Ngày 17-3-1975, Chi khu Định Quán (H.Định Quán ngày nay) được hoàn toàn giải phóng, tạo đà cho quân chủ lực của ta tiếp cận từ các hướng tiến về giải phóng Sài Gòn - kết thúc cuộc kháng chiến 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc…
Ngày 17-3-1975, Chi khu Định Quán (H.Định Quán ngày nay) được hoàn toàn giải phóng, tạo đà cho quân chủ lực của ta tiếp cận từ các hướng tiến về giải phóng Sài Gòn - kết thúc cuộc kháng chiến 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thăm một doanh nghiệp tại H.Định Quán. Ảnh: NGUYỆT HÀ |
Từ gian khổ, khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân H.Định Quán đã nỗ lực vươn lên, tạo sự đổi thay, khởi sắc cho vùng đất này. Bí thư Huyện ủy Định Quán Trần Bá Đạt cho rằng, sau gần 5 thập kỷ giải phóng, huyện đã vươn lên mọi mặt, đời sống người dân từng ngày được nâng cao… Thành quả này là sự tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ đi trước đã đổ máu xương cho hòa bình, độc lập và giải phóng hoàn toàn H.Định Quán.
Tạo đà tiến công giải phóng Sài Gòn
Đồng chí Trần Bá Đạt cho biết thêm, kỷ niệm 48 năm giải phóng Định Quán năm nay gắn với kỷ niệm 75 năm Chiến thắng La Ngà - trận đánh giao thông đầu tiên trên quốc lộ 20 trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cựu chiến binh NGUYỄN ĐÀI LOAN (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) chia sẻ: “Truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương gắn với những chiến công vang dội của quân và dân ta đã trở thành nguồn tư liệu quý để chúng tôi giáo dục thế hệ trẻ, nhất là các dịp trước khi lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đây cũng là truyền thống quý báu để tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, hội viên cựu chiến binh trên địa bàn”… |
Theo nhiều cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng Chi khu Định Quán 48 năm trước, vào những ngày đầu tháng 3-1975, nhất là khi tin quân dân ta thắng lợi ở Chiến dịch Tây nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột, địch ở Chi khu Định Quán, đồn lính bảo an 125 (khu vực Phú Ngọc - La Ngà ngày nay) có biểu hiện hoảng loạn. Đây là thời cơ tốt để bộ đội ta phối hợp cùng quân, dân địa phương và các đơn vị phối thuộc tận dụng cơ hội.
Thượng tá Nguyễn Trọng Tiết, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho hay, thắng lợi của chiến dịch Buôn Ma Thuột đã tạo khí thế cách mạng sôi nổi; đồng thời động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái chuẩn bị và sẵn sàng giải phóng khi thời cơ đến.
Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền nhận định: Địch sẽ dùng quốc lộ 20 phía Nam Xuân Lộc để nối đường 21, chi viện cho Tây Nguyên. Chi khu Định Quán là điểm phòng thủ án ngữ đường 20 nên Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo Quân Giải phóng (chủ lực là Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) phối hợp với lực lượng địa phương tấn công địch trên địa bàn.
“Mất Buôn Ma Thuột, căn cứ Tây nguyên rung chuyển, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến Tây nguyên động viên quân sĩ của chính quyền Sài Gòn quyết tâm tử thủ nhằm giành lại Buôn Ma Thuột, nhưng không thành. Cùng với sự tấn công như vũ bão của quân giải phóng và yếu tố mới xe tăng quân cách mạng xuất hiện, bọn chúng đã náo loạn” - thượng tá Nguyễn Trọng Tiết nhớ lại…
Theo các nhân chứng lịch sử, ngày 17-3, cuộc tiến công đường 20 bắt đầu, quân giải phóng đánh vào các phân, chi khu quân sự của địch và giằng co ác liệt tại các điểm: La Ngà, Núi Tràn, đồi Lăng Xi, cao điểm 112, Chi khu Định Quán... Đến chiều tối cùng ngày, quân ta giải phóng Chi khu Định Quán, tạo điều kiện cho quân chủ lực cách mạng bao vây, tiến công TX.Long Khánh (TP.Long Khánh ngày nay), mở cánh cửa phía Đông tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc …
Nỗ lực vươn lên
Về Định Quán hôm nay, chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ, sự khởi sắc của vùng đất gian khó từng bị bom đạn cày xới và cuộc sống mới của người dân nơi đây mới thấy hết ý nghĩa của công cuộc đổi mới, của thành quả xây dựng nông thôn mới và các chủ trương, chính sách của Đảng tại địa phương.
Các sở, ngành của tỉnh khảo sát tại Khu du lịch Tropical eGlamping (xã La Ngà, H.Định Quán) |
Ông Trần Nam Biên, Chủ tịch UBND huyện cho biết, H.Định Quán có 1 thị trấn và 12/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến cuối năm 2022, Định Quán đã xây dựng thành công 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
“Bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp, thực sự là những vùng quê đáng sống. Vùng đất và con người Định Quán đã và đang để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng bạn bè về những huyền thoại trong quá khứ, sự kỳ vọng vào một tương lai phát triển. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… được đầu tư đồng bộ để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đời sống người dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân hiện đạt trên 69 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được quan tâm chăm lo…” - ông Trần Nam Biên nhấn mạnh.
Cùng với hàng loạt chiến công trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, H.Định Quán có 17 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 3 đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1998, Tượng đài chiến thắng La Ngà được xây dựng tại Khu di tích Chiến thắng La Ngà. |
Đồng bào các dân tộc Kinh, Chơro, Châu Mạ, S’tiêng… sống hòa đồng, đoàn kết cùng chung tay xây dựng quê hương. Lịch sử đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc H.Định Quán gắn liền với Chiến khu Đ tiếp giáp địa bàn. Địa danh La Ngà đi vào lịch sử với trận phục kích diệt đoàn xe quân sự Pháp ngày 1-3-1948 cách đây 75 năm.
Định Quán cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, phát triển các ngành nghề du lịch, dịch vụ, khai thác các tiềm năng lợi thế. Ông Phạm Đình Nguyên, đại diện 2 khu du lịch Tropical eGlamping và Panorama Glamping (ấp Mít Nài, xã La Ngà) chia sẻ: “Với tiềm năng lợi thế của vùng đất Định Quán, nhất là tại 2 điểm mà chúng tôi đang khai thác chính là sự khởi sắc, kết hợp hài hòa giữa vùng đất lịch sử gắn với thiên nhiên và con người hiền hòa. Việc khai thác thế mạnh về du lịch vừa giải quyết việc làm cho người dân địa phương, vừa tạo thêm điểm nhấn để du khách có nhiều trải nghiệm thú vị”.
Đây cũng là ý tưởng của ông Phạm Văn Tài, đại diện Khu du lịch Lưng Chừng Mây (xã La Ngà. Ông Tài cho biết: “Nằm ngay trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, là vùng đất anh hùng trong kháng chiến, năng động, thân thiện trong đổi mới, chúng tôi nghĩ khai thác các thế mạnh này chắc chắn vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, vừa nâng cao hơn nữa đời sống mọi mặt của người dân - một trong những mục tiêu mà công cuộc đổi mới, xây dựng nông thôn mới hướng tới”.
Phó chủ tịch UBND xã La Ngà Nguyễn Thị Mây khẳng định, với sự năng động của các nhà đầu tư, khai thác các tiềm năng du lịch, cùng các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chắc chắn vùng đất cách mạng xưa sẽ vươn mình mạnh mẽ.
Bà Mây cho biết thêm, La Ngà đã là xã nông thôn mới nâng cao, đang phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Trước mắt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đang nỗ lực xây dựng ấp 4 trở thành khu dân cư kiểu mẫu trong năm 2023…
Nguyệt Hà