Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Đòn quyết định lịch sử

03:12, 19/12/2022

Chiến thắng 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (từ ngày 18 đến 29-12-1972) tiêu diệt các "siêu pháo đài bay B-52" - sức mạnh của không lực Hoa Kỳ đã buộc chúng phải chấp nhận ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Chiến thắng 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (từ ngày 18 đến 29-12-1972) tiêu diệt các “siêu pháo đài bay B-52” - sức mạnh của không lực Hoa Kỳ đã buộc chúng phải chấp nhận ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Thắng lợi này đã trở thành mốc son chói lọi, đập tan âm mưu dùng sức mạnh quân sự lấn át đàm phán ngoại giao và đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá của của kẻ thù. Đồng thời khẳng định sức mạnh Việt Nam, ý nghĩa và tầm vóc thời đại, tạo đà cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta tiến lên tổng tiến công, thu non sông về một dải trong mùa Xuân đại thắng 1975.

Tháng 12-2022, tại Hà Nội, trung tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ với cán bộ Quân chủng Phòng không - không quân về kỷ niệm thời đánh B-52. Ảnh: N.HÀ
Tháng 12-2022, tại Hà Nội, trung tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ với cán bộ Quân chủng Phòng không - không quân về kỷ niệm thời đánh B-52. Ảnh: N.HÀ

Bài 1: Những người hùng trên cánh én bạc

Những ngày này, cựu chiến binh (CCB) các đơn vị quân đội từng có mặt trong 12 ngày đêm, nhất là CCB thuộc Quân chủng Phòng không - không quân (PKKQ) thực sự bận rộn với nhiều chuyến đi, nhiều cuộc gặp mặt… để ôn lại những kỳ tích diệt B-52 của quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, PKKQ nói riêng cách đây nửa thế kỷ.

Cuộc cân não lịch sử…

Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng khi nói về cuộc chiến 12 ngày đêm, thiếu tướng, CCB Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) vẫn nhớ rất rõ. Ông kể, lúc đó ông là trợ lý tên lửa Cục Tác chiến với cấp bậc thiếu tá; có nhiệm vụ nắm thông tin chiến lược từ tình báo, ra đa về hành động của đối phương để báo cáo cấp trên đề xuất phương án tác chiến phòng không.

Theo thiếu tướng NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, chiến công của những người hùng trên cánh én bạc trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ trên không thêm một lần nữa minh chứng chân lý giản dị: “Không một quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.

Ông cho hay, thắng lợi của chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng trong 12 ngày đêm đã khẳng định thiên tài dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta. Trong đó, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị cho Cục Quân báo thường xuyên nắm chắc hoạt động của B-52; trinh sát, nghiên cứu và tìm được cách giải mã những bức điện vô tuyến của địch, đặc biệt là của không quân chiến lược chỉ huy hoạt động máy bay B-52. Nhờ vậy, khi địch mở cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội - Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, ta không bị bất ngờ.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh khẳng định: Nhờ sự chủ động và dự kiến đúng các tình huống cũng như chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu nên khi B-52 vào Hà Nội, ta không bất ngờ và dội cho chúng “gáo nước lạnh” ngay trong đêm đông lạnh giá ngày 18-12, “pháo đài bay” của địch bị quân ta bắn rơi tại chỗ ở Hà Nội.

“Thời khắc lịch sử diễn ra đêm 18-12 thực sự là cuộc đấu trí quyết liệt giữa Tổng hành dinh với Lầu Năm góc. Và chiến thắng đã thuộc về những người chính nghĩa, những người yêu chuộng hòa bình và là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân mà Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo…” - thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhấn mạnh.

Một quả đạn là một B-52

Trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Quân chủng PKKQ đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nhắc về sự kiện cách đây nửa thế kỷ, giọng ông sang sảng như hồi ông hô vang lời dạy của Bác Hồ để động viên cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đơn vị vận dụng vào đánh B-52 cách đây nửa thế kỷ. Ông kể rằng, sau 3 ngày bị đánh phá ác liệt, cuối năm 1972, việc vận chuyển đạn bị ùn tắc, nhất là giao thông vào Hà Nội phải qua 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống càng thêm khó khăn.

Mặc dù đã lập phà, cầu phao nhưng vẫn bị ùn tắc nên trong đợt đánh phá lần này, nhiều đơn vị không thể tiếp tục chiến đấu liên tục do đạn chưa chở đến kịp hoặc cơ số đạn chỉ còn dưới mức quy định tối thiểu. Trong giờ phút gian nguy ấy, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 59, Trung đoàn 261 (Sư đoàn Phòng không 361), trung tướng Nguyễn Văn Phiệt đã hô vang: “Hồi chống thực dân Pháp, bộ đội ta có câu: “Một viên đạn là một quân thù”. Bây giờ, ta cũng thực hiện câu nói đó: Một quả đạn là một B-52!”.

“Sức mạnh tinh thần cùng sự quyết tâm cao độ của CBCS theo phương châm “Bộ đội tên lửa quyết tử cho Tổ quốc và thủ đô quyết sinh” đã làm nên chiến thắng. Đúng 20 giờ 15 ngày 18-12-1972, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 (Đoàn tên lửa Thành Loa) bảo vệ phía Bắc Hà Nội bắt đúng dải nhiễu, phóng 2 quả đạn tên lửa, bắn rơi tại chỗ B-52 ở cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, H.Sóc Sơn (TP.Hà Nội). Đến 4 giờ 39 ngày 19-12, Tiểu đoàn 77 do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ huy đã hạ gục một B-52 ngay cánh đồng xã Tam Hưng, H.Thanh Oai (TP.Hà Nội)” - trung tướng Nguyễn Văn Phiệt phấn khởi kể lại.

Cũng với tinh thần Một quả đạn - một B-52, trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó chính ủy Quân chủng PKKQ nhớ lại, khi nhận tin Tiểu đoàn Tên lửa 59 bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên ở Phù Lỗ, đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp yêu cầu Tư lệnh và Chính ủy Đoàn Phòng không Hà Nội kiểm tra thật kỹ lưỡng. Khi nghe báo cáo chính xác, đại tướng quay sang thông báo tin vui cho các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đang có mặt ở Sở chỉ huy của Bộ. Qua “đường dây nóng”, đại tướng đã biểu dương CBCS Đoàn Phòng không Hà Nội, đặc biệt bộ đội tên lửa đánh giỏi, lập công đầu xuất sắc…

Vạch nhiễu tìm thù…

Trong cuộc đấu trí 12 ngày đêm cuối năm 1972, sức mạnh của không lực Hoa Kỳ đã bị quân dân ta đánh tan với các phương pháp chịu khó nghiên cứu “vạch nhiễu tìm thù”, góp phần vào thắng lợi. Theo đại tá, PGS-TS Nguyễn Hồng Anh, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, thành công trong cuộc đấu trí này một lần nữa khẳng định: Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch.

Trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, đế quốc Mỹ đã huy động gần một nửa số máy bay chiến lược B-52 (193/ 400 chiếc); hơn 1/3 số máy bay chiến thuật (1.077/3.041 chiếc); 1/4 tàu sân bay (6/24 chiếc) của Mỹ. Ngoài ra, còn có 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số lượng lớn máy bay phục vụ khác.

“Bởi sức mạnh của không quân chiến lược Mỹ không chỉ ở tính chất ồ ạt với số lượng lớn B-52 mà còn ở hệ thống gây nhiễu điện tử vững chắc, che giấu toàn bộ lực lượng tiến công, biến mỗi chiếc B-52 thành một “máy bay tàng hình” đúng nghĩa. Tướng John C.Mayer, Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ từng nói: “Chúng ta coi chiến tranh điện tử là con đường sống còn của không lực Hoa Kỳ”. Vì vậy, nhiễu điện tử đã trở thành thủ đoạn chủ yếu nhất của địch trong 12 ngày đêm” - đại tá Dương Hồng Anh nhấn mạnh.

Để thực hiện quyết tâm “vạch nhiễu tìm thù” xuyên suốt trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, nhất là trong 12 ngày đêm, đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng Đài ra đa, Đại đội 45, Trung đoàn ra đa 291, Sư đoàn 365 cho biết, để chuẩn bị đánh B-52 ở miền Bắc năm 1972, Quân chủng PKKQ lúc đó thực sự trở thành “viện nghiên cứu đánh B-52”. Trong đó, nghiên cứu chống nhiễu và phát hiện sớm B-52 để đánh là một trong những nhân tố góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

“Trong chiến dịch 12 ngày đêm, bộ đội ra đa, nòng cốt là Đại đội 45 đã phát hiện, xác định B-52 từ xa, báo động sớm cho trận địa phòng không ở thủ đô bảo vệ Hà Nội sớm 35 phút. Nhờ vậy, cấp trên nắm chắc tình hình, hạ quyết tâm chiến đấu kịp thời, chuẩn xác và tạo điều kiện cho các đơn vị hỏa lực phòng không bắn rơi 8 máy bay địch, trong đó có 3 chiếc B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ) ngay đêm đầu chiến dịch 18-12. Trong các đêm còn lại của chiến dịch, bộ đội ra đa đã báo động sớm cho Hà Nội trên dưới 40 phút, tạo điều kiện bắn rơi B-52 ngày càng nhiều hơn. Trận then chốt đêm 20-12, bắn rơi 7 máy bay B-52, có 5 chiếc rơi tại chỗ và 7 máy bay chiến thuật. Hoặc đêm 26-12, ta bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 8 chiếc B-52…” - đại tá Nghiêm Đình Tích nói.

Nguyệt Hà 

Bài 2: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh…

Tin xem nhiều