Chuyển đổi số báo chí là sự tích hợp dữ liệu và công nghệ số vào tất cả lĩnh vực hoạt động của một cơ quan báo chí. Từ đó, làm thay đổi cơ bản cách tòa soạn hoạt động nhằm cung cấp giá trị và lợi ích lớn hơn cho bạn đọc, khách hàng mà tòa soạn ấy phục vụ.
Chuyển đổi số báo chí là sự tích hợp dữ liệu và công nghệ số vào tất cả lĩnh vực hoạt động của một cơ quan báo chí. Từ đó, làm thay đổi cơ bản cách tòa soạn hoạt động nhằm cung cấp giá trị và lợi ích lớn hơn cho bạn đọc, khách hàng mà tòa soạn ấy phục vụ.
Phóng viên các cơ quan báo chí trong tỉnh và phóng viên thường trú tác nghiệp tại một sự kiện. |
Thời gian qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã liên tục đổi mới, có nhiều nỗ lực trong việc tiếp cận bạn đọc, khán giả, thính giả.
* Xu hướng tất yếu
Báo Đồng Nai đang thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.
Nhà báo Đào Văn Tuấn, Tổng biên tập Báo Đồng Nai cho hay, hiện nay, thông tin, hình ảnh do phóng viên gửi về sẽ được các trưởng ban chuyên môn biên tập lần 1. Sau đó, sẽ chuyển vào hệ thống chung. Các biên tập viên của báo in và báo điện tử sẽ xử lý những tin tức đó cho phù hợp với từng nền tảng, rồi chuyển đến Thư ký Tòa soạn và Trưởng phòng Báo điện tử, Ban Biên tập. Quy trình xử lý thông tin này được thực hiện linh hoạt, gọn gàng, đảm bảo cung cấp thông tin toàn diện, chính xác cho bạn đọc, tránh trùng lắp, chồng chéo thông tin và lãng phí nguồn nhân lực của báo.
Để đảm bảo hiệu quả thông tin, những tin tức thời sự “nóng” sẽ được đăng tải ngay trên Báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube. Những thông tin chuyên sâu, bày tỏ quan điểm, chính kiến, phân tích, bình luận sẽ đăng tải trên báo in và các phóng sự truyền hình trên Báo điện tử.
Giám đốc Sở TT-TT TẠ QUANG TRƯỜNG lưu ý: “Trong kỷ nguyên số hiện nay, nếu không thay đổi sẽ bị đào thải. Công nghệ cho phép điều đó. Vì thế, nếu có thứ gì đó quan trọng thì dù khó đến mấy vẫn phải làm để tồn tại và bứt phá”. |
Ngoài ra, Báo Đồng Nai cũng đã “trình làng” nhiều sản phẩm báo chí thế hệ mới như: bản tin podcast, bản tin truyền hình, infographic, longform bên cạnh những thể loại truyền thống như: tin tức, hình ảnh, phóng sự và tin tức truyền hình. Như vậy đến nay, Báo Đồng Nai đã có đầy đủ các loại hình báo chí gồm: báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh trên các hạ tầng kỹ thuật số.
Trong khi đó, theo Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai Trần Nam Đông, từ khâu sản xuất chương trình đến khâu truyền dẫn, phát sóng của đài đã được số hóa 100%. Đài đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng hạ tầng số, bao gồm: hệ thống lưu trữ trung tâm, hệ thống dựng hình phi tuyến tính, phim trường ảo theo công nghệ số, tổng khống chế trung tâm cho 4 kênh truyền hình chuẩn độ nét cao HD, camera kỹ thuật số chuẩn HD lưu động cho phóng viên tác nghiệp, thiết bị thu/phát quang kỹ thuật số truyền dẫn tín hiệu truyền hình số độ nét cao HD thông qua mạng cáp quang tốc độ cao đến các hạ tầng phát sóng số…
* Làm tốt hơn nữa khâu thu thập, khai thác dữ liệu
Khi nói về chuyển đổi số báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong kỷ nguyên số hiện nay, không thể không chuyển đổi số. Chuyển đổi số không phải vấn đề về công nghệ mà là tư duy. Để nắm bắt được độc giả online thì cần phải “chui” vào đầu họ, phải hiểu được nhu cầu, sở thích và nhịp sinh học của họ.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường cho rằng, việc nắm bắt được độc giả, khán giả nói riêng và người dân nói chung đang cần gì, thiếu gì để thông tin, tuyên truyền là yêu cầu rất quan trọng với mỗi cơ quan báo chí. Bởi suy cho cùng, chuyển đổi số chính là để phục vụ độc giả, khán giả được tốt hơn.
Để làm được điều đó, theo ông Tạ Quang Trường, các cơ quan báo chí trong tỉnh cần rà soát lại hiện trạng của đơn vị mình. Sau đó, sử dụng công nghệ để khảo sát xem người dân đang cần những thông tin gì, đối tượng bạn đọc, khán giả “thân thiết” của báo, đài là những ai… Từ đó để tuyên truyền những thứ mà bạn đọc cần chứ không phải những thứ mà phóng viên hay cơ quan báo chí đang có.
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã tích cực sử dụng các nền tảng số để trao đổi thông tin, đăng tải thông tin nhằm đến gần hơn, nhanh hơn với bạn đọc, khán giả. Thông qua sự tương tác, phản hồi qua lại của người dân trên các nền tảng số, các cơ quan báo chí và phóng viên có thêm nhiều dữ liệu hữu ích. Vấn đề quan trọng là phóng viên, cơ quan báo chí phải biết cách làm sạch dữ liệu, khai thác, xử lý thông tin để cho ra đời những tác phẩm báo chí mới, bám sát đời sống, hơi thở của người dân, nói được điều mà người dân cần, đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Từ đó đề ra những giải pháp giải quyết những vấn đề mà chính quyền, người dân quan tâm.
* 5 yếu tố quan trọng để chuyển đổi số báo chí
Không chỉ riêng báo chí mà với các ngành nghề, lĩnh vực khác trong xã hội, muốn “bứt phá”, trước hết phải có sự thay đổi về nhận thức.
Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường cho hay, nhận thức không đúng thì hành động sẽ không đúng và ngược lại. Tiếp đến, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có tầm nhìn, phải thiết lập được sứ mệnh cho tổ chức, có niềm tin là công nghệ số, chuyển đổi số sẽ giúp giải quyết những vấn đề đang tồn tại của tổ chức mình và kiên định với mục tiêu đặt ra.
Nhà lãnh đạo chuyển đổi số không nhất thiết và không cần phải quá am hiểu về công nghệ số. Điều quan trọng nhất đối với nhà lãnh đạo là biết đặt ra bài toán, có khát vọng thay đổi, dám chấp nhận cái mới và dám cho cái mới một cơ hội.
Khi người đứng đầu đã có sự đổi mới về tư duy, quyết liệt trong hành động sẽ kéo theo đội ngũ nhân lực phía sau. Mỗi phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên phải trang bị cho mình đầy đủ những yếu tố cần thiết để sẵn sàng hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số báo chí. Tiếp đến mới là vấn đề trang bị máy móc, thiết bị cần thiết, phù hợp. Ngoài ra, yếu tố an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số báo chí cũng đóng vai trò rất quan trọng. Các cơ quan báo chí cần có chiến lược để quản lý an toàn thông tin của đơn vị mình.
“Hiện nay, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam đã có nhiều cách làm rất sáng tạo để xây dựng tòa soạn hội tụ và đa phương tiện. Các cơ quan báo chí ở Đồng Nai có thể học hỏi những cách làm này, mạnh dạn đặt vấn đề dùng chung hoặc mua các nền tảng số mà các tờ báo lớn đã làm. Dĩ nhiên, không thể bê nguyên xi mô hình của tờ báo này vào tờ báo kia mà phải chọn lọc những nội dung phù hợp với đơn vị để triển khai thực hiện” - ông Tạ Quang Trường nói.
Hạnh Dung
Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai TRẦN NAM ĐÔNG:
Hướng đến đổi mới toàn diện
Trong quý III-2023, Đài sẽ ban hành chiến lược, kế hoạch và chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Trước mắt, mục tiêu đến năm 2025 là: sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. Hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của KH-CN tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Tăng doanh thu, có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên. Phấn đấu đạt trên 10 vạn khán giả trên mỗi nền tảng số mà Đài tham gia…
Nhà báo THIÊN VƯƠNG, Trưởng văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Đồng Nai:
Cạnh tranh thông tin khốc liệt
Trước sự thay đổi trong cách tiếp cận thông tin của bạn đọc, mỗi phóng viên phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để truyền tải thông tin sao cho nhanh nhạy, chính xác nhất. Bản thân tôi cũng đang nỗ lực để làm tốt vai trò của phóng viên đa năng, đưa thông tin đến gần hơn với bạn đọc. Đồng thời phân tích, đưa ra những giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
An Yên (ghi)