Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên định phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa

08:05, 24/05/2023

Thực tiễn đã chứng minh việc phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và nhân dân ta. Trong khi các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nhiều thế hệ đã chung tay góp sức xây dựng và vun đắp cho sự phát triển của đất nước thì các thế lực thù địch lại ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng, cũng như phủ nhận thành tựu của Việt Nam…

Thực tiễn đã chứng minh việc phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và nhân dân ta. Trong khi các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nhiều thế hệ đã chung tay góp sức xây dựng và vun đắp cho sự phát triển của đất nước thì các thế lực thù địch lại ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng, cũng như phủ nhận thành tựu của Việt Nam…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo - Iweal vào ngày 18-5. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo - Iweal vào ngày 18-5. Ảnh: TTXVN

Trang cá nhân S.L.TV-TNTD tự giới thiệu là “CLB giao lưu” có trụ sở đóng ở nước ngoài với 220 ngàn người theo dõi vào đầu tháng 5-2023 đã thực hiện clip “phỏng vấn” với dòng trạng thái: “LS L.T.Q, cựu Tổng thư ký Bộ Ngoại giao VNCH nhận định về chính sách CSVN, quá khứ và hiện đại”.

* Luận điệu chống phá không có cơ sở

Trong clip dài hơn 16 phút, nhân vật LS L.T.Q cho rằng: “Rất nhiều người Việt Nam (Việt kiều - pv) trở về nước thường nói Việt Nam thanh bình, Việt Nam phát triển, đổi mới… Nhưng muốn xét sự phát triển của Việt Nam không thể xét từ năm 1975, ở chế độ bao cấp, ăn bo bo, thiếu thốn đủ thứ cho đến năm 2023, vì 48 năm qua ai cũng phải di chuyển. Xét sự phát triển như vậy không đúng vì phải so sánh hàng ngang với các nước xung quanh như thế nào?”. Đối tượng này đi đến kết luận: “Việt Nam tụt hậu, Việt Nam phát triển chậm chạp…”.

Trước hết, về ý kiến của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng Việt Nam tụt hậu về kinh tế so với các nước là hoàn toàn không có cơ sở. Xuất phát điểm của Việt Nam là nước nông nghiệp, kinh tế - kỹ thuật lạc hậu, trình độ xã hội còn thấp, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề suốt hàng thế kỷ. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng, chứng tỏ sự phát triển kinh tế bền vững và ổn định, trước nhiều biến động không ngừng của thế giới.

Theo đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD, thuộc tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên 4.100 USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371 tỷ USD năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã nằm trong danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; đã ký kết khoảng 100 hiệp định thương mại song phương và đa phương, hơn 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư.

Đơn cử như, trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Văn kiện hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ, về chỉ số năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP) theo bảng xếp hạng của UNIDO năm 2019, Chỉ số CIP của Việt Nam năm 2019 là 0,088, chỉ đứng sau Singapore (0,261), Thái Lan (0,141) và Malaysia (0,0159). Do đó, Việt Nam đặt chỉ tiêu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp vào năm 2030 và theo nhận định chỉ tiêu này có thể đạt được.

Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam đã được nhiều chính khách nước ngoài ghi nhận và thán phục, cho rằng Việt Nam là nguồn cảm hứng trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Ngày 18-5, bà Ngozi Okonjo - Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Theo TTXVN, khi chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Tổng giám đốc Ngozi Okonjo - Iweala cho rằng, thành công của Việt Nam đã truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho nhiều nước trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại phục vụ phát triển đất nước. Đặc biệt, thời gian qua, trong khi kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức khá cao do Việt Nam có các định hướng lớn, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.

* Không thể từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng

Trong clip trên, sau khi liên tục phủ nhận thành tựu phát triển của Việt Nam một cách không có căn cứ, “M.C” S.L tiếp tục tung hứng khơi gợi những ý tưởng xấu, độc rằng: “Việt Nam phải phát triển kinh tế thị trường và bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa đi…; về phương diện ngoại giao thì phải bỏ nguyên tắc 4 không”…

Đối tượng S.L thường xuyên thực hiện các clip chống phá cách mạng. Ảnh: Cắt từ clip
Đối tượng S.L thường xuyên thực hiện các clip chống phá cách mạng. Ảnh: Cắt từ clip

Cũng trong buổi tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo - Iweala, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về đường lối phát triển của đất nước.

Theo TTXVN, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có đường lối đúng đắn về phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt trong quá trình đó, Việt Nam lấy nguồn lực bên trong là chiến lược, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Cùng với đó, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Có thể thấy, ý kiến của các thế lực thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi loại bỏ vai trò của Đảng, đồng thời ra sức hô hào “phải thực hiện kinh tế thị trường và từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ nhằm mục đích duy nhất là phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta dày công vun đắp.

Thực tiễn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập năm 1930 đến nay cho thấy, Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là câu trả lời đanh thép, phủ nhận những luận điệu sai trái của thế lực phản động, thù địch; đồng thời, một lần nữa khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như vai trò không thể thay thế của Đảng ta.

Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII nhận định: “Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Do vậy, nếu nghe theo lời các thế lực phản động mà từ bỏ kim chỉ nam là định hướng xã hội chủ nghĩa là đi vào ngõ cụt và bế tắc.

Về ý kiến của các thế lực thù địch cho rằng “Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng 4 không (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) là không phù hợp, phải từ bỏ” là ý kiến xấu, độc, cần kiên quyết bài trừ và đấu tranh phản bác. Bởi lẽ, “trước bối cảnh tình hình khu vực, thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, công tác đối ngoại cần kiên trì nắm vững nhiệm vụ, mục tiêu, tôn chỉ nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại thời gian tới là triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” - tham luận của TS Nguyễn Văn Dương và ThS Đinh Anh Thái tại hội thảo khoa học Hiệp định Paris - thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và sự vận dụng, phát triển nền ngoại giao Việt Nam do Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai tổ chức đã nhấn mạnh.

Mục tiêu, lý tưởng của cả dân tộc ta là đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Việc lựa chọn con đường phát triển đất nước theo hướng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên, hời hợt mà đó là sự lựa chọn của lịch sử, có cơ sở khoa học, thực tiễn vững vàng để ngày nay, toàn Đảng, toàn dân có thể tự hào rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Lâm Viên

Tin xem nhiều