Dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, khi tôn tạo di tích mộ Trịnh Hoài Đức, chạm đến câu đối này, người đọc đau đầu, nhức óc: "CÁC NHÂN CHÍNH TẨU MÃ/ CỬ THẾ KIÊN HÀNH CHU".
Ở khu di tích mộ Trịnh Hoài Đức (thuộc phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), có cặp câu đối ngũ tự (mỗi câu 5 chữ) ý tứ cao sâu, hàm nghĩa thâm thúy. Dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, khi tôn tạo di tích mộ Trịnh Hoài Đức, chạm đến câu đối này, người đọc đau đầu, nhức óc: “CÁC NHÂN CHÍNH TẨU MÃ/ CỬ THẾ KIÊN HÀNH CHU”.
Phải viện đến nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng. Ông Lý Việt Dũng tra cứu thư tịch, tham vấn các bậc túc nho mới giải nghĩa được. Muốn hiểu cặp đối này, phải hiểu cặp đối khác nhiều chữ hơn vốn là bài học triết lý của tiền nhân. Vế đối thứ hai “Cử thế kiên hành chu”, nghĩa là xử thế ở đời phải kiên trì như chèo thuyền. Muốn hiểu “chèo thuyền” như thế nào, phải thuộc lời cổ nhân: “Học như hành chu nghịch thủy, bất tiến tất thoái”, nghĩa là, sự học như chèo thuyền ngược nước, không tiến lên được tức là sẽ thoái lui.
Vế đầu mới khó: “Các nhân chính tẩu mã” (người đường hoàng như kẻ cưỡi ngựa). Cưỡi ngựa có việc gì để nói? Tiền nhân đã dạy: “Tâm như bình nguyên mục mã, dị phóng nan thu”. Nghĩa là, lòng người như kẻ cưỡi ngựa giữa bình nguyên, phóng đi thì dễ, ghìm cương lại mới khó.
Câu đối ở mộ, nhưng là bài học sâu sắc ở đời. Bài học này thắm đượm Phật tính và đạo lý dân gian về tu dưỡng tâm tính. Cái tâm là gốc. Biết đủ là đủ. Biết dừng là đến. Biết nhẫn là đạt. Nén giữ khó hơn là phô diễn.
Trực Tử