Tô Hiến Thành sinh năm Nhâm Ngọ (1102), người làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, nay thuộc Hà Nội; văn võ song toàn, lập nhiều công trạng, làm quan đến chức Phụ chính đại thần; thực hiện phận sự công minh, chính trực được vua tin, dân quý.
Tô Hiến Thành sinh năm Nhâm Ngọ (1102), người làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, nay thuộc Hà Nội; văn võ song toàn, lập nhiều công trạng, làm quan đến chức Phụ chính đại thần; thực hiện phận sự công minh, chính trực được vua tin, dân quý.
Năm 1175, vua Lý Cao Tông đánh giá hoàng tử trưởng Lý Long Xưởng có phẩm hạnh kém nên không chọn làm người kế vị, lập di chiếu truyền ngôi cho Lý Long Trát - lúc ấy mới hơn một tuổi, ủy thác Tô Hiến Thành phụ chính. Hoàng hậu - mẹ Long Xưởng mang vàng bạc đến xin Tô Hiến Thành thay đổi di chiếu, lập Long Xưởng làm vua. Tô Hiến Thành khẳng khái từ chối. Vàng bạc và quyền uy không lay chuyển được ông.
Tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179), Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Các vị quan đầu triều đến thăm, hỏi dự định tiến cử ai thay thế, Tô Hiến Thành trả lời: “Trần Trung Tá”. Các quan ngạc nhiên: “Sao không phải là Vũ Tán Đường - người tâm phúc luôn kề cận chăm sóc quan phụ chính?”. Tô Hiến Thành nói: “Nếu chọn người để hầu hạ, lo việc nhà thì lão phu chọn Vũ Tán Đường. Tiến cử người phụ chính lo việc trọng đại của quốc gia thì xét thấy Trần Trung Tá là người đủ tài đức để tiến cử”.
Câu chuyện chọn người kế nhiệm của Tô Hiến Thành đã đi vào sử sách, đó là bài học ngàn năm cho công tác nhân sự: chọn người có mục tiêu cụ thể, có tiêu chí rõ ràng, trên cơ sở đánh giá tin cậy, đặc biệt là không định kiến và không vì lợi ích cá nhân. Cách chọn người như vậy khác hẳn công tác nhân sự thường có thời nay khiến dân tình lo lắng: chọn người để nối mạch quyền uy, vun đắp lợi ích cá nhân, trao đổi lợi ích nhóm, thậm chí vì lợi ích hậu sự - nhang khói cho mình.
Trực Tử