Báo Đồng Nai điện tử
En

Trung kiên thời chiến, gương mẫu thời bình

07:05, 19/05/2023

Năm 2023, tròn nửa thế kỷ những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) cả nước kỷ niệm 50 năm Chiến thắng trở về (1973-2023).

Năm 2023, tròn nửa thế kỷ những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) cả nước kỷ niệm 50 năm Chiến thắng trở về (1973-2023).

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn tặng bức trướng của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cho Đại hội đại biểu Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn tặng bức trướng của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cho Đại hội đại biểu Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027. Ảnh: N.HÀ

Được gặp gỡ, trò chuyện với những CSCMBĐBTĐ mới thấy hết tinh thần kiên trung, bất khuất của những người lính cách mạng; họ đã biến đòn roi tra tấn, những “chuồng cọp”, “chuồng bò”, “địa ngục trần gian” của thực dân, đế quốc… trở thành trường học cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, đấu tranh chiến thắng kẻ thù.

Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng

Nửa thế kỷ qua đi, những CSCMBĐBTĐ ngày ấy giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi nhắc nhớ về khoảng thời gian bị tra tấn trong các nhà tù đế quốc, chuyện của họ vừa như mới hôm qua…

Cựu chiến binh (CCB), cựu tù cách mạng Phan Xuân Thừa, Chủ tịch Hội CSCMBĐBTĐ H.Cẩm Mỹ được sinh ra trong gia đình truyền thống có ông nội, cha mẹ đều tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở xã Hải Dương, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. 12 tuổi, ông đã làm liên lạc, đưa đón cán bộ qua sông khu vực giáp ranh giữa ta và địch vùng ven Hiền Lương - Bến Hải; là cơ sở chính để mẹ ông và đồng đội hoạt động cách mạng trong lòng địch. Tổng Tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cách mạng bị tổn thất rất nhiều, mẹ ông và nhiều đồng đội bị địch bắt, cơ sở nằm vùng tan rã, ông cùng đồng đội lên rừng tiếp tục chiến đấu.

Chủ tịch Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh TRẦN THỊ HÒA cho hay, hơn 1 nhiệm kỳ hoạt động, các chiến sĩ cách mạng luôn vững khí tiết, sắt son với lý tưởng đã chọn, nghĩa tình trong cuộc sống. Đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chữ vàng Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh trao tặng Đại hội đại biểu Hội CSCMBĐBTĐ lần thứ III (nhiệm kỳ 2022-2027) vào tháng 10-2022: “Trung kiên thời chiến - gương mẫu thời bình - sáng mãi tình đồng đội”.

“4 giờ sáng 27-3-1969, tôi cùng 3 đồng chí được phân công về Hải Thành, quận lỵ của Q.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bắt liên lạc và bị rơi vào ổ phục kích của tề, ngụy. Bị trúng đạn bất tỉnh và khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở tại khu biệt giam Việt cộng Đồn Mang Cá”- ông Thừa kể.

Ông đã bị đưa khắp các nhà giam và cuối cùng chúng đưa ông giam tại nhà tù Phú Quốc và “chăm sóc đặc biệt” bằng những trận tra tấn, đánh đập dã man.

Ông được kết nạp Đảng trong tù vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (15-10-1969).

Ông Thừa xúc động bộc bạch: “Nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác 19-5-1971, bọn giám thị trại giam gọi tôi lên lấy cung. Chúng hỏi: Đứa nào dạy mà mày thuộc Di chúc đến vậy? (tôi được Đảng ủy Nhà tù phân công đọc thuộc diễn văn kỷ niệm và Di chúc Bác Hồ). Tôi trả lời: Bác Hồ vị cha già của dân tộc Việt Nam, là ánh dương soi rọi cho những người chính nghĩa nên chúng tôi kính yêu, học Bác và thuộc Di chúc của Người. Không đạt được ý định, chúng đè tôi ra đục ngay 2 cái răng số 7 và 8. Khi được trao trả, tôi được tổ chức bọc lại cho tôi 2 cái răng này”.

Hôm nay 19-5, tại TP.Biên Hòa, Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng trở về nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh của các CSCMBĐBTĐ; giao lưu với nhân chứng lịch sử và tuổi trẻ tỉnh Đồng Nai. Trong chương trình lễ kỷ niệm còn diễn ra tọa đàm Bác Hồ sống mãi với người lính trong tù.

Phó chủ tịch Hội  CSCMBĐBTĐ tỉnh Nguyễn Minh Hoàng cũng bị tra tấn, đánh đập khi ông bị giam ở nhà tù Phú Quốc. Ông từng bị tên giám thị Trần Văn Nhu - tên ác ôn khét tiếng đục 2 cái răng trong vòng 3 ngày.

“Tôi đau buốt tận óc, chết đi, sống lại không biết bao nhiêu lần! Nhiều tù nhân bị chúng dùng ngón đòn đục răng, thân thể tiều tụy đến chết” - ông Hoàng kể lại.

Ngoài đánh đập, dùng nhục hình, kẻ thù còn giết chết dã man những người tù “cứng đầu”, trung thành với lý tưởng cách mạng. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Văn Bê (quê xã Phước Mỹ Tây, H.Cai Lậy, nay là TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một minh chứng sinh động. Tháng 10-1969, do bị chỉ điểm, địch cho tàu chiến đưa một tiểu đoàn từ kênh Nguyễn Văn Tiếp càn vào xóm Láng Biển. Dò hầm bí mật tại nhà, bắt sống đồng chí Bê giải đi nhiều nơi và cuối cùng đày ra nhà tù Phú Quốc.

“Trong một lần bị tra tấn, đồng chí Bê liên tục chửi chúng là quân bán nước và hô khẩu hiệu: “Đả đảo Mỹ - Thiệu! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Chúng bắt đồng chí Bê ngồi xuống, lấy bao bố trùm người và buộc miệng bao, lôi xềnh xệch vào nhà bếp rồi khiêng ném đồng chí vào chảo nước đang sôi bốc khói ngùn ngụt. Đồng chí Bê đã anh dũng hy sinh như thế…” - ông Hoàng bùi ngùi xúc động kể lại.

Nhưng nhà tù đế quốc - những “địa ngục trần gian” cùng đòn roi tra tấn của kẻ thù… đã trở thành trường học cách mạng để những người chiến sĩ cách mạng, những đảng viên kiên trung, giữ vững khí tiết đấu tranh, chiến thắng kẻ thù. Đúng như tinh thần của những câu thơ trong bài thơ Quyết hy sinh của nhà thơ Tố Hữu khi bị giam ở nhà đày Buôn Mê Thuột tháng 2-1941 đã viết: “…Các anh chị bước lên đài gươm máy/ Đầu sắp rơi mà môi vẫn tươi cười/ Chỉ còn đây một giây sống nữa thôi/ Mà mắt đỏ vẫn trông đời bình thản… Và xin thề trước bóng dáng thiêng liêng/ Quyết hy sinh phá tan hết gông xiềng/ Cho Tổ quốc muôn năm độc lập”...

Nghĩa tình trong cuộc sống

Theo Chủ tịch Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh Trần Thị Hòa, niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, lý tưởng cách mạng… đã soi đường, giúp những CSCMBĐBTĐ có nghị lực chiến thắng kẻ thù trong lao tù. Sau Hiệp định Paris năm 1973, những chiến sĩ cách mạng được trao trả vẫn tiếp tục giữ vững bản lĩnh, nghĩa tình thủy chung ngoài cuộc sống. Nhiều người nỗ lực chiến thắng bệnh tật, thương tích, trở thành những cựu tù cách mạng làm kinh tế giỏi, làm giàu cho bản thân, góp sức cho xã hội…

Mô hình làm kinh tế giỏi của gia đình ông Lương Văn Ban, TP.Long Khánh
Mô hình làm kinh tế giỏi của gia đình ông Lương Văn Ban, TP.Long Khánh

Bà Phùng Thị Thận (ngụ TP.Long Khánh) vẫn nhớ rất rõ trận đánh cuối cùng bà đã mất đi người bạn - liệt sĩ Hồ Thị Hương vào ngày 18-3-1975. Bản thân bà bị trúng đạn và bị địch cắt cụt một chân... Trở lại cuộc sống hòa bình, bà Thận luôn nỗ lực để cống hiến, phấn đấu thực hiện lời Bác dạy thương binh “tàn nhưng không phế”; phải sống thay cho đồng đội không còn được chứng kiến ngày đất nước giải phóng.

Hiện hệ thống kinh doanh cây xăng, thi công các công trình xây dựng của bà đã và đang giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 50 lao động, chủ yếu con, cháu cựu chiến sĩ cách mạng bị tù đày…

Còn ông Lương Văn Ban (ngụ TP.Long Khánh), chiến thắng trở về còn vô cùng khó khăn với thương tật khắp cơ thể, nhưng ông đã nỗ lực làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình, quê hương và để tri ân đồng đội đã hy sinh. Trang trại của gia đình ông với các loại cây ăn trái như: sầu riêng, bơ, măng cụt cùng vườn, ao, chuồng… mỗi năm trừ chi phí, thu về từ 300-500 triệu đồng. Trang trại còn giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, nhất là con, cháu các cựu tù cách mạng, cựu chiến binh.

Thời gian qua, các cấp Hội CSCMBĐBTĐ trong tỉnh đã thực hiện tốt các hoạt động nghĩa tình, giáo dục truyền thống. Quỹ Nghĩa tình đồng đội đã vận động đạt trên 2,3 tỷ đồng, cùng quỹ của CLB Tiếp nối truyền thống các cấp đã giúp đỡ trên 764 lượt hội viên khó khăn đặc biệt, bị bệnh hiểm nghèo; thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng, mừng thọ, thượng thọ 445 cựu tù từ 80 tuổi trở lên; tặng hơn 6,3 ngàn phần quà Tết; hỗ trợ 225 gia đình hội viên khó khăn do dịch bệnh Covid-19…      

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều