹp kỳ lạ, không gì sánh nổi, chẳng bút mực nào tả xiết, được tiến vào cung. U Vương được Bao Tự, vui sướng lắm. Vị vua háo sắc này say đắm người đẹp quên cả việc triều chính. Điều làm U Vương buồn phiền là Bao Tự chẳng bao giờ cười. Người đẹp mà nở nụ cười chắc là đẹp lắm. Nhưng Bao Tự cứ buồn hoài, mặc dù sung sướng, mặc dù có bao trò vui. U Vương truyền lệnh: “Ai làm cho ái phi cười, ta sẽ thưởng to”.
Bao nhiêu danh hề, bao nhiêu điều lạ thay nhau diễn ra trước mắt, kể cả việc xé vải cho vui tai, Bao Tự vẫn dửng dưng, vẫn ủ dột buồn. Một ngày kia, có vị quan nội giám đến gặp riêng vua, hiến kế. U Vương rất đỗi vui mừng, truyền xa giá đến núi Kỳ Sơn. Nguyên ở núi Kỳ Sơn, tiên vương nhà Chu có xây Vọng lâu đài, bố trí chất cháy và trống to, phòng khi có giặc sẽ nổi trống, đốt lửa làm hiệu để các nước chư hầu xa gần biết tin mà kéo quân về ứng cứu. Lần này, U Vương theo “diệu kế” của quan nội giám, truyền đốt lửa trên đỉnh Kỳ Sơn để mua vui cho Bao Tự.
Quả nhiên khi khói lửa ngùn ngụt cháy trên đỉnh Kỳ Sơn, quan quân các chư hầu rầm rập kéo đến rồi lại tiu nghỉu quay về, Bao Tự thấy vui quá, bật cười. Nụ cười của mỹ nhân làm U Vương sướng run lên.
Từ đó, U Vương càng quấn quít, đắm say bên cạnh Bao Tự, bỏ việc triều chính cho bọn gian thần thao túng. Triều đình ngày càng đông kẻ gian, thưa vắng người ngay. Dân chúng oán than dậy đất.
Biết được tình hình như thế, cha của Thân hoàng hậu kết hợp với rợ Khuyển Nhung kéo quân về kinh thành, khôi phục ngôi vị cho hoàng hậu và thế tử Nghi Cửu. Quân rợ vây thành rất gấp, U Vương truyền lệnh nổi lửa Kỳ Sơn kêu gọi các chư hầu ứng cứu. Lửa Kỳ Sơn rần rật cháy, trống gióng liên hồi nhưng không thấy quan quân nào kéo đến. Bởi vì, ai cũng tưởng rằng đó lại là một trò chơi của U Vương như trước. U Vương đành bó tay, nụ cười Bao Tự đành tắt ngấm trong đám loạn quân.
Những ai đánh rơi chữ “tín” thường đã quên bài học “Ngọn lửa Kỳ Sơn”. Có người hay “bán than” vì mình không còn được quần chúng tin cậy, hãy tự hỏi lòng: “Đã đốt lửa Kỳ Sơn mấy lần rồi?”.
Trực Tử