Báo Đồng Nai điện tử
En

TÌNH CA - TÌNH ĐỜI

11:05, 06/05/2015

Mùa xuân 1957, nhạc sĩ Hoàng Việt (lúc đó đang là học viên Trường Âm nhạc Việt Nam) nhận được thư vợ từ miền Nam. Hoàng Việt xúc động, không viết thư mà trả lời bằng nhạc phẩm Tình ca.

Mùa xuân 1957, nhạc sĩ Hoàng Việt (lúc đó đang là học viên Trường Âm nhạc Việt Nam) nhận được thư vợ từ miền Nam. Hoàng Việt xúc động, không viết thư mà trả lời bằng nhạc phẩm Tình ca. Tình ca mới ra đời, được nghệ sĩ Quốc Hương cất tiếng làm lay động lòng người trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ít lâu sau, bài hát bị xếp trong kho lưu trữ. Mãi đến mười năm sau đó, Tình ca mới được trả lại đúng giá trị của nó.

Vì sao vậy? Tình ca là thông điệp tình yêu với lời da diết, tình mặn nồng, lòng mênh mông. Thời kháng chiến, tất cả tập trung cho việc chung, biểu hiện của tình yêu lứa đôi được xem là ủy mị, ngược chiều với cái chung hào hùng của dân tộc nên ít được phổ biến.

Ngẫm kỹ, Tình ca không phải mang giá trị riêng của cá nhân mà mượn tình yêu đôi lứa để diễn đạt cảm xúc lớn lao đối với đất nước. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Nghị, Tình ca là một bản hùng ca trong màu sắc của tình yêu có giá trị cách tân nghệ thuật. Thời bấy giờ, người ta thường nói đến cái chung, ẩn ý dẫn dắt đến cái riêng. Hoàng Việt có vẻ như đi ngược chiều, đi từ cái tôi, cái riêng của đôi lứa để diễn đạt cảm xúc thiêng liêng đối với đất nước, trong đó tình yêu đất nước được diễn đạt đầy chất thơ, đậm nét Nam bộ, rất lạc quan và giàu sức sống.

Bây giờ, bài hát đã gần sáu mươi năm, nhưng Tình ca vẫn trong tuổi thanh xuân. Mỗi lần ai đó cất tiếng: “…Chim giăng giăng bay ngoài nắng xuân đẹp thay. Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây. Em hãy nở nụ cười tươi xinh…”, tự dưng người nghe cảm thấy như lời nhắn nhủ: Hãy đo tình yêu bằng giá trị của chính nó. Giá trị của tình ca bao la, bền vững hơn tình đời.

Trực Tử

Tin xem nhiều