Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Những vướng mắc, phát sinh

07:03, 28/03/2023

Nhìn tổng thể, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã mang lại nhiều kết quả nổi bật.

[links()]Nhìn tổng thể, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã mang lại nhiều kết quả nổi bật.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước nắm bắt tình hình công tác dân vận và mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Thống Nhất. Ảnh: P.Hằng
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước nắm bắt tình hình công tác dân vận và mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Thống Nhất. Ảnh: P.Hằng

Tuy nhiên, sau sắp xếp đã nảy sinh không ít bất cập, chưa phù hợp thực tế về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, chế độ chính sách của một số cơ quan, đơn vị.

* Chưa có các hướng dẫn kịp thời

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa Lâm Tấn Khải thông tin, từ tháng 3-2019 đến nay, Biên Hòa đã thực hiện mô hình trưởng ban dân vận Thành ủy kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Việc thực hiện mô hình này giúp trưởng ban dân vận đồng thời làm chủ tịch MTTQ thành phố nắm được toàn diện công việc của khối vận, khắc phục sự cồng kềnh của bộ máy, giúp việc triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, mô hình này đã triển khai được một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về xây dựng quy chế làm việc, quy định chức năng nhiệm vụ và các tiêu chí đánh giá xếp loại, khiến việc thực hiện mô hình này còn nhiều lúng túng, bị động.

Dù bước đầu thực hiện mô hình đã tạo nên những thay đổi tích cực đến tổ chức bộ máy nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại do ở Đảng bộ TP.Biên Hòa số lượng tổ chức Đảng và đảng viên đông nhất tỉnh (gần 23 ngàn đảng viên) và hơn 1,2 triệu dân nên một người cùng lúc làm lãnh đạo (người đứng đầu) cả 2 cơ quan rất khó khăn, thậm chí khó sâu sát với công việc.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy PHẠM XUÂN HÀ cho rằng, việc tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế phải được tiến hành đúng bản chất của nó, chẳng hạn có tỉnh đã thực hiện 100% bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố nhưng ở Đồng Nai, không ít khu phố có hàng chục ngàn dân nên không thể cào bằng, mà phải tùy vào từng địa bàn dân cư để bố trí mô hình kiêm nhiệm.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Nghị nhận định, ban dân vận và ủy ban MTTQ Việt Nam huyện - 2 cơ quan này tuy có nhiều nội dung, góc độ liên quan nhưng đi sâu vào từng lĩnh vực lại mang tính độc lập. Chế độ chính sách cho chức danh kiêm nhiệm còn nhiều bất cập: các khoản lương, công tác phí, làm thêm giờ của cán bộ kiêm nhiệm do Ban Dân vận Huyện ủy trả, song các nhiệm vụ làm ngoài giờ hành chính lại phần lớn thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, nên việc thanh, quyết toán chế độ còn nhiều bất cập.

Vừa qua, khi đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, các cấp ủy, đơn vị, địa phương trong tỉnh đều thấy rằng, việc thực hiện mô hình kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của 2 cơ quan, người đứng đầu đôi khi chưa thực sự sâu sát, còn lúng túng trong xử lý công việc và nhầm lẫn vị trí, hiệu quả không cao; một số nơi phụ thuộc nhiều vào cấp phó.

Việc thực hiện quyền hạn được giao trong mối quan hệ công tác có những bất cập ảnh hưởng đến tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ và sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành (như đồng chí trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ huyện, hoặc đồng chí chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra huyện vừa là ủy viên thường vụ huyện ủy, vừa là ủy viên UBND huyện, trong khi phó chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực thanh tra chỉ là ủy viên ban chấp hành Đảng bộ huyện).

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu đối với các hoạt động của cơ quan nơi kiêm nhiệm chức danh chưa toàn diện do người đứng đầu không sinh hoạt và không giữ chức vụ tại chi bộ cơ quan nơi kiêm nhiệm (như đồng chí trưởng ban dân vận, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra thì sinh hoạt tại chi bộ cơ quan thuộc Đảng bộ cơ sở khối Đảng)...

* Chủ yếu mới làm theo kiểu cơ học

Đối với mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình này chỉ phù hợp với những ấp, khu phố có diện tích nhỏ và dân số ít; còn nơi nào diện tích rộng, dân số đông thì không thể kham nổi.

Bà Nguyễn Thị Trúc Lúy, Bí thư Chi bộ ấp Tân Thành (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) bộc bạch, trước đây bí thư chi bộ ấp và trưởng ấp là 2 người khác nhau, do đó có những việc khi đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến thì mỗi người mỗi ý nên có lúc, có việc phải tổ chức vài cuộc họp mới đi đến thống nhất ý kiến. Hiện nay, một người vừa là bí thư, vừa là trưởng ấp, mọi việc của ấp, mình đều nắm được, từ công tác Đảng đến công tác chính quyền và đời sống của người dân, do đó công việc được triển khai nhanh hơn, không phải qua khâu trung gian, tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tốt năng lực người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, chế độ chính sách cho chức danh kiêm nhiệm chưa tương xứng với nhiệm vụ được phân công đảm nhiệm.

Bà Lúy bộc bạch: “Trước đây, khi chỉ làm bí thư chi bộ ấp, tôi còn có thời gian làm các công việc khác để có thêm thu nhập cho gia đình, nay công việc dồn dập, một người “gánh” 2 vai: vừa công tác Đảng, vừa công tác chính quyền, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như vừa qua, quá vất vả”.

Ngoài những bất cập về mô hình kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu, còn có hạn chế, bất cập khác.

Theo Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà, một số cơ quan tham mưu của Đảng đã có hướng dẫn từ Trung ương xuống cấp huyện về cơ cấu tổ chức bộ máy nhưng riêng ngành Tuyên giáo chưa có hướng dẫn nên ban tuyên giáo ở mỗi tỉnh có những mô hình khác nhau, có tỉnh có 4 phòng chuyên môn, có tỉnh có 5 phòng chuyên môn, còn ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai có 3 phòng chuyên môn. Do giảm từ 6 phòng chuyên môn xuống còn 3 phòng chuyên môn nên hiện ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai có một phòng chuyên môn có tên rất dài: “Phòng Hành chính - tổng hợp, khoa giáo, văn hóa - văn nghệ”. Phòng này được nhập từ Văn phòng của Ban Tuyên giáo, Phòng Khoa giáo và Phòng Văn hóa - văn nghệ.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi nhận xét, khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức, đơn vị hành chính thuộc sở thì có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 7 chi cục chuyên ngành và 1 tổ chức; nay còn 4 phòng, 5 chi cục và 1 đơn vị. Qua việc sáp nhập Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và Chi cục Thủy lợi thành Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi trực thuộc sở đã cho thấy những hạn chế, khó khăn nhất định do tính chất công việc chuyên môn đặc thù, chưa tương đồng đều nên hiệu quả hoạt động của đơn vị chưa cao.

Còn Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thống Nhất Nguyễn Huy Du thẳng thắn nhìn nhận, việc tinh giản biên chế còn nhiều hạn chế, tuy đã giảm được 10% biên chế công chức theo mục tiêu đề ra nhưng phần lớn đối tượng giảm là cán bộ, công chức nghỉ hưu đúng tuổi và cắt giảm biên chế. Bởi vì, hàng năm rất ít cán bộ, công chức, viên chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ mà gần như đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên nên khó tinh giản được số người làm việc không thực sự hiệu quả.

Nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, nhưng việc sắp xếp còn mang tính cơ học, chủ yếu làm giảm đầu mối quản lý vì về thực chất sau khi sáp nhập, một số phòng, ban trực thuộc sở, ngành lại có quy mô lớn hơn, nhiều mảng công việc chức năng khác nhau nên gặp không ít khó khăn trong phân công công việc và bố trí cán bộ, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Như ở huyện đã hợp nhất ban quản lý khai thác công trình thủy lợi, trạm bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông để thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp; đồng thời, thành lập trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao huyện trên cơ sở sáp nhập trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao, đài truyền thanh huyện, thư viện và kho lưu trữ, quản lý đền liệt sĩ...

Phương Hằng

Bài 3: Tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn

Tin xem nhiều