Với chức năng thông tin, giám sát, phản biện xã hội, định hướng dư luận, hoạt động của các cơ quan báo chí đã có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Chính vì vậy, cho đến nay, báo chí vẫn được xã hội ưu ái, xem như "quyền lực thứ tư".
Với chức năng thông tin, giám sát, phản biện xã hội, định hướng dư luận, hoạt động của các cơ quan báo chí đã có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Chính vì vậy, cho đến nay, báo chí vẫn được xã hội ưu ái, xem như “quyền lực thứ tư”.
Phóng viên cần hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ của mình để không “ảo tưởng quyền lực”. Trong ảnh: Biên tập viên Vũ Tuyên, Đài Truyền hình TP.HCM trong một lần tác nghiệp. Ảnh: NVCC |
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân thường tạo điều kiện thuận lợi để nhà báo hoạt động nhằm thực hiện tốt chức năng của báo chí, góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, không ít người làm báo đã ảo tưởng cho rằng “quyền lực thứ tư” chính là sức mạnh cá nhân của mình.
* Có hiện tượng “ảo tưởng quyền lực”
Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để tôn vinh đội ngũ những người làm báo. Bên cạnh đó, đây cũng nên là dịp mà các nhà báo tự soi lại mình để ngày càng hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
Trao đổi về vấn đề này, nhà báo Đỗ Trung Tiến, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho rằng, hiện nay có không ít trường hợp người làm báo ảo tưởng về “quyền lực thứ tư” dẫn đến hiện tượng “báo chí cửa quyền”.
Ông phân tích, báo chí có vai trò quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ động để người dân nắm bắt và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng, phát triển đất nước. Do đó, để hỗ trợ nhà báo hoàn thành nhiệm vụ của báo chí thì các cơ quan chức năng, các đơn vị, tổ chức trong xã hội và người dân thường tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Nhiều nhà báo đã tranh thủ sự ủng hộ, tín nhiệm của bạn đọc, bạn xem đài để làm tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số người làm báo lại lầm tưởng, nghĩ rằng mình đến làm việc thì người ta phải phục vụ cho mình.
Điều này sẽ kéo theo các vấn đề “báo chí cửa quyền”. Nghĩa là cá nhân người làm báo hoặc cơ quan báo chí tự cho rằng “tôi đã nói là đúng”. Thực tế, có nhiều vấn đề, sự việc trong xã hội còn đang tranh luận, chưa đi đến thống nhất nhưng nhà báo đã vội khẳng định, kết luận vấn đề. Khi thông tin sai thì không đính chính hoặc đính chính không nghiêm túc. Kết quả là đã có một số nhà báo, tờ báo bị kiện ra tòa gây mất uy tín cá nhân hoặc mất uy tín của tờ báo.
Đồng tình với nhận định trên, nhà báo Hồ Văn Chừng, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho hay, có một bộ phận nhà báo do bị “ảo tưởng quyền lực” và thiếu rèn luyện về đạo đức đã có những hành động đi ngược lại tôn chỉ, mục đích; chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí và làm suy giảm sức mạnh của báo chí.
Hiện nay, báo chí đang góp phần đắc lực trong cuộc chiến chống tham nhũng và những vấn đề tiêu cực trong xã hội. Báo chí còn được xem là một trong những “điểm tựa” niềm tin của nhân dân, là sức mạnh to lớn chống lại cái xấu, cái ác. Một số người làm báo đã lợi dụng niềm tin của nhân dân đối với báo chí để mưu cầu lợi ích không chính đáng cho bản thân. |
Anh Vũ Tuyên, biên tập viên Đài Truyền hình TP.HCM chia sẻ, qua thực tế làm việc và gắn bó với nghề hơn 10 năm, anh đã nhận thấy không ít trường hợp nhà báo “ảo tưởng quyền lực”. Anh Vũ Tuyên phân tích: “Vì nghề báo được nhiều người vị nể nên nhiều người làm báo vin vào đó để mưu cầu lợi ích riêng một cách không chính đáng. Thậm chí, tôi đã từng được một đồng nghiệp chia sẻ về cách bắt lỗi doanh nghiệp khi tác nghiệp để doanh nghiệp phải chi tiền… Những hành động như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những người làm báo chân chính”.
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hồ Văn Chừng thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều phóng viên có năng lực viết tốt nhưng đôi khi do ảo tưởng về quyền lực nên thiếu cái tâm để lựa chọn vấn đề hữu ích, phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Một số phóng viên khi đi tác nghiệp còn dọa nạt, hách dịch với cơ sở, thậm chí có người còn đòi hỏi về điều kiện vật chất, ngấm ngầm tống tiền các tổ chức, cá nhân, quên đi trách nhiệm xã hội, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình tượng người làm báo chân chính. Đặc biệt, khi viết về những cán bộ nhà nước, những doanh nhân bị mắc sai lầm, vướng rắc rối, một số nhà báo còn thể hiện thái độ gay gắt quá mức, vì họ cho mình có quyền phán xét, buộc tội người khác…”.
* Báo chí cũng cần luân chuyển
Để hạn chế tình trạng “báo chí cửa quyền”, theo nhà báo Đỗ Trung Tiến, trước hết những người làm báo cần xác định rõ bản thân cũng là người lao động như mọi người lao động trong các cơ quan, đơn vị khác. Các cơ quan báo chí cũng cần phải luân chuyển đội ngũ để vừa tạo điều kiện cho phóng viên đa năng, đa lĩnh vực, vừa hạn chế tình trạng “lạm quyền” của nhà báo.
“Nhiều phóng viên nắm mảng lâu năm đã tự cho mình cái quyền độc quyền khai thác thông tin, không cho đồng nghiệp khác xen vào; yêu cầu đơn vị được phân công theo dõi phải có “trách nhiệm” với mình. Tôi cho rằng việc phân công phóng viên nắm mảng là hợp lý nhưng các cơ quan báo chí cũng cần luân chuyển mảng để có được những phóng viên đa năng, đa lĩnh vực, hạn chế lạm quyền” - nhà báo Đỗ Trung Tiến cho hay.
Cũng theo nhà báo Đỗ Trung Tiến, các cơ quan báo chí có phóng viên thường trú cần tăng cường công tác quản lý đối với phóng viên, cộng tác viên của mình. Nếu phóng viên là hội viên Hội nhà báo thì cơ quan báo chí cần viết giấy giới thiệu để phóng viên về sinh hoạt hội tại Hội nhà báo địa phương. Đồng thời, cơ quan báo chí cũng cần xem xét thay đổi người khác nếu phóng viên thường trú hiện tại bị nhiều phản ánh tiêu cực.
Hải Yến
Nhà báo HỒ VĂN CHỪNG, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh:
Cần có cơ chế kiểm soát để nhà báo không vi phạm
Với tư cách những người tạo ra dư luận và dẫn dắt, chi phối dư luận xã hội, báo chí có khả năng góp phần ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, kiến tạo thể chế, thúc đẩy sự phát triển, đem lại sự văn minh, hài hòa, tiến bộ và công bằng xã hội cho đất nước. Vì vậy, việc đến nay người ta vẫn cho rằng báo chí là “quyền lực thứ tư” (sau các quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp) cũng có cái lý của nó. Đây cũng là lý do góp phần làm cho nghề báo trở thành một nghề đang “hot”, thu hút một bộ phận không nhỏ lớp trẻ mong muốn được tham gia.
Để góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng “quyền lực thứ tư”, Hội Nhà báo cùng các cơ quan báo chí trong tỉnh phải thường xuyên phổ biến, định hướng hội viên thực hiện tốt 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Luật Báo chí năm 2016; đề cao ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của các nhà báo.
Riêng với các cơ quan báo chí, nếu kiểm soát và có chế tài quyết liệt, có quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ đối với phóng viên ngay tại “gốc” như: báo cáo đề tài, báo cáo nội dung phản ảnh, báo cáo lịch trình cụ thể trong công việc hàng ngày... thì chắc chắn sẽ không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Nhà báo NGUYỄN THỊ LIÊN (Báo Đồng Nai):
Luôn chủ động phản biện khi tiếp cận thông tin
Nhiều bạn đọc tìm đến các cơ quan báo chí và mang theo nhiều kỳ vọng sau khi đã “gõ cửa” các cơ quan chức năng mà vụ việc vẫn chưa được giải quyết hoặc giải quyết không được như mong muốn. Tuy nhiên, nhiệm vụ của báo chí là thông tin, phản biện xã hội chứ không có quyền giải quyết vấn đề thay cho cơ quan chức năng. Tiếp xúc với bạn đọc, người dân, phóng viên cần phải giải thích rõ điều này. Phóng viên có thể chia sẻ sự bức xúc nhưng không thể nương theo bạn đọc vì điều này có thể dẫn đến việc thiếu khách quan trong đưa tin, viết bài.
Kinh nghiệm của tôi là luôn nói rõ với bạn đọc rằng: “Chúng tôi không thể nghe một phía từ bạn đọc mà còn phải lắng nghe bên có liên quan, đồng thời sẽ kiểm chứng lại thông tin mà các bên cung cấp để phản ánh vấn đề một cách khách quan, trung thực nhất”.
Trên thực tế, nhiều vụ việc sau khi kiểm chứng thì phóng viên phát hiện không hoàn toàn giống như những gì bạn đọc đã phản ánh. Do đó, kiểm chứng thông tin và tự phản biện trước mỗi vụ việc là điều rất cần thiết.
Tường Vi (ghi)