Ngày 9-4-1975, H.Xuân Lộc được hoàn toàn giải phóng, tạo điều kiện để quân chủ lực của ta tiến về giải phóng TP.Long Khánh (21-4-1975), mở "cánh cửa thép" phía Đông tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của Tổ quốc.
Ngày 9-4-1975, H.Xuân Lộc được hoàn toàn giải phóng, tạo điều kiện để quân chủ lực của ta tiến về giải phóng TP.Long Khánh (21-4-1975), mở “cánh cửa thép” phía Đông tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của Tổ quốc.
Mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trắng đang cho thu nhập cao tại H.Xuân Lộc. Ảnh: N.Hà |
48 năm sau ngày giải phóng, từ một huyện nghèo với nền kinh tế thuần nông, thu nhập bình quân đầu người thấp, trên 20% hộ dân đói, nghèo…, Xuân Lộc đã vươn lên xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều mô hình, điển hình phát triển kinh tế; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc.
* Truyền thống anh hùng
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, khi nhắc về những ngày tháng 4 lịch sử, ông Đào Bá Lượng (ngụ TP.Long Khánh) vẫn còn nhớ như in. Ông cũng là một trong những nhân chứng có mặt trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc ngay tại TX.Xuân Lộc (H.Xuân Lộc và TP.Long Khánh ngày nay).
Gặp ông, nghe ông kể chuyện mới thấy hết những tình huống gay cấn, sự đấu trí quyết liệt giữa ta và địch. Thời điểm tháng 4-1975, ông Đào Bá Lượng là Đội trưởng Đội Biệt động Thị đội Long Khánh; trước khi mở màn chiến dịch, đơn vị ông được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh vào nội ô để giải phóng TX.Xuân Lộc - Long Khánh.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, 76 tuổi đời, 49 năm tuổi đảng, ngụ TT.Gia Ray cho biết, trước năm 1994, H.Xuân Lộc còn rất nhiều hộ đói nghèo, đường sá đi lại khó khăn, những mô hình kinh tế có thu nhập cao rất ít. Hiện nay, kinh tế phát triển; hệ thống giao thông được bê tông, nhựa nóng vào tận ấp, tổ nhân dân; có hàng trăm mô hình kinh tế cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm; đời sống mọi mặt của người dân nâng lên rõ rệt… |
“Tôi vẫn nhớ rất rõ lúc nhận lệnh, toàn bộ anh em trong đơn vị biệt động đều khao khát được tham gia chiến dịch giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh nên dù có phải hy sinh, anh em cũng sẵn sàng” - ông Lượng kể lại.
Trong trận đánh giải phóng Xuân Lộc ngày 9-4-1975 còn ghi dấu son rõ nét của Đội nữ cối Xuân Lộc do cựu chiến binh Đỗ Thị Thuận, ngụ xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc ngày nay) làm đội trưởng. Bà Thuận kể lại, Đội được phân công chốt chặn, sử dụng pháo, cối yểm trợ cho bộ đội chủ lực và độc lập tác chiến, tiêu diệt các kho tàng, căn cứ, phương tiện chiến tranh dọc quốc lộ 1 (khu vực đồn Cầu Sập, xã Suối Cát, H.Xuân Lộc ngày nay) và chặn địch từ Bình Thuận vào, đặc biệt là yểm trợ đánh Lữ đoàn Dù 2 của ngụy quyền Sài Gòn đổ bộ từ Long Khánh lên.
Cựu chiến binh Đỗ Thị Thuận kể lại: “Chị em trong đội cối vừa chỉ huy, vừa pháo thủ, vừa nạp đạn, vừa tải thương lại kiêm y tá. Vì thế, lúc nào cũng mang theo trên mình 3 loại vũ khí: súng AK (khoác chéo lưng), lựu đạn dắt bên hông và cối 82 li hoặc 60 li, chiến đấu liên tục, kìm chân địch. Đến 17 giờ 30 ngày 9-4-1975, đồn Cầu Sập (Suối Cát), đồn Xuân Phú - dinh Ông Cung (ngã tư Ông Đồn) bị quân ta tiêu diệt, giải phóng Xuân Lộc”.
Bà Thuận cho biết thêm, gần 7 năm chiến đấu, Đội nữ cối Xuân Lộc đã tham gia đánh 144 trận, trong đó độc lập tác chiến 74 trận, tiêu diệt 771 ngụy quân Sài Gòn, 134 lính Mỹ (có 1 phi công); phá hỏng và thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Đội cũng đau xót tiễn đưa nhiều đồng đội hy sinh không kịp chứng kiến ngày đất nước hoàn toàn độc lập…
* Tập trung xây dựng huyện NTM kiểu mẫu
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng cho biết, 48 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt từ khi thành lập huyện (ngày 1-7-1991), Xuân Lộc là địa phương có xuất phát điểm thấp, kinh tế thuần nông còn nhiều khó khăn. Nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu, chiếm trên 87% tổng sản phẩm xã hội. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, thương mại - dịch vụ không đáng kể. Kết cấu hạ tầng cơ sở nghèo nàn, hệ thống giao thông nông thôn hầu hết là đường đất, chưa có điện, nước sạch; cơ sở y tế, giáo dục thiếu và phần lớn đã xuống cấp; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 2 triệu đồng/năm. Hộ đói, nghèo chiếm trên 20% dân số toàn huyện…
Với truyền thống đoàn kết, chủ động và quyết tâm chính trị cao, sự năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân H.Xuân Lộc đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết vươn lên xây dựng huyện đạt nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt, biến vùng đất bị bom đạn cày xới, nghèo khó thành huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1999), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2011). Đặc biệt, năm 2014, Xuân Lộc là một trong 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM. Hiện 14/14 xã đạt NTM nâng cao; 9/14 xã đạt NTM kiểu mẫu; huyện đang phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2023; NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững vào năm 2024…
Thu hoạch rau ở HTX Rau VietGAP Trường An của H.Xuân Lộc |
Giới thiệu một số thành quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng bộc bạch: “Ấn tượng về những thành tựu đó không chỉ thuần túy nhìn vào những con số mà còn là những giá trị không thể lượng hóa về quyết tâm chính trị, sự khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết chung sức, chung lòng, thống nhất ý chí và hành động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong huyện. Đó còn là sự cần cù, sáng tạo, đồng lòng của toàn dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, thi đua lao động sản xuất, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội”.
Ông Trần Tuấn Khanh, chủ trang trại nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trắng tại xã Xuân Phú cho hay, sự đổi thay rõ nét sau ngày giải phóng đã tạo thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt, nhất là kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo ông Khanh, nuôi chim trĩ, bán thịt thương phẩm (230 ngàn đồng/kg), trứng (11-14 ngàn đồng/trứng) và gần 1 triệu đồng/cặp giống thì mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với loại gia cầm như gà, vịt. “Chúng tôi tiếp tục tăng đàn với số lượng hàng ngàn con, làm việc với nông dân địa phương, nhân rộng mô hình và cung cấp các điều kiện cần thiết, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm lợi nhuận của nông dân tham gia cao hơn chăn nuôi các loại gia cầm khác” - ông Khanh khẳng định.
Nhiều mô hình kinh tế khác trên địa bàn huyện đã và đang phát triển mạnh, góp phần biến vùng đất nghèo khó, bị bom đạn cày xới xưa kia đổi thay nhanh chóng, đưa thu nhập của người dân bình quân cuối năm 2022 đạt trên 80 triệu đồng/năm, gấp hơn 6,5 lần so với thời điểm năm 2008.
Theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng, huyện tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững để tập trung phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Trong đó, vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư được phát huy mạnh mẽ với quyết tâm chính trị cao, kiên trì, quyết liệt, đồng bộ, phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2024.
Nguyệt Hà