Dù đã có nhiều cố gắng, song thực tế thời gian qua cho thấy, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng theo yêu cầu chuyển đổi số.
Dù đã có nhiều cố gắng, song thực tế thời gian qua cho thấy, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng theo yêu cầu chuyển đổi số.
Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh thực hiện giám sát về nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: H.Yến |
Đây cũng là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của đại biểu và cử tri tại Kỳ họp thứ 5, HĐND khóa X vừa qua.
* Chưa thống nhất, thường xuyên
Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền, việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hiện nay chưa thống nhất và trở thành thường xuyên. Chẳng hạn như việc kết nối giữa các ngành: Bảo hiểm xã hội, Thuế, LĐ-TBXH, thời gian vừa qua, chỉ khi nào có vụ việc mới bắt đầu kết nối, chứ chưa có sự thống nhất; dữ liệu dùng chung chưa cập nhập thường xuyên.
Bà Hiền cho biết thêm, trước đây cũng có đề án giao cho Sở KH-ĐT làm đầu mối để quản lý các dữ liệu về doanh nghiệp (DN), về người lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng chưa được đồng bộ. “Qua đại dịch Covid-19 thấy rõ, ngành LĐ-TBXH và các địa phương rất vất vả trong việc quản lý các đối tượng, đặc biệt là công tác chống trùng trong chi trả chính sách. Bởi lẽ, hiện nay có thể có nhiều đối tượng do chưa hiểu đầy đủ về các chính sách nên làm một lúc nhiều chế độ khác nhau. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan quản lý nhà nước, việc kết nối chia sẻ dữ liệu rất quan trọng, giúp ngành quản lý các đối tượng chặt chẽ và từ quản lý đối tượng chặt chẽ mới áp dụng các chính sách, giải pháp, các quy định đúng được” - Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho hay.
Cũng theo bà Hiền, trong thời gian tới, Sở LĐ-TBXH sẽ kiến nghị với UBND tỉnh xây dựng đề án để liên thông kết nối dữ liệu giữa các ngành: Bảo hiểm xã hội, Thuế, LĐ-TBXH, KH-ĐT về quản lý đối tượng là DN, người lao động. Qua đó, nhằm giúp công tác quản lý nhà nước, việc thực hiện các chính sách đối với các đối tượng này được chặt chẽ, đúng quy định.
Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho hay, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Sở TN-MT và các cơ quan, địa phương hiện nay có nhiều điểm thuận lợi, song cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành TN-MT và đặc biệt là CSDL về đất đai, được ngành kết nối từ cấp xã, huyện lên sở nên việc chia sẻ các thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan khá thuận lợi. Bên cạnh đó, giữa ngành TN-MT và ngành Thuế đang phối hợp tốt và xử lý bằng văn bản điện tử nhiều công tác liên quan. Vừa qua, Sở TN-MT phối hợp với Sở Tư pháp nhằm thử nghiệm việc chia sẻ thông tin giữa lĩnh vực đất đai - tư pháp trong một số thủ tục hành chính liên quan. Dù vậy, Phó giám đốc Sở TN-MT cũng cho rằng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, có nhiều quy định của pháp luật hiện nay chưa rõ ràng dẫn đến nhiều vướng mắc trong thực hiện. Vì vậy, Sở đang tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ trong việc chia sẻ thông tin.
* Xây dựng kho CSDL dùng chung của tỉnh
Theo Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc, trong năm 2021, tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp và triển khai nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn hiện hành. 100% cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn tỉnh thực hiện gửi nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông tỉnh. Qua đó, tiếp tục duy trì kết nối hệ thống quản lý văn bản của tỉnh với hệ thống quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Tính đến nay, tổng số văn bản gửi/nhận trên Trục liên thông của tỉnh là 509.934/510.557 (trong đó tổng số văn bản gửi/nhận với các đơn vị ngoài tỉnh (gồm các cơ quan Trung ương và các tỉnh) là 22.582/34.709).
Mặt khác, sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử tỉnh với các phần mềm chuyên ngành trong tỉnh, các hệ thống thông tin, CSDL phục vụ người dân, DN, của các bộ, ngành Trung ương thông qua Trục liên thông tỉnh như: phần mềm chuyên ngành đất đai của Sở TN-MT; hệ thống cấp phép ngành Y tế của Sở Y tế; phần mềm khuyến mại của Sở Công thương; Cổng Dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ; CSDL quốc gia về đăng ký DN của Bộ KH-ĐT…
Đồng thời, đã xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Đồng Nai kết nối, tích hợp chia sẽ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4638/QĐ-UBND ngày 10-11-2021 về ban hành danh sách mã định danh của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Sở TT-TT, trong quá trình triển khai thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quy mô quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương. Công tác phối hợp triển khai giữa các ngành trong việc thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu còn chậm và chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn kết nối đảm bảo đồng bộ giữa các ngành, các địa phương trong cả nước. CSDL của một số ngành, lĩnh vực phức tạp đã được xây dựng từ trước, song tổ chức quản lý phân tán, không đồng bộ, không thống nhất, chưa có khả năng kết nối, khả năng chia sẻ dữ liệu rất thấp.
Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc cho hay, trong thời gian tới, để đảm bảo triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, CSDL phục vụ người dân, DN, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về danh mục CSDL dùng chung tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở đó, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kho CSDL dùng chung tỉnh; triển khai giải pháp kết nối, tích hợp đầy đủ các dữ liệu thuộc danh mục CSDL dùng chung của tỉnh về kho CSDL dùng chung để chia sẻ, khai thác.
Cùng với đó, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, CSDL phục vụ người dân, DN theo nội dung UBND tỉnh đã đăng ký nhu cầu với Bộ TT-TT trước đó gồm: CSDL quốc gia về dân cư; CSDL quốc gia về bảo hiểm; CSDL quốc gia về đất đai; Nền tảng tiêm chủng Covid-19; Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Tiếp tục duy trì, khai thác vận hành hiệu quả Trục liên thông tỉnh Đồng Nai đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được thông suốt, ổn định… Sở cũng đã tham mưu xây dựng Cổng dữ liệu mở tỉnh Đồng Nai (https://data.dongnai.gov.vn).
Theo Sở TT-TT, Sở đang hoàn chỉnh dự thảo Quyết định ban hành danh mục CSDL dùng chung tỉnh Đồng Nai trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan, trong đó bao gồm 26 CSDL của 15 cơ quan trên địa bàn tỉnh liên quan đến các lĩnh vực: TN-MT, GT-VT, cải cách hành chính, quản lý trật tự xã hội, quản lý DN… dự kiến trình UBND tỉnh ban hành trong tháng 12-2021. |
Thảo Lâm