- Mới đây có cái clip học sinh một trường THPT ở Hà Nội ngồi hút thuốc, văng tục, chửi bậy ngoài quán nước trước cổng trường được tung lên mạng.
- Mới đây có cái clip học sinh một trường THPT ở Hà Nội ngồi hút thuốc, văng tục, chửi bậy ngoài quán nước trước cổng trường được tung lên mạng.
- Chuyện thường ngày ông ơi. Bây giờ học sinh nói tục, hỗn láo, đánh nhau (kể cả các em nữ) rồi quay clip đưa vào in-tẹc-nét thành chuyện phổ biến, không chỉ ở các trường học ở thành thị mà còn cả ở những trường vùng quê.
- Sao thế hệ trẻ giờ khác quá vậy ông?
- Ông lúc nào cũng nhớ tới ngày xưa. Nhưng nói thiệt với ông chứ chuyện nói tục, chửi bậy hổng thuộc về bản chất mà chỉ là thói quen vô thức thôi. Đừng vội quy kết các cháu như thế!
- Ơ hay, sao ông lại ủng hộ cho những chuyện sai trái vậy hè?
- Tui có ủng hộ đâu. Nhưng lỗi thuộc về người lớn tụi mình. Ít nhất là vì chúng ta ít nhắc nhở, uốn nắn nên chuyện sai trái đó thành quen miệng. Cha mẹ có người cũng thiếu chú trọng lời ăn tiếng nói trước mặt con trẻ. Thầy cô giáo cũng có người chửi bậy, thậm chí tiến sĩ, chuyên gia, người dẫn chương trình truyền hình cũng văng tục, mà các em thì dễ bị tâm lý đám đông lôi kéo.
- Nói như ông, tui thấy cũng chưa thuyết phục. Thời nào thì cũng có người lớn nói tục, chửi bậy và đó là thiểu số. Thời nào thì các em cũng được uốn nắn dạy dỗ rằng nói tục, chửi bậy là hành vi xấu kia mà!
- Nhưng thời tụi mình người lớn làm sai bị phê bình là biết xin lỗi, còn bây giờ, tui thấy nhiều người lớn nhiều khi sai không chịu xin lỗi, nhưng khi các em sai thì mắng chửi thậm tệ, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý, cách ứng xử của các em. Vì thế, khi bạn bè mắc lỗi, các em thường bắt chước cách cha mẹ, người lớn đã làm để giải tỏa ức chế và căng thẳng!
- Lời xin lỗi của người lớn trong gia đình bây giờ bộ nó thiếu vậy sao ông?
- Không chỉ trong gia đình mà ngoài xã hội cũng vậy. Đường hư, cầu sập, nhà cháy, di tích bị xâm hại, công trình chậm tiến độ… có thấy ai xin lỗi đâu ông ơi!
BA PHA