Báo Đồng Nai điện tử
En

Gương sáng trong đồng bào dân tộc thiểu số

07:12, 19/12/2022

Đồng Nai là nơi sinh sống của gần 199 ngàn người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc 51 thành phần dân tộc. Thời gian qua, nhiều cá nhân trong đồng bào đã tích cực hỗ trợ cộng đồng, tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đảm nhận công tác hòa giải ở cơ sở…

Đồng Nai là nơi sinh sống của gần 199 ngàn người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc 51 thành phần dân tộc. Thời gian qua, nhiều cá nhân trong đồng bào đã tích cực hỗ trợ cộng đồng, tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đảm nhận công tác hòa giải ở cơ sở…

Bà Sou A Tah (dân tộc Chăm, ngụ xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc, bên phải) tặng quà hỗ trợ một gia đình trong ngày nhận bàn giao nhà
Bà Sou A Tah (dân tộc Chăm, ngụ xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc, bên phải) tặng quà hỗ trợ một gia đình trong ngày nhận bàn giao nhà

Từ những việc làm ý nghĩa này, nhiều người DTTS đã trở thành tấm gương sáng, được cộng đồng tin tưởng, tín nhiệm.

* Tay cuốc, tay đàn bảo tồn văn hóa dân tộc

Ông Điểu Toa (dân tộc Chơro, xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) làm nhiều nghề khác nhau từ phụ hồ, chăn nuôi gia cầm, làm rẫy đến “tay” chạy âm thanh ánh sáng, chơi nhạc cho đám tiệc… để kiếm sống.

Rong ruổi qua nhiều nơi, làm nhiều nghề và gánh nặng cuộc sống gia đình luôn đè nặng là vậy nhưng nhiều năm qua, ngôi nhà cấp 4 lọt thỏm giữa vườn cao su của gia đình ông ít khi vắng người lui tới. Bởi đây là nơi ông Điểu Toa tổ chức lớp tập cồng chiêng cho thanh thiếu nhi trong cộng đồng. “Mình không có cơ hội học đến nơi đến chốn. Nhưng mà làm sao để con cháu mình về sau biết đánh cồng, chiêng, giữ được tiếng nói là điều mình luôn mong muốn” - ông Điểu Toa chia sẻ.

Ngày 20-12, UBND tỉnh tổ chức lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi DTTS tiêu biểu tỉnh Đồng Nai lần thứ II-2022. Trong đó, có 70 cá nhân được UBND tỉnh trao tặng bằng khen và 190 người được nhận tuyên dương của Ban Dân tộc tỉnh.

Để lớp học có bài bản, thay vì “biết gì dạy đó”, ông Điểu Toa kết nối thêm những bậc cao niên am hiểu về truyền thống dân tộc trong cộng đồng đứng ra chỉ dạy cho bọn trẻ. Em Điểu Đình Nhân (10 tuổi, ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện) nói: “Những buổi đầu con ngại tập vì không biết gì. Rồi ngày nào cha mẹ, ông bà cũng mong con đến tập đánh chiêng để sau này trong nhà có người biết đánh nên con cố gắng tham gia. Lâu dần con đã biết đánh những bài cơ bản và thấy thích lắm”. 

Để con cháu trong cộng đồng phát âm đúng tiếng nói của cộng đồng, ông mày mò phiên âm tiếng nói của dân tộc ra chữ quốc ngữ trên sách. “Chơro là một trong những dân tộc bản địa tại Đồng Nai. Mọi thứ đều truyền miệng nên đôi khi có nhiều dị biệt trong cách phát âm. Mình cũng tham khảo nhiều nguồn, nhờ những người hiểu biết trong cũng như ngoài cộng đồng chỉ dạy. Có phần đã hoàn thành nhưng có chỗ thì chưa, do đó mà mấy năm rồi việc vẫn chưa xong. Mình sẽ cố gắng dành thời gian, công sức để hoàn thành cuốn sách phiên âm này như mong ước bấy lâu” - ông Điểu Toa nói.

Ở cách đó khoảng 15km, một người con của dân tộc Chơro khác là nhạc sĩ Điểu Được (xã Phú Túc, H.Định Quán) cũng đang từng ngày góp sức bảo tồn văn hóa của cộng đồng.

Là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, người nhạc sĩ 56 tuổi này có công đem ngọn lửa âm nhạc Chơro đến với mọi người thông qua những sáng tác và trình bày song ngữ Kinh - Chơro trên sân khấu và đoạt giải cao như: Đàn Chinh K’la ở tuổi thơ tôi, đoạt giải tiết mục xuất sắc nhất tại Liên hoan Âm nhạc phía Nam năm 2012; Tình yêu trên nương, được trao huy chương vàng tại Liên hoan Tiếng hát miền Đông lần thứ 11-2007; Điện sáng về làng Chơro, đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài DTTS, miền núi năm 2018 do Bộ VH-TTDL tổ chức…

Thành công với âm nhạc truyền thống và muốn nhiều trẻ em trong cộng đồng nối tiếp con đường đưa tâm tình người Choro qua lời ca, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng cồng chiêng nên hơn 10 năm qua, nhạc sĩ Điểu Được đã mở lớp dạy nhạc tại nhà. Để có điều kiện dạy các em, mua sắm nhạc cụ, ngoài lấy học phí một số gia đình có điều kiện, nhạc sĩ Điểu Được sắm cho mình dàn âm thanh để phục vụ trong các đám tiệc và nhận lời hòa âm, phối khi cho những người có nhu cầu.

Rồi khi không phục vụ sân khấu, đôi tay gõ phím đàn, viết lời nhạc lại cầm cuốc, cầm rựa vào rẫy phát cỏ, trồng cây lo cho bữa ăn gia đình. “Tôi vui với những gì mà mình đã đem lại cho mọi người, cho cộng đồng mình” - nhạc sĩ Điểu Được chia sẻ.

* Hỗ trợ người khó khăn trong cộng đồng 

Cùng với bảo tồn văn hóa của dân tộc, không ít người DTTS còn là chỗ dựa của cộng đồng, nhất là những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, họ còn là cầu nối của Đảng, Nhà nước với đồng bào trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương hay tham gia giải quyết các vướng mắc trong khu dân cư.

Theo ông NGUYỄN VĂN KHANG, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh có trên 1 ngàn nhân sĩ, trí thức; hơn 1,4 ngàn đảng viên; gần 1,2 ngàn chủ doanh nghiệp; khoảng 2 ngàn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi là người DTTS. Ngoài ra, có 206 cá nhân là người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Nhiều năm qua, bà Sou A Tah (dân tộc Chăm, ngụ xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống và trực tiếp tham gia hỗ trợ người khó khăn trong cộng đồng.

Trong đó, niềm tự hào nhất của cộng đồng ở làng Chăm dành cho bà Sou A Tah là từ một hộ đời sống khó khăn, thông qua nỗ lực của bản thân, trợ giúp của chính quyền địa phương cùng người thân, qua thời gian miệt mài lao động, bà trở thành người nông dân làm chủ. Hiện công việc chăm sóc ruộng rẫy của gia đình bà đang tạo việc làm cho gần 20 lao động là người DTTS tại xã.

Từ số tiền thu được thông qua lao động, bà tự tiết kiệm một phần để hỗ trợ người khó khăn. Trong đó, mỗi khi trong làng Chăm có gia đình nào được chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà, lúc chuẩn bị xây cất và khi thực hiện bàn giao nhà bà tìm đến trợ giúp một phần kinh phí cho chủ nhà. Đồng thời, mỗi năm bà đều dành từ 50-90 triệu đồng hỗ trợ học sinh vượt khó, giúp đỡ các gia đình khó khăn…

Ông Điểu Toa (dân tộc Chơro, xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) hướng dẫn trẻ em tham gia tập luyện cồng chiêng tại nhà của mình
Ông Điểu Toa (dân tộc Chơro, xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) hướng dẫn trẻ em tham gia tập luyện cồng chiêng tại nhà của mình

Một người DTTS tiêu biểu khác là bà Lương Thị Bảo Thùy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bảo Quang
(TP.Long Khánh). Cuối tháng 11-2022 vừa qua, bà Thùy là một trong 63 chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc, giai đoạn 2017-2022 được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Để có được vinh dự này, nữ Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã người dân tộc Nùng này đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong đó, theo ông Hoàng Thiên Bình (người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa xã Bảo Quang), ấn tượng mà Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã ghi dấu đối với mọi người là cách làm việc chủ động, sáng tạo; tiên phong trong tổ chức thực hiện, khuyến khích mọi người cùng đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Nhờ vậy mà trong giai đoạn 2017-2022, Ủy ban MTTQ xã Bảo Quang là đơn vị có nhiều mô hình, cách làm hay trong thực hiện công tác mặt trận của thành phố. Hiện 25 mô hình được triển khai với sự tham gia của gần 1,5 ngàn thành viên đã huy động được gần 3 tỷ đồng thực hiện bảo vệ môi trường, khuyến học, hỗ trợ cho hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giữ gìn an ninh trật tự… Trong số này, nhiều mô hình đã được UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao tặng bằng khen vì có tác động tích cực, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

“Mình cố gắng thực hiện những hoạt động tích cực theo đúng mong mỏi của người dân. Từ đó đã gắn kết mọi người cùng chung tay thực hiện các mục tiêu đề ra” - bà Thùy chia sẻ.

Văn Truyên

Tin xem nhiều