Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường giải pháp để phụ nữ tham chính một cách công bằng

07:03, 13/03/2023

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phụ nữ là lực lượng đông đảo của cách mạng. Vì vậy, trong bản Di chúc sửa năm 1968, Người căn dặn: "Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo…".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phụ nữ là lực lượng đông đảo của cách mạng. Vì vậy, trong bản Di chúc sửa năm 1968, Người căn dặn: "Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo…".

Cán bộ hội LHPN các cấp tham gia trao đổi kiến thức tại hội nghị báo cáo viên do Hội LHPN tỉnh tổ chức
Cán bộ hội LHPN các cấp tham gia trao đổi kiến thức tại hội nghị báo cáo viên do Hội LHPN tỉnh tổ chức

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, trong đó có công tác cán bộ nữ nhằm hướng tới các mục tiêu thực hiện quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ.

Tỷ lệ cán bộ nữ vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra

Trao đổi tại buổi tọa đàm Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ cũng như công tác cán bộ nữ, Việt Nam đã có chuyển biến tích cực về bình đẳng giới. Về thực hiện bình đẳng giới, Việt Nam được xếp loại cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập. Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận đã có nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới, trong đó có nỗ lực tăng tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý các cấp.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ĐÀO MINH TÚ cho rằng, sự phấn đấu của mỗi chị em vẫn là yếu tố quyết định. Bởi, các tổ chức làm tốt mà bản thân chị em không phấn đấu, nhất là trong điều kiện hiện nay thì rất khó để đạt được mục tiêu.

Thực tế, phụ nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị. Đội ngũ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo, quản lý, đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ngày càng tăng về số lượng, chất lượng.

Tuy nhiên, căn cứ vào các chỉ tiêu của Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 11), Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và một số văn bản của Đảng, tỷ lệ cán bộ nữ hiện nay vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ cán bộ nữ có sự tăng trưởng, song tỷ lệ tăng chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ.

Cụ thể, Nghị quyết số 11 đề ra mục tiêu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên nhưng thực tế hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đạt 9,5%, nữ tham gia ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 13,3%, nữ tham gia Ban chấp hành Đảng cấp huyện đạt 17,3% và cấp xã đạt 20,8%.

Liên quan đến tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, Nghị quyết 11 đề ra chỉ tiêu tỷ lệ nữ đạt từ 35-40% đến năm 2020 nhưng thực tế hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 30,26%; nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 29%, nữ đại biểu HĐND cấp huyện đạt 29,2% và nữ đại biểu HĐND cấp xã là 28,98%...

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ, nhưng việc thực hiện các chủ trương, chính sách này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, hiện nay hệ thống pháp luật Việt Nam đã quy định cơ bản đầy đủ các quyền của phụ nữ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện các chủ trương, chính sách còn gặp khó khăn, hạn chế. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm ban hành dẫn đến các chính sách, quy định không đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như, Nghị định số 39/2015/NĐ-CP hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách cho đến nay đã 9 năm nhưng vẫn chưa được thực hiện. Hay Khoản 4, Điều 14 Luật Bình đẳng giới quy định nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa triển khai chính sách này do chưa có văn bản hướng dẫn.

Một số chính sách, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới đã được ban hành nhưng trên thực tế chưa phát huy hiệu quả, thậm chí có những quy định mang tính ưu tiên lại trở thành rào cản đối với phụ nữ khi tham gia vào các hoạt động xã hội.

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò của phụ nữ còn hạn chế. Việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác cán bộ nữ chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Chủ trương công tác cán bộ nữ chưa được quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc ngay từ khâu quy hoạch, đào tạo, bố trí, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Điều này cũng là những bất cập dẫn đến tỷ lệ cán bộ nữ tham gia hệ thống chính trị, nhất là tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý còn hạn chế. Bên cạnh đó, vai trò của tổ chức hội LHPN các cấp trong tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ trong từng thời kỳ còn hạn chế; một bộ phận phụ nữ chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình, chưa thực sự chủ động phấn đấu vươn lên…

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu

Bên cạnh đánh giá thực trạng, chỉ ra những khó khăn, bất cập, hầu hết các ý kiến trao đổi tại tọa đàm đều đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, công tác cán bộ nữ của tỉnh đạt kết quả tích cực. Trong đó, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh chiếm 21,2%, cấp huyện chiếm 23%, cấp xã 21,3%. Thời điểm này, tỉnh Bắc Kạn có 4/15 nữ tham gia Ban TVTU (chiếm 26,7%); 100% các huyện, thành phố đều có nữ tham gia Ban thường vụ Huyện ủy, Thành ủy. Đại biểu Quốc hội có 50% đại biểu là nữ; đại biểu HĐND tỉnh có 50% đại biểu nữ… Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tăng. 

Có được kết quả này, kinh nghiệm của tỉnh Bắc Kạn là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc cụ thể hóa các Nghị quyết, Kết luận thành kế hoạch phù hợp với địa phương. Trong công tác quy hoạch, tỉnh quy hoạch cán bộ nữ với tỷ lệ cao. Đối với cấp ủy cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2025-2030 có 41,75% cán bộ nữ được quy hoạch; cấp huyện có 50,11% cán bộ nữ được quy hoạch. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành đề án nhằm tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số…

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, trong đó có việc nâng cao nhận thức cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới.

Bên cạnh đó bổ sung, thực hiện hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam; có giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế về chính sách, pháp luật, tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ. Cùng với việc động viên đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, cấp ủy, chính quyền cần quan tâm phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm… đảm bảo đạt tỷ lệ nữ trong hệ thống chính trị. Đồng thời tăng cường sự tham gia tích cực của cán bộ nam trong việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ nữ.

Nga Sơn

Tin xem nhiều