Tỉnh ủy, Ban TVTU luôn xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Tỉnh ủy, Ban TVTU luôn xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng thăm hỏi người dân khu tái định cư dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: P.Hằng |
Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
* Chất lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng cao
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt cho biết, để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, Tỉnh ủy đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý với các tiêu chí được xây dựng cụ thể, mang tính định lượng cao, trong đó xác định tỷ lệ hoàn thành khối lượng, tiến độ, hiệu quả công việc được giao và kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ làm thước đo chính.
Tại hội nghị giao nhiệm vụ năm 2023 cho bí thư cấp huyện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH đã nói về 4 thách thức hiện nay của Đồng Nai, đó là tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh lân cận, thể hiện thu ngân sách có chiều hướng sụt giảm; chậm trong phát triển hạ tầng xã hội; an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều phức tạp; khả năng năng động của đội ngũ cán bộ phải nỗ lực nhiều hơn. Để giải quyết 4 thách thức này, Bí thư Tỉnh ủy đã đề cập đến nhiều giải pháp, trong đó có công tác cán bộ. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị bí thư các cấp ủy trực thuộc tỉnh phải xem xét, bố trí cán bộ phù hợp, không để cán bộ “ngồi nhầm ghế”, người nào không phát huy hiệu quả công việc thì phải thay. Nếu thấy cán bộ “ngồi” ở vị trí không phù hợp mà để mãi như vậy thì chẳng khác nào đánh đổi sự nghiệp của địa phương mình với những cán bộ như thế và đồng nghĩa với việc chấp nhận công việc ở khâu đó trì trệ. Do đó, cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ để bố trí cán bộ phù hợp, công tâm, khách quan. |
Thực hiện chặt chẽ quy trình giới thiệu cán bộ vào nguồn quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chú trọng chất lượng cán bộ quy hoạch, quan tâm quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Tiêu chuẩn, đối tượng cán bộ đưa vào quy hoạch được công khai; việc rà soát, bổ sung quy hoạch được thực hiện thường xuyên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ và nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh theo yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn, trang bị cho cán bộ kiến thức về chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Hỗ trợ, tạo điều kiện cán bộ nâng cao trình độ sau đại học. Định kỳ hàng năm mở các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Ở những cơ quan, đơn vị trì trệ, yếu kém, có biểu hiện mất đoàn kết đều được củng cố về công tác tổ chức trước khi tiến hành quy trình xem xét bổ nhiệm cán bộ. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ được cấp ủy, UBKT các cấp giải quyết đúng nguyên tắc, thẩm quyền. Cán bộ nào có sai phạm thì xử lý nghiêm.
Với giải pháp ở từng khâu trong công tác cán bộ nói trên, chất lượng đội ngũ cán bộ đã được nâng lên đáng kể. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh là 42.863 người; số người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 5.885 người. So với năm 2015, số người có trình độ đại học trở lên tăng gần 16% và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên tăng gần 15%. Tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, điều hành, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
* Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là những người tiêu biểu về mọi mặt
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ còn những hạn chế. Đó là, chất lượng cán bộ đã được nâng lên nhưng cơ cấu chưa thực sự cân đối, tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) giữ chức vụ lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh và cấp huyện còn thấp (cấp tỉnh chiếm 7,64% và cấp huyện chiến 7,48%). Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở một số đơn vị; đặc biệt là thiếu cán bộ chuyên môn sâu một số lĩnh vực như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, môi trường, khoa học - công nghệ, quy hoạch - kiến trúc, y tế... Hiện số cán bộ thuộc diện Ban TVTU quản lý có chuyên ngành đào tạo lĩnh vực y tế chỉ chiếm 1,9%; lĩnh vực TN-MT chiếm 2,66%; lĩnh vực nông nghiệp chiếm 7,6%; lĩnh vực KH-CN chiếm 14,44%.
Một bộ phận cán bộ chậm đổi mới tư duy, thiếu chủ động, chưa mạnh dạn sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Một số cán bộ lãnh đạo chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế. Một số cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phải xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.
Thực hiện các quy định, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị khóa XIII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Tỉnh ủy đã có Quy định 21-QĐ/TU ngày 27-2-2023 về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quy định này có 3 chương, 32 điều, quy định tiêu chuẩn áp dụng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho biết, trong quy định nêu rõ, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có phẩm chất đạo đức trong sáng; tâm huyết, trách nhiệm với công việc; thương yêu đồng chí, đồng nghiệp; không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi và tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là những người công bằng, chính trực, biết trọng dụng người tài; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
Là cán bộ lãnh đạo, quản lý thì phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo. Có khả năng phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, thuận lợi, vấn đề mới, khó, những hạn chế, bất cập trong thực tiễn; mạnh dạn đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để phát huy, thúc đẩy hoặc tháo gỡ...
Phương Hằng