Đúng 50 năm trước, ngày 27-1-1973, tại Paris (Pháp), Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) đã được ký kết, tạo cơ hội giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đúng 50 năm trước, ngày 27-1-1973, tại Paris (Pháp), Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) đã được ký kết, tạo cơ hội giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Quang cảnh lễ ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 tại Paris, Pháp Ảnh: Nguồn Internet |
Có được kết quả này, nhân dân Việt Nam ở cả 2 miền Nam - Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì, bền bỉ chiến đấu đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ trên mọi mặt trận.
Thành quả đấu tranh kiên cường của dân tộc ta
Từ cuối những năm 1940, Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam và Đông Dương bằng cách chi viện ngày càng nhiều cho thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954). Từ năm 1954, Mỹ đã phá hoại Hiệp định Genève về Đông Dương và thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, lần lượt tiến hành nhiều chiến lược như: Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh… Đặc biệt, cùng với các phương tiện chiến tranh hiện đại và những khoản tiền khổng lồ, từ năm 1960, Mỹ đã không ngừng đưa quân vào miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc…
Nội dung của Hiệp định Paris ghi rõ: Mỹ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; rút hết quân viễn chinh và quân các nước thân Mỹ, phá hết các căn cứ quân sự Mỹ, không dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử tự do… |
Trước tình hình Mỹ ngày càng leo thang, dấn sâu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên cường chống lại đế quốc Mỹ và giành được những thắng lợi to lớn. Trong đó, thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam Tết Mậu Thân năm 1968 là đòn bất ngờ làm cho địch choáng váng, làm cho phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi rút hết quân đội về nước của nhân dân dấy lên khắp nước Mỹ. Hạ nghị viện Mỹ cũng ra quyết nghị đòi rút tất cả quân đội Mỹ ở Việt Nam về nước trong thời gian ngắn nhất.
ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai cho biết, Hiệp định Paris không chỉ là thành quả đấu tranh của quân và dân ta trên mặt trận quân sự mà còn là kết quả đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Hội nghị Paris diễn ra từ ngày 13-5-1968 nhưng phải đến ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam mới chính thức được ký kết. Đây là cuộc đàm phán dài nhất thế giới với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1 ngàn cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới.
Đáng chú ý là trong thời gian diễn ra đàm phán, Mỹ đã có động thái trì hoãn việc ký kết hiệp định, nhất là sau khi Nixon trúng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2. Ngày 18-12-1972, chính quyền Nixon đã tổ chức chiến dịch đánh phá bằng máy bay chiến lược B52 với quy mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh không quân ở miền Bắc Việt Nam nhằm gây tổn thất lớn nhất có thể, ép Việt Nam dân chủ cộng hòa chấp nhận điều kiện của Mỹ tại bàn đám phán Paris. Tuy nhiên, quân và dân Việt Nam kiên quyết đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược 12 ngày đêm của Mỹ, làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Bị thất bại nặng nề, Mỹ buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris và 4 nghị định thư liên quan chính thức được ký kết và thi hành, buộc Mỹ phải rút khỏi
Việt Nam.
Tạo cơ hội "đánh cho ngụy nhào"
Theo ThS Trần Quang Toại, Hiệp định Paris được ký kết đã tạo sự thay đổi trong so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương theo hướng có lợi cho cách mạng, tạo cơ hội để nhân dân ta tiến lên "đánh cho ngụy nhào".
Bởi sau thất bại trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương, Mỹ buộc phải lùi bước trong chiến tranh, đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 2 tháng sau (ngày 27-3-1973) phải rút hết quân về nước. Vì vậy, việc viện trợ của Mỹ cho chính quyền Sài Gòn về mặt quân sự bị cắt giảm dần.
Sách Đại cương Lịch sử Việt Nam do NXB Giáo Dục phát hành ghi: "…từ 1.614 triệu đô la năm 1972-1973, rút xuống còn 1.026 triệu đô la năm 1973-1974 và 701 triệu đô la năm 1974-1975…". Về chính trị, chính quyền Sài Gòn lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, quân đội của họ liên tiếp bị trừng trị bởi những đòn nặng nề của quân giải phóng, vùng kiểm soát của họ bị thu hẹp. Về kinh tế, miền Nam vẫn là kinh tế thuộc địa, hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế Mỹ và sự viện trợ của Mỹ. Về phía Mỹ, sau khi quân đội rút khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ rơi vào khủng hoảng, kinh tế suy thoái, lạm phát và thất nghiệp tăng lên, xã hội Mỹ rối loạn…
Trong khi đó, Hiệp định Paris được ký kết với việc chấm dứt sự có mặt của quân đội Mỹ trên đất nước ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Trong sách Đại cương Lịch sử Việt Nam có nêu: Ở miền Nam Việt Nam có chính quyền cách mạng từ Trung ương đến cơ sở, có lực lượng vũ trang ba thứ quân lớn mạnh, có vùng giải phóng rộng lớn, chiếm ba phần tư đất đai với một phần ba số dân… Trong vùng giải phóng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp vẫn từng bước được khôi phục, một số cơ sở công nghiệp bước đầu được phục hồi và xây dựng thêm, nối liền các địa phương trong vùng… Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam có căn cứ địa và hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa không ngừng lớn mạnh, có điều kiện phát huy vai trò đối với tiền tuyến lớn miền Nam…
Với điều kiện thuận lợi ấy, nhân dân miền Nam đã đẩy mạnh đấu tranh chống lại âm mưu và hành động mới của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Từ cuối năm 1973, quân và dân ta không chỉ bảo vệ được vùng giải phóng và căn cứ còn lại của ta mà còn lấy lại được nhiều vùng do địch lấn chiếm, mở rộng thêm vùng giải phóng và nhiều hành lang chiến lược. Kết hợp với đấu tranh quân sự, quân và dân ta ở miền Nam còn đẩy mạnh đấu tranh chính trị đòi đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, thực hiện các quyền tự do dân chủ… Bên cạnh đó, đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao nhằm tố cáo hành động của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong việc vi phạm Hiệp định Paris, phá hoại hòa bình, nêu cao tính chất chính nghĩa trong cuộc chiến đấu của nhân dân ta.
Trong bối cảnh so sánh lực lượng ở miền Nam có lợi cho cách mạng, hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30-9 đến 7-10-1974) và hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hội nghị đã phân tích, đánh giá chính xác sự phát triển của tình hình, đề ra phương hướng hành động đúng đắn, thể hiện quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Sau gần 2 tháng diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với 3 chiến dịch lớn (gồm: chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh) cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nga Sơn