Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

07:05, 24/05/2023

Thời gian qua, việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được các cấp ủy trong tỉnh triển khai gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm.

Thời gian qua, việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được các cấp ủy trong tỉnh triển khai gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm.

Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, trao chứng nhận cho cán bộ lãnh đạo của tỉnh đã tham gia bồi dưỡng kiến thức về quản trị an ninh phi truyền thống
Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, trao chứng nhận cho cán bộ lãnh đạo của tỉnh đã tham gia bồi dưỡng kiến thức về quản trị an ninh phi truyền thống. Ảnh: P.HẰNG

Thông qua các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp kịp thời bổ sung những kiến thức mới, kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức lối sống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong thực tiễn, đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong từng giai đoạn cụ thể.

Kịp thời bổ sung kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt cho biết, nội dung chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo của tỉnh được bám sát theo Quy định 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và khung chương trình bồi dưỡng cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo đó, ngoài việc trang bị những thành tựu nghiên cứu mới về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kiến thức về lý luận chính trị; những vấn đề mới trong đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về tình hình thế giới đương đại có tác động đến Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, các báo cáo viên còn cung cấp những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý tại đơn vị, địa phương.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, 10 năm qua, từ 2013-2022, Ban TVTU đã tổ chức 82 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho gần 16.200 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị.

Các báo cáo viên tham gia giảng dạy các chuyên đề tại chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đều là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, có uy tín, trình độ chuyên môn cao, khả năng truyền đạt tốt, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, từ đó giúp đội ngũ cán bộ của tỉnh tiếp thu tốt nhất những kiến thức quan trọng để áp dụng trong thực tiễn công tác.

Cụ thể như, cuối năm 2022, tại lớp bồi dưỡng kiến thức về Quản trị an ninh và quản trị an ninh phi truyền thống do Ban TVTU tổ chức, đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh đã được nghe những vấn đề mới về an ninh quốc gia. Theo Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, ngày nay an ninh của một quốc gia bị uy hiếp, tấn công từ nhiều phía, không chỉ có kẻ thù xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia (an ninh truyền thống) mà còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, tội phạm xuyên quốc gia (an ninh phi truyền thống)…

Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm cho rằng, Đồng Nai được coi là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Đồng Nai cùng với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo nên khu vực phát triển sôi động, thu hút đầu tư lớn, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Đồng Nai đang đối mặt với nhiều thách thức. Dưới góc độ quản trị an ninh và quản trị an ninh phi truyền thống, thời gian tới Đồng Nai tiếp tục chú ý phòng ngừa các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người; chú ý xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp; giải quyết tốt các vấn đề tôn giáo, dân tộc; đảm bảo an ninh dân số…

Trang bị kiến thức để xử lý công việc tốt hơn

Một chuyên đề khác sau khi học tập cũng để lại nhiều suy ngẫm cho người học. Đó là khi nói về “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trên nền tảng KH-CN, đổi mới sáng tạo, những gợi ý với tỉnh Đồng Nai”, TS Mai Chiếm Hiếu, Phó trưởng Khoa Kinh tế - chính trị, Học viện Chính trị khu vực II thẳng thắn nhìn nhận, Đồng Nai là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đang có xu hướng chững lại và giảm xuống. Những yếu tố đóng vai trò là động lực trong tăng năng suất lao động như trình độ KH-CN, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa phải là nguồn lực chính trong quá trình sản xuất của tỉnh.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Đồng Nai có rất nhiều nỗ lực trong cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh và bổ sung một số chính sách ưu đãi để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư…, nhưng nhiều năm trở lại đây chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền cấp tỉnh như: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công chưa tương xứng với vị trí của tỉnh.

Để “cất cánh” từ ngắn đến trung hạn (đến năm 2030), TS Mai Chiếm Hiếu cho rằng, Đồng Nai cần tập trung 3 vấn đề trọng tâm: hạ tầng phát triển, thể chế và nguồn nhân lực. Còn giai đoạn dài hạn (đến năm 2045), tọa độ đột phá của Đồng Nai phải là thể chế - hạ tầng - nhân lực kinh tế số, với cấu trúc ngành phát triển chủ đạo là công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp công nghệ cao - kinh tế số - logistics - nông nghiệp xanh trên nền công nghệ cao.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhận xét, qua các chuyên đề mà giảng viên, báo cáo viên truyền đạt tại các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh trong thời gian qua cho thấy, các báo cáo viên đã nghiên cứu rất sâu sắc về Đồng Nai, trao đổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý, thúc đẩy đội ngũ cán bộ của tỉnh phải hành động, vận dụng cả về lý luận và thực tiễn một cách sáng tạo vào xử lý công việc ở cơ quan, đơn vị, địa phương, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

PGS-TS NGUYỄN TẤN VINH, Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực II:

Không tự học, không tự đào tạo sẽ bị đào thải

Những năm qua, Thường trực và Ban TVTU Đồng Nai rất quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt của tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh, qua đó nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh ngày càng tốt hơn. Việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy và của cán bộ, qua đó để đảm nhiệm được những nhiệm vụ mới trong yêu cầu hiện nay.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy, xã hội ngày càng tiến tới, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ và công việc của chúng ta ngày càng nhiều nên mỗi con người không thường xuyên học tập thì sẽ bị lạc hậu, từ đó sẽ bị đào thải hoặc tự đào thải. Riêng đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, được cử đi học tập, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên còn là vinh dự lớn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Vì cán bộ lãnh đạo là những người rất tinh túy của địa phương, đất nước, được cấp ủy cử tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, do đó khi đi học phải sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học, học tập có chất lượng.

Chuyên đề của các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đều mang tính gợi mở, định hướng từ tầm nhìn phát triển của địa phương cho đến những vấn đề lý luận, hay những vấn đề kỹ năng quản trị địa phương. Thời gian học của các lớp này không dài nhưng khối lượng kiến thức rất nhiều. Do đó, các báo cáo viên mong muốn qua mỗi lớp học góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ địa phương.  Dương An (ghi)

Phương Hằng

Tin xem nhiều