Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng và chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng toàn quốc lần thứ 8 (diễn ra từ ngày 10 đến 19-5-1941) tại Pác Pó, Cao Bằng.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng và chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng toàn quốc lần thứ 8 (diễn ra từ ngày 10 đến 19-5-1941) tại Pác Pó, Cao Bằng. Hội nghị đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho Cách mạng Tháng Tám và thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) ra đời ngày 19-5-1941.
Bác Hồ về Pác Pó trực tiếp chỉ đạo cách mạng và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng toàn quốc lần thứ 8 tháng 5-1941. Ảnh: T.L |
Mặt trận Việt Minh ra đời với 10 chính sách lớn đã thể hiện một cách sinh động nhất, đầy đủ nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng đó đã trở thành nền tảng của Đảng trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay và sau này.
* Sự ra đời lịch sử
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Hội nghị Trung ương Đảng toàn quốc lần thứ 8 thực sự là một hội nghị lịch sử vì đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách, trước mắt của cách mạng Đông Dương. Mọi nhiệm vụ khác phải căn cứ vào nhiệm vụ cấp bách này để điều chỉnh. Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh) ra đời thay thế cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương thời kỳ 1936-1939 để tập hợp lực lượng đấu tranh cách mạng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho biết, kế thừa xứng đáng truyền thống 80 năm Mặt trận Việt Minh và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh thực sự trở thành trung tâm quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân. Đặc biệt những ngày này, MTTQ các cấp phát huy tốt vai trò tổ chức thành công nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. |
Theo GS-TS sử học Đinh Ngọc Bảo, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội: “Hội nghị Trung ương 8 đã đưa ra những nhận định hết sức quan trọng và đúng đắn về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
GS-TS Đinh Ngọc Bảo cho rằng, nghiên cứu các tài liệu lịch sử cho thấy, Hội nghị Trung ương 8 đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết lá thư kêu gọi đồng bào cả nước, trong đó có đoạn: “Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh một phần trách nhiệm…”.
Thực tế dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ cách mạng, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền được xúc tiến mạnh mẽ, gấp rút ở khắp nơi trong cả nước. Ở Cao Bằng, Việt Minh có hệ thống từ tỉnh xuống xã. Ủy ban Việt Minh Cao Bằng và Ủy ban Việt Minh lâm thời Cao - Bắc - Lạng được thành lập.
Ở các tỉnh Nam Kỳ, đầu năm 1942, các tổ chức đoàn thể Việt Minh xuất hiện ở ngoại ô Sài Gòn, Chợ Lớn và một số nơi ở Hóc Môn, Gia Định. Các tỉnh, thành lân cận đã thành lập các hội Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc; Hội Phụ nữ giải phóng Đông Nam bộ… Với tinh thần tự chủ, sáng tạo cao, Mặt trận Việt Minh đã thu hút các giai cấp, tầng lớp và hàng chục triệu nông dân, dù chưa được chia lại ruộng đất của địa chủ vẫn hăng hái tiến bước cùng giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc cách mạng tháng Tám 1945, thành lập nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
GS-TS Đinh Ngọc Bảo khẳng định: “Sức mạnh nội sinh từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng, làm nên thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945; đánh đổ xiềng xích của thực dân, phong kiến, thành lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á vào ngày 2-9-1945”.
Lịch sử cũng ghi nhận, Mặt trận Việt Minh và các hình thức mặt trận sau đó như: Mặt trận Liên Việt; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; MTTQ Việt Nam luôn lấy liên minh giai cấp công - nông - trí thức làm nền tảng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đó là nguyên tắc nhất quán bởi khối đại đoàn kết toàn dân chỉ được củng cố, phát triển khi được Đảng ta với đường lối cách mạng đúng đắn lãnh đạo…
* Phát huy truyền thống đại đoàn kết
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho hay, kế thừa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc hơn 80 năm qua của Mặt trận Việt Minh và hơn 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, các cấp MTTQ trong tỉnh đều thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo đó, tập trung xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (giữa) về dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại H.Định Quán năm 2020. Ảnh: N.HÀ |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: “Nhờ phát huy tốt truyền thống đoàn kết, sự đồng thuận của hệ thống chính trị và toàn dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn liên tục đạt trên 8,1%/năm trong cả giai đoạn 2015-2020 và đạt 4,58% năm 2020. 100% xã đạt chuẩn, duy trì nông thôn mới, trong đó có 46 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,04%. H.Xuân Lộc được chọn là một trong 4 đơn vị cấp huyện của cả nước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”…
Theo ông Cao Văn Quang, kế thừa truyền thống đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân tộc, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh luôn phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, trong quá trình phát triển, tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; quan tâm làm tốt công tác chính sách, người có công trên địa bàn…
Theo ông Trần Đình Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Xuân Lộc, hiệu quả từ sự đồng thuận, kế thừa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện được khẳng định rõ nét. Thành quả Xuân Lộc là đơn vị cấp huyện đầu tiên cả nước về đích nông thôn mới; là một trong 4 đơn vị được chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống nhân dân được nâng cao; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt…
Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Quang Tú cho rằng, nhờ sự đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân nên từ một huyện nghèo của tỉnh, Định Quán đã về đích xây dựng nông thôn mới trước 2 năm. Trong nhiệm kỳ giảm trên 6 ngàn hộ nghèo; nâng thu nhập bình quân của người dân từ 34 triệu đồng năm 2015 lên 60 triệu đồng hiện nay…
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền toàn dân đi bầu cử, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân; tích cực phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục bám sát Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 để xây dựng các chương trình hành động; củng cố, huy động sức mạnh toàn dân tộc vào mục tiêu phát triển. |
Nguyệt Hà