Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận dụng tư tưởng của Bác Hồ về phòng, chống tham nhũng

07:05, 19/05/2023

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức nghiêm khắc với tệ tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức nghiêm khắc với tệ tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Trần Trung Nhân trao đổi một số nội dung tại kỳ họp của Ban Chỉ đạo
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Trần Trung Nhân trao đổi một số nội dung tại kỳ họp của Ban Chỉ đạo

Vào dịp đầu năm 1946, khi Nhà nước Việt Nam mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm với nhan đề Quốc lệnh - tức là lệnh của nguyên thủ quốc gia. Trong Quốc lệnh, những người được khen thưởng có công rất lớn, đủ sức để làm động lực khuyến khích cái tốt đẹp phát triển, nhưng phần trừng phạt thì rất nghiêm khắc. Các điều phạt trong Quốc lệnh, Người đều ghi mức xử cao nhất là tử hình.

Học tập tư tưởng của Bác

Sau hơn 3/4 thế kỷ, những điều Người viết trong Quốc lệnh vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu mà ngày nay chúng ta gọi với nội hàm tham nhũng.

Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, ngay từ rất sớm, Bác Hồ đã xác định tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”, “giặc” này không có súng, không có gươm nhưng lại có thể phá hỏng tất cả sự nghiệp của chúng ta. Người nói, nếu chúng ta chưa tiêu diệt được tham ô, lãng phí, bất liêm thì sự nghiệp cách mạng chưa hoàn thành. Khi ở cương vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa ra một chỉ thị rất mạnh mẽ là trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất chính, bất kể kẻ đó là ai, bất kể kẻ đó ở cương vị nào mà ngày nay Đảng ta gọi là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tất cả những tư tưởng của Người về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã và đang được Đảng, Nhà nước ta vận dụng vào thực tiễn hiện nay. Trong đó, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới, với mong muốn quyết tâm tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong đấu tranh PCTN, hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5-2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên phạm vi cả nước.

Vận dụng vào thực tiễn hiện nay

10 năm qua (2012-2022), đã có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 ngàn tỷ đồng, gần 76 ngàn ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2 ngàn văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp...

Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực được chú trọng, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, chặng đường đấu tranh PCTN của nước ta dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với ý chí, tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Kết quả của công tác đấu tranh PCTN đã phản bác lại một số quan điểm cho rằng, đấu tranh PCTN tiêu cực ở Việt Nam như một cuộc đấu tranh nội bộ, làm nhụt ý chí của cán bộ. Không phải như vậy, chính đấu tranh PCTN tiêu cực đã làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước để đất nước phát triển, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.

Chỉ riêng năm 2022, GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD (thuộc tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.110 USD; xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 730,2 tỷ USD (thuộc tốp 20 của thế giới về thương mại); lũy kế thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2022 đạt 408 tỷ USD; Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192/193 nước thành viên LHQ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đã nói, nguyên nhân cơ bản, gốc rễ của tham nhũng, tiêu cực là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đó là nguyên lý. Để xử lý nguyên lý đó thì phải giải quyết cái gốc, tức là chống suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống. Cán bộ sai trong thời gian qua do không tu dưỡng đạo đức lối sống, cho nên cùng với cuộc đấu tranh PCTN phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống những tư tưởng xa lạ, phải rèn luyện đạo đức và như Tổng bí thư đã nói, phải xây dựng văn hóa liêm chính.

Văn hóa liêm chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trời có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông; đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; người có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa không thành trời; thiếu một phương không thành đất; thiếu một đức không thành người.

Vì vậy, tất cả cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng tốt theo những lời căn dặn của Bác Hồ và Đảng đã dạy thì đất nước ta sẽ phát triển phồn thịnh.               

Phương Hằng

Tin xem nhiều