40 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lần đầu tiên những người con sinh năm 1975 có dịp tề tựu, hát vang bài hát mừng sinh nhật, nối vòng tay lớn, sẻ chia với nhau những vui buồn, ngọt bùi trong cuộc sống.
40 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lần đầu tiên những người con sinh năm 1975 có dịp tề tựu, hát vang bài hát mừng sinh nhật, nối vòng tay lớn, sẻ chia với nhau những vui buồn, ngọt bùi trong cuộc sống.
Các đại biểu tham dự buổi họp mặt thực hiện nghi thức dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên... |
Buổi họp mặt ấm cúng, thân tình ấy được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức vào tối 28-4, cũng đúng vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch, với nhiều người là cơ may hiếm có trong đời.
* Khát khao cống hiến
Tới dự lễ khá sớm, nhà văn Trần Thu Hằng (Chánh văn phòng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) chia sẻ, năm 4 tuổi chị theo cha mẹ từ miền Bắc vào Đồng Nai. Tuy không sinh ra trên mảnh đất này nhưng gia đình chị luôn xem Đồng Nai là quê hương. Những trải nghiệm cuộc sống đã được chị chắt lọc, thể hiện qua những tác phẩm báo chí, văn học. Đến nay, Trần Thu Hằng đã có hơn chục đầu sách được xuất bản. Chị bộc bạch: “Mỗi tiểu thuyết là một đứa con tinh thần được thai nghén qua quá trình nghiền ngẫm về lịch sử. Tôi mong muốn mình có thể cảm để hòa vào mạch nguồn văn hóa của dân tộc, từ đó góp tiếng nói cổ vũ tiến trình phát triển của quê hương, đất nước mình. Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua mỗi tác phẩm chính là con người Việt Nam hiền hòa, nhân hậu, luôn biết vượt qua những khó khăn, thách thức để hướng tới tương lai”.
Là một trong 4 người được chọn lựa để thuyết minh tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức vào ngày 30-4 tại Hội trường Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh), anh Nguyễn Đức Toàn, công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, bồi hồi cho biết: “Sau một tháng cùng với các đội hình diễu binh, diễu hành tập luyện chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30-4, tôi như được sống lại những ngày tháng 4 lịch sử hào hùng của dân tộc. Việc thuyết minh không cho phép sai một từ, chậm một nhịp hoặc đọc vấp, vì vậy sau 11 lần chỉnh sửa kịch bản, chúng tôi phải nỗ lực, cố gắng hết mình để có thể thực hiện nhiệm vụ tốt nhất. Được đứng ngay trong Hội trường Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh) để thuyết minh cho những đoàn quân hùng dũng tiến vào Sài Gòn, tái hiện lịch sử cách đây 40 năm đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 40 là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời tôi. Tôi nguyện sẽ phấn đấu, cống hiến hết mình vì lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước để giành lại độc lập, tự do như hôm nay”. |
Thắp nén nhang thành kính dâng lên vong linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền hiền tại Nhà bái đường của Văn miếu Trấn Biên, nữ giám đốc Mai Thị Thúy Phượng (Giám đốc Công ty TNHH tin học Mai Phương) thầm biết ơn công lao to lớn của các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, cho chị và những thế hệ sau này có được cuộc sống hòa bình. Với mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của xã hội, ngoài việc thực hiện tốt công việc của một nữ doanh nhân, chị Phượng còn thường xuyên tham gia các công tác từ thiện xã hội, tặng quà cho người nghèo, chăm lo cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng; tặng máy tính, đồ dùng học tập cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn…
* Tự hào với lý tưởng cách mạng
Cùng thắp nến, cắt bánh sinh nhật với những người sinh năm 1975 tại buổi lễ, PGS. TS Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhấn mạnh: “Những người được sinh ra vào thời khắc đổi đời của dân tộc mang trong mình những sứ mệnh lớn. Tuổi 40 là tuổi đã nắm bắt được cuộc sống, hiểu về cuộc đời, biết những gì tốt cho mình, cho người, nhận ra đâu là chân lý, lẽ phải và đâu là con đường mà chúng ta đã, sẽ đi. May mắn được sinh ra và lớn lên trong thời đại hòa bình, chúng ta đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy tự hỏi ta đã làm được những gì cho Tổ quốc hôm nay và mai sau”.
... cắt bánh sinh nhật tròn 40 tuổi. |
Chia sẻ về tên gọi của mình, anh Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết khao khát đất nước hoàn toàn độc lập, giang sơn thu về một mối đã nhen nhóm trong gia đình anh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung từ rất nhiều năm. Do đó, vào tháng 10-1975, khi anh vừa chào đời, cha anh (cố Đại tá Tăng Thiên Kim) đã đặt ngay cho anh cái tên Quốc Lập với một niềm hạnh phúc, tự hào vô bờ bến. Hiện tại, với cương vị Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động của một tỉnh công nghiệp với đông công nhân, người lao động, anh Tăng Quốc Lập xác định: “Công đoàn tỉnh sẽ phối hợp cùng các sở, ban, ngành, địa phương nỗ lực xây dựng đội ngũ công nhân lao động ngày càng có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, sẽ thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp anh chị em công nhân yên tâm công tác, cống hiến, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh hơn nữa”.
Thông qua các phương tiện liên lạc, anh Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã tập hợp được 40 người bạn cùng sinh năm 1975. Ai cũng vui mừng và tự hào, muốn được chia sẻ, đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của tỉnh nhà. “Hai bạn ở Công ty Tin Việt Tiến và Mai Phương đã ủng hộ một máy vi tính trị giá 10 triệu đồng cho trạm ra đa của Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370) ở đảo Phan Vinh, Trường Sa. Nhiều bạn đã ủng hộ số tiền 10 triệu đồng để xây dựng vườn tượng danh nhân tại Văn miếu Trấn Biên. Điều đó cho thấy dù làm gì, ở đâu, thế hệ những người sinh năm 1975 vẫn luôn một lòng hướng về quê hương, đất nước, hướng về những việc thiện với mong muốn xây dựng đất nước ngày một phồn vinh” - anh Trần Đăng Ninh chia sẻ.
Nghệ sĩ ưu tú Đồng Quế Anh, Phó trưởng đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai sinh tháng 11-1975 tại Hà Nội. Năm 1983, chị theo gia đình vào Đồng Nai sinh sống và học tập. Với tình yêu và niềm đam mê cải lương vô hạn, năm 1991, Quế Anh thi tuyển vào Trường nghệ thuật Đồng Nai, 3 năm sau chị tốt nghiệp. Quế Anh thành công với rất nhiều vai diễn, vở diễn, như: Dòng sông đỏ, Chuyện tình thuở ấy, Dời đô, Vượt qua tâm bão. Chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm mới 30 tuổi và mang về cho Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai 5 huy chương vàng cá nhân, góp phần đưa tên tuổi Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai vang danh cả nước. Chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, hiện Quế Anh đang theo học ngành quản lý văn hóa tại Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh. Chị chia sẻ: “Sau 40 năm thống nhất, đất nước đã thay da đổi thịt và có bước phát triển vững chắc. Giới trẻ ngày nay có cơ hội thực hiện những điều mà thế hệ cha anh đi trước chưa làm được, có nhiều điều kiện thuận lợi để theo đuổi thực hiện ước mơ, đam mê, và tôi tin rằng thế hệ trẻ sẽ nối tiếp truyền thống cha ông, làm rạng danh nước nhà”. |
Hạnh Dung