Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Lấy gương người tốt - việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất. Đấy là cái tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Lấy gương người tốt - việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất. Đấy là cái tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Đoàn viên thanh viên xã Đông Hòa, H.Trảng Bom tham gia lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trong thời gian phong tỏa vì dịch bệnh. Ảnh: Trần Thìn |
Tại Đồng Nai, thông qua Chương trình 7 Người tốt - việc tốt đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt - việc tốt. Những tấm gương có mặt ở khắp các địa phương, trên từng lĩnh vực nghề nghiệp, trong những hoạt động của cộng đồng, góp phần lan tỏa cái tốt, việc tốt, qua đó hạn chế và đẩy lùi cái ác, cái xấu, lạc hậu.
* Những người hùng thầm lặng
Ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay và nhất là trong đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch bệnh Covid-19 vừa qua, sự hy sinh, cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ làm cho người dân thán phục và dành sự tri ân.
Trong số đó, phải kể đến y, bác sĩ Khoa Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Đây là một trong 3 cơ sở đầu tiên trong tỉnh được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm sàng lọc, khẳng định virus SARS-CoV-2. Đây cũng là nơi đã xét nghiệm và phát hiện ra ca mắc Covid-19 đầu tiên của tỉnh Đồng Nai hồi tháng 4-2020.
TS Nguyễn Sĩ Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ, kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hoàn toàn khác biệt so với những xét nghiệm khác, bởi xét nghiệm này mang tính cộng đồng rất lớn. Việc xác định ca dương tính hay âm tính sẽ kéo theo một chuỗi các hoạt động liên quan đến điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, làm xét nghiệm cho những đối tượng liên quan. Vì thế, các cán bộ, nhân viên trong Khoa luôn thận trọng, liên tục cập nhật kiến thức, trao đổi thông tin với đồng nghiệp trong tỉnh, Viện Pasteur TP.HCM để đưa ra kết quả cuối cùng chính xác nhất.
Cũng theo TS Tuấn, so với 3 đợt dịch trước đây, đợt dịch lần thứ 4 có tính chất và mức độ phức tạp hơn rất nhiều. Trong 4 tháng cao điểm (tháng 7, 8, 9 và 10-2021), cả 10 cán bộ, nhân viên có chứng chỉ thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 của Khoa luôn trong tư thế sẵn sàng, căng mình làm nhiệm vụ. Tính chất là mẫu bệnh phẩm đến giờ nào sẽ làm xét nghiệm giờ đó. Vì vậy, nhân viên y tế làm việc miệt mài từ sáng đến đêm, từ đêm đến sáng hôm sau để trả kết quả xét nghiệm sớm nhất có thể.
Tính đến nay, TS Nguyễn Sĩ Tuấn cùng tập thể Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho trên 1 triệu lượt người dân, test nhanh cho hơn 100 ngàn lượt người dân. Bên cạnh đó, anh còn hỗ trợ công tác điều trị cho gần 400 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch đang điều trị tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng của Bệnh viện Phổi Trung ương đặt tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ngoài ra, TS Tuấn còn tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Kết quả, anh có 3 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, là đồng tác giả của 1 cuốn sách chuyên khảo quốc tế; báo cáo tại 5 hội nghị khoa học toàn quốc và chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh.
Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thời gian qua đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng và khám, chữa bệnh cho người dân trong tỉnh nói chung.
BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, từ tháng 7-2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, bệnh viện được giao nhiệm vụ triển khai Khu Hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng với quy mô 50 giường bệnh cùng với Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ngoài ra, bệnh viện còn phụ trách chuyên môn điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 2, Bệnh viện Dã chiến số 8, thành lập thêm khu điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình ở tầng 12 của bệnh viện. Ngoài ra, nhân viên của bệnh viện còn tích cực tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm diện rộng; tổ chức nhiều đội tiêm vaccine phòng Covid-19 hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp…
Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ vừa, nặng, nguy kịch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai còn chú trọng phát triển nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu nhằm nâng tầm của bệnh viện và đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Trong năm 2021, bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật mổ tim nội soi và nhiều kỹ thuật cao khác liên quan đến chữa trị các bệnh lý về tim mạch…
* Xung phong vào “điểm nóng”
Cùng với lực lượng y, bác sĩ, những tình nguyện viên cũng đã tích cục đóng góp tâm súc để cùng toàn dân chung tay phòng, chống dịch bệnh. Nổi bật trong số này có thể kể đến ông Nguyễn Thành Long, ngụ TT.Tân Phú (H.Tân Phú).
Ông Long chia sẻ: “Ngay khi biết được lời kêu gọi của Huyện đoàn Tân Phú về việc vận động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.Biên Hòa, tôi đã tự nguyện đăng ký tham gia vì tôi nghĩ đơn giản rằng, bà con nơi đây đang rất cần sự chung tay chống dịch”.
Sau khi đăng ký gia nhập lực lượng tình nguyện, ông Long được phân công làm Đội trưởng Đội tình nguyện viên H.Tân Phú chi viện cho TP.Biên Hòa trong phòng, chống dịch Covid-19. Từ ngày 27-7, ông Long cùng các thành viên thuộc tổ hậu cần bốc xếp, phân chia, vận chuyển kịp thời 1,2 ngàn tấn hàng hóa đến người dân vùng phong tỏa thuộc TP.Biên Hòa và 2 huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Ông tham gia hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại các phường: Trung Dũng, Quyết Thắng, Trảng Dài, Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Ngoài ra, đội còn thực hiện 5 clip tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và viết 7 bài tuyên truyền thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống Covid-19.
Riêng ông Vũ Văn Khoát (ngụ KP.2, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) trong đợt dịch bệnh vừa qua đã cùng nhóm thiện nguyện của mình “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân với gần 60 tấn rau củ, trái cây. Số thực phẩm này được ông cùng những người bạn của mình trực tiếp chuyển đến cho bà con sinh sống tại các phòng trọ, gia đình khó khăn. Ngoài ra, trong những tháng dịch bệnh, đời sống người ở trọ khó khăn, gia đình ông Khoát đã miễn tiền nhà trọ cho công nhân thuê lên đến hơn 20 triệu đồng. Đặc biệt, để sát cánh cùng hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ông đã tình nguyện tham gia lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 bằng việc sử dụng 2 xe ô tô của gia đình để vận chuyển các ca bệnh F0 và F1 về nơi điều trị, khu cách ly y tế theo yêu cầu. “Khi thực hiện nhiệm vụ này, tôi cũng rất lo sẽ bị lây nhiễm bệnh trong quá trình vận chuyển F0. Nhưng nếu ai cũng lo sợ thì ai sẽ cùng chính quyền các cấp tham gia phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh? Vì vậy, mỗi chuyến đi, tôi luôn thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng bệnh để yên tâm vận chuyển người bệnh” - ông Khoát bộc bạch.
* Cầu nối san sẻ yêu thương
Những ngày đầu tháng 6, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Khỏe, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Định Quán đã chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng các nguồn lực để kịp thời hỗ trợ khi dịch xảy ra tại địa phương. Qua đó, đã vận động và dự trữ trên 10 tấn gạo, 2 ngàn lít nước sát khuẩn và dự nguồn trên 1 ngàn phần quà gồm các nhu yếu phẩm.
Khi dịch bắt đầu xuất hiện và có dấu hiệu tăng tại huyện, ông đã vận động các nguồn lực để hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch của huyện và các địa phương, các khu cách ly tập trung. Cụ thể: hỗ trợ 1,8 ngàn lít nước sát khuẩn, trên 2,5 ngàn bộ đồ bảo hộ, 1,2 ngàn kính chắn giọt bắn, trên 60 ngàn suất ăn cho lực lượng tuyến đầu. Bên cạnh đó, ông đã kết nối mạnh thường quân, phối hợp cùng các đơn vị thực hiện 11 phiên chợ 0 đồng lưu động đến các xã để chăm lo cho người dân với trị giá trên 1,5 tỷ đồng.
Cùng với hoạt động an sinh xã hội, hoạt động cứu trợ nhân đạo thường xuyên do ông Nguyễn Mạnh Khỏe cùng Hội Chữ thập đỏ H.Định Quán thực hiện đã đem niềm vui đến với người khó khăn. Vào tháng 6 vừa qua, giông lốc, voi rừng làm 3 căn nhà tại xã Thanh Sơn bị hư hại hoàn toàn khiến cuộc sống của một số hộ dân nơi đây bị ảnh hưởng. Ông Khỏe đã nỗ lực vận động các đơn vị tài trợ xây dựng 3 căn nhà với tổng trị giá 280 triệu đồng, giúp bà con kịp thời ổn định cuộc sống. Với nhiệm vụ thường xuyên chăm lo cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn huyện, bản thân ông đã vận động để duy trì trợ cấp thường xuyên cho 53 đối tượng là người già neo đơn, người khuyết tật mỗi tháng 1 phần quà trị giá 350 ngàn đồng/người.
Ông Nguyễn Văn Toàn Em (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) cho hay, khi gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, Hội Chữ thập đỏ huyện và cá nhân ông Nguyễn Mạnh Khỏe đã đến tìm hiểu và kết nối nguồn lực để xây dựng căn nhà kiên cố mới. Từ trụ sở Hội Chữ thập đỏ huyện vào đến nhà ông phải mất 1 giờ băng qua nhiều đoạn đường rừng rất khó đi, song quá trình xây dựng, ông Khỏe thường xuyên có mặt để tư vấn, hỗ trợ cho gia đình.
Để san sẻ với người xa xứ khó khăn do dịch bệnh, ông Trần Quang Định (ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) chọn nút giao thông ngã tư Dầu Giây làm nơi phát tiền hỗ trợ cho bà con về quê. “Tôi bàn với gia đình, cứ mỗi người, mình hỗ trợ 100 ngàn đồng lộ phí. Đó là tấm lòng mình gửi đến người khó khăn và cầu chúc bà con lên đường bình an” - ông Định nói.
Bên cạnh đó, ông còn cùng gia đình, bạn bè hỗ trợ trên 400 triệu đồng cho các hộ khó khăn, người bán vé số, người nghèo trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
Văn Truyên - Hạnh Dung