Báo Đồng Nai điện tử
En

Hồ Chí Minh - người làm thay đổi số phận của dân tộc

04:05, 19/05/2021

Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu Amiral Latouche Tréville từ cảng Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc..., tạo nên những bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam
 

Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu Amiral Latouche Tréville từ cảng Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc.

Nhân dân Pác Bó - Hà Quảng đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm (ngày 20-2-1961) Ảnh: hochiminh.vn
Nhân dân Pác Bó - Hà Quảng đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm (ngày 20-2-1961). Ảnh: hochiminh.vn

* Một quyết định lịch sử

Nước mất, nhà tan, dân nô lệ là nỗi dằn vặt lớn nhất trong tâm hồn của những người Việt Nam yêu nước trong những năm tháng đó. Nhưng đâu là con đường đúng đắn để cứu nước, cứu dân? vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Hàng trăm cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân hoặc là dựa trên hệ tư tưởng phong kiến, tư sản, tiểu tư sản hoặc dựa trên lập trường của giai cấp nông dân cũng đều thất bại và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước.

Trong bối cảnh đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết ra đi tìm đường cứu nước thực sự là một quyết định lịch sử mà sau này thực tiễn đã chứng minh là có tầm ảnh hưởng quyết định đến chiều hướng phát triển của lịch sử, làm thay đổi số phận của cả dân tộc.  

Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu nước, cứu dân.

* Tìm chân lý từ những khảo nghiệm thực tế

Trong hành trình bôn ba khắp các châu lục, Bác đã làm đủ mọi nghề, lao động vất vả, nặng nhọc để sống, để đi và để tất thành sự nghiệp mà mình theo đuổi. Đó hoàn toàn không phải là con đường sự nghiệp của bản thân mà là sự nghiệp cứu nước, cứu dân, tìm bằng được con đường giải phóng dân tộc để nhân dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu Nguyễn Tất Thành đã ý thức đầy đủ về lý luận và phương pháp đấu tranh, đã thấy rõ con đường cho cách mạng Việt Nam mà đó là kết quả của quá trình lao động, học tập và tranh đấu bền bỉ qua đó giúp Bác từng bước tích lũy tri thức, kinh nghiệm và vốn sống, trau dồi phương pháp, hình thành quan điểm, lập trường cách mạng và bản lĩnh chính trị. 

c đồng thời in dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử thế giới hiện đại. Từ một nước nghèo, lạc hậu, lệ thuộc, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia độc lập, trong nhóm nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, trong danh sách những nền kinh tế mới nổi. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó là một kỳ tích mà Người đã dấn thân để đem đến cho dân tộc ta, làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non song đất nước ta.

Đi qua nhiều đất nước, nhiều nền văn minh, nhiều châu lục, từ khảo nghiệm thực tế, điều đầu tiên Bác phát hiện được là: Dù màu da có khác nhau nhưng trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Bác cũng nhận ra rằng những người lao động nghèo khổ, da trắng cũng như da màu, ở khắp mọi nơi đều cùng chung một cảnh ngộ, đều chịu cảnh áp bức bóc lột tàn bạo của bọn đế quốc thực dân. Vì vậy, họ phải đoàn kết lại với nhau để chống kẻ thù chung. Sau này, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Bác đã viết: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi kia lại sẽ tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra”.

Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận họp tại Versailles vào ngày 28-6-1919, để thảo luận “về việc bảo đảm hòa bình sau chiến tranh”. Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson cũng tham dự hội nghị này. Khi đó, Tổng thống Mỹ Wilson rất nổi tiếng với bản Tuyên bố 14 điểm công bố năm 1918, trong đó tại Điểm số 14, tuyên bố này nêu rõ như sau: “Thành lập Liên minh các dân tộc (Liên hiệp quốc (UN) ngày nay) để đảm bảo độc lập cho tất cả các dân tộc trên thế giới, dù lớn, dù nhỏ”. Tin vào những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Wilson, tháng 6-1919, Nguyễn Ái Quốc đã cùng Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường viết bản Yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Versailles nhằm kêu gọi các nước giúp đỡ sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, nhưng không được hội nghị xem xét. Bản Yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc càng nhận rõ hơn bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Sau này, Bác viết: “Chủ nghĩa Uyn xơn chỉ là trò bịp bợm lớn” và “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.

Phân tích cách mạng tư sản Anh, cách mạng tư sản Mỹ, cách mạng tư sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đi đến kết luận: Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản vì con đường đó không giải phóng dân tộc thuộc địa, không giải phóng nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột; những cuộc cách mạng kiểu đó, sớm muộn thì nhân dân phải làm cách mạng một lần nữa mới xong. Tháng 7-1920, đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên Báo Nhân đạo (Pháp), Nguyễn Ái Quốc lập tức bị cuốn hút vì tính chất cách mạng triệt để của nó, vì nó đã giải đáp thỏa đáng những điều mà bấy lâu nay Bác hằng mong ước, đợi chờ. Luận cương của Lênin như luồng ánh sáng chiếu rọi vào trí tuệ và tâm hồn, đem đến cho Bác một nhãn quan chính trị mới, giúp Bác tìm ra “cái cẩm nang thần kỳ cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc”. Từ đó, Bác hoàn toàn tin theo Lênin và quyết đi con đường cách mạng mà Lênin đã vạch ra.

Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc tìm đường sang nước Nga, trực tiếp nhìn thấy những thành quả to lớn của Cách mạng Tháng Mười đem lại cho giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác, Nguyễn Ái Quốc càng quyết tâm theo con đường đã chọn. Đúc kết từ quá trình quan sát, khảo nghiệm thực tiễn, Bác đưa ra kết luận có giá trị như chân lý của thời đại đó là: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Con đường đó được Bác khẳng định rõ ràng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị hợp nhất ngày 3-2-1930: “làm tư sản dân quyền cách mệnh và thổ địa cách mệnh để đi tới xã hội cộng sản”. Sự xác định này là một sáng tạo lớn về con đường cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Đó là con đường giải phóng dân tộc một cách triệt để, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cũng từ quá trình khảo nghiệm thực tiễn, Bác kiểm chứng mọi lý thuyết, chủ nghĩa, cuối cùng, Bác quyết định lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin với xác tín rằng “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” để rồi vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn của Việt Nam, xác lập con đường giải phóng và phát triển của Việt Nam.

* Sự lựa chọn duy nhất đúng

Sau khi tìm được con đường cứu nước, Bác trở về nước lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, đúng như ước nguyện khi ra đi. Bác củng cố và xây dựng sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc, tổ chức lực lượng vũ trang, vận động nhân dân đấu tranh giành độc lập, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, đưa nhân dân lao động từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, từng bước đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội để xóa bỏ tận gốc mọi áp bức, bóc lột, bất công.

Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong 15 năm đấu tranh giành chính quyền, trong 30 năm kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế là minh chứng hùng hồn nhất để khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự lựa chọn duy nhất đúng, phù hợp với đòi hỏi và nguyện vọng của dân tộc, nhân dân Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới.

***

Năm nay, kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đúng vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang khẩn trương hoàn tất các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, để tỏ lòng thành kính nhớ ơn Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hãy quyết tâm cùng với Đảng thực hiện thành công cuộc bầu cử để xây dựng cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh đủ sức đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên đường hội nhập vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như tâm nguyện lúc sinh thời Bác hằng mong ước. Đó chính là món quà ý nghĩa dâng lên Bác kính yêu trong dịp sinh nhật Bác năm nay.

Sao Khuê

Tin xem nhiều