Để tháo gỡ bất cập trong bố trí cán bộ, công chức giữa những địa phương có quy mô dân số quá lớn và địa phương ít dân số, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo để trình Chính phủ ban hành nghị định mới quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Để tháo gỡ bất cập trong bố trí cán bộ, công chức giữa những địa phương có quy mô dân số quá lớn và địa phương ít dân số, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo để trình Chính phủ ban hành nghị định mới quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Cán bộ, công chức Bộ phận một cửa P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) đang giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: H.Thảo |
* Từ những bất cập trong thực tế...
Theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, số lượng cán bộ, công chức cấp xã loại I không quá 25 người; loại II không quá 23 người và loại III không quá 21 người.
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Theo đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã ở mỗi loại giảm 2 người, cụ thể loại I không quá 23 người; loại II không quá 21 người và loại III không quá 19 người.
Dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố còn có một số điểm mới về bầu cử, tuyển dụng, bãi nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và chế độ lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã. |
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cũng giảm tương ứng, như loại I từ không quá 22 người xuống 14 người; loại II không quá 20 người xuống còn 12 người; loại III không quá 19 người xuống còn tối đa 10 người.
Từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW, cả nước giảm 20.833 cán bộ, công chức cấp xã so với năm 2015.
Bên cạnh những kết quả tích cực từ việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy cũng đã phát sinh không ít điểm nghẽn vì không phù hợp thực tế. Sau sáp nhập, diện tích tự nhiên ở một số địa phương lớn và dân số tăng lên, cùng với đó là tăng dân số cơ học ở những đô thị, địa phương có nhiều khu công nghiệp, dẫn đến khối lượng công việc ở không ít đơn vị hành chính cấp xã tăng mạnh, tạo áp lực cho cán bộ, công chức cấp xã.
Tổng hợp các kiến nghị từ nhiều tỉnh, thành phố và cử tri cả nước về tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy mô dân số; bổ sung chức danh công chức văn phòng Đảng ủy, chức danh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra..., Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo để trình Chính phủ ban hành nghị định mới.
* Sửa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Trên cơ sở giữ nguyên quy định số cán bộ, công chức theo phân loại đơn vị hành chính như hiện hành, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định tăng thêm số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tại những đơn vị có dân số đông.
Cụ thể, với phường thuộc quận: cứ tăng thêm đủ 5 ngàn người dân được tính thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách. Phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: cứ tăng thêm đủ 3.500 người được tính thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách. Phường thuộc thị xã và xã miền núi, vùng cao: cứ tăng thêm đủ 2.500 người được tính thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách. Thị trấn và xã đồng bằng: cứ tăng thêm đủ 4 ngàn người được tính thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách. Xã và thị trấn ở hải đảo: cứ tăng thêm đủ 1.600 người được tính thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách. Phường ở hải đảo: cứ tăng thêm đủ 1.400 người được tính thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.
Theo Bộ Nội vụ, nếu thực hiện các quy định trên, cần tăng thêm 7.418 cán bộ, công chức cấp xã và 7.418 người hoạt động không chuyên trách. Trong bối cảnh nước ta tiếp tục phải thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18-NQ/TW nhưng Bộ Nội vụ vẫn mạnh dạn đề xuất tăng biên chế cho cấp xã, nhằm giải quyết bài toán thực tiễn đặt ra.
Ngoài ra, dự thảo nghị định còn quy định về phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Theo đó, do chưa sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức nên chưa thể quy định công chức cấp xã có chức danh văn phòng Đảng ủy cấp xã, vì thế dự thảo nghị định bổ sung quy định về phụ cấp kiêm nhiệm theo hướng: cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm vụ của văn phòng Đảng ủy được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm như đối với kiêm nhiệm chức danh cán bộ, công chức.
Thường trực Đảng ủy xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) Vũ Kim Thành chia sẻ, quy định hiện hành là cán bộ, công chức kiêm nhiệm vụ của văn phòng Đảng ủy cấp xã chỉ được hưởng phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách, quy định này chưa tương xứng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và đóng góp của văn phòng Đảng ủy cấp xã trong hệ thống chính trị ở địa phương. Do đó, cán bộ văn phòng Đảng ủy cấp xã cần được đưa vào là công chức cấp xã, như vậy thì việc tuyển dụng mới có chất lượng.
Phương Hằng