51 năm kể từ khi Bác Hồ về với "thế giới người hiền", 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người con Đồng Nai nói riêng và nhân dân miền Nam nói chung vẫn vẹn nguyên tình cảm kính yêu đối với Người.
51 năm kể từ khi Bác Hồ về với “thế giới người hiền”, 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người con Đồng Nai nói riêng và nhân dân miền Nam nói chung vẫn vẹn nguyên tình cảm kính yêu đối với Người.
Bác Hồ với các Anh hùng, Dũng sĩ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 28-2-1969. Ảnh tư liệu: TTXVN |
* Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với miền Nam
Ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành khi đó 21 tuổi ra đi tìm đường cứu nước. Những năm sau đó, chính Người đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh chống đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai ở miền Nam.
Cựu chiến binh Thái Mạnh Tuấn chia sẻ: “Những năm trước, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi cùng đồng đội lại họp mặt để ôn lại những kỷ niệm một thời. Trong những buổi họp mặt ấy, tấm hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được treo ở vị trí trang trọng. Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19, chúng tôi không tập trung họp mặt nhưng trong sâu thẳm tâm khảm của mỗi người, tình cảm dành cho Bác Hồ vẫn vẹn nguyên”. |
21 năm đất nước bị chia cắt làm 2 miền Nam, Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Ngày 31-5-1946, trước khi lên đường sang Pháp tìm giải pháp hòa bình ở Việt Nam, Bác Hồ đã gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Người tin tưởng: “Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”. Tại Hội nghị Việt - Pháp ở Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Bác Hồ rất trân trọng tình cảm của người dân miền Nam đối với Bác. Cây vú sữa của miền Nam mà các cán bộ tập kết gửi ra miền Bắc được Bác Hồ trồng ngay cạnh ngôi nhà ở góc vườn Phủ Chủ tịch. Khi chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn, Người cho chuyển cây vú sữa về trồng cạnh nhà sàn để hằng ngày được chăm sóc và luôn cảm thấy gần đồng bào chiến sĩ miền Nam.
Năm 1962, khi đoàn đại biểu Mặt trận giải phóng miền Nam do GS Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc, Bác Hồ nhận quà quý của đồng bào miền Nam và đặt bàn tay lên ngực trái rồi cảm động nói: "Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi".
Năm 1963, Quốc hội quyết định trao tặng cho Bác Huân chương Sao Vàng, Bác đã cảm ơn Quốc hội và đề nghị cho phép chưa nhận mà chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho Người huân chương cao quý đó.
Năm 1965, gặp đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, cả đoàn đều khóc vì sung sướng, cảm động và vây quanh Bác. Người xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”.
Trong những năm cuối đời, khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của Người càng cháy bỏng. Người dự liệu những việc sẽ làm khi miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”.
Thế nhưng, mong ước ấy của Bác đã không được thực hiện. Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước sum họp một nhà, còn Bác đã mãi ra đi.
* Nguyện sống và làm theo Bác
Là một trong những chiến sĩ đặc công tham gia trận đánh trước khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975, cựu chiến binh Vũ Đức Ninh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) bồi hồi nhớ lại: “Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, chúng tôi luôn một lòng tin theo Đảng, tin vào sự thắng lợi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy từ trước đó. Trong ngày giải phóng miền Nam, nhân dân hai miền đã hát vang bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng để tưởng nhớ những hy sinh, công lao to lớn của Người đối với dân tộc Việt Nam”.
Còn với cựu chiến binh Thái Mạnh Tuấn (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), sẽ mãi không thể nào quên được hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn qua cửa ngõ Đồng Nai trong buổi trưa một ngày tháng 4 lịch sử. “Rất nhiều người dân đổ ra hai bên đường, vẫy cờ, hoa chào mừng đoàn quân giải phóng. Cảm xúc ấy thật khó tả. Càng khó tả hơn đối với một gia đình cách mạng như gia đình tôi” - ông Thái Mạnh Tuấn chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, độc lập, Ngô Hoàng Phúc (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa, sinh viên Trường đại học quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM) tâm sự: “Qua những trang sử hào hùng của dân tộc, qua sách báo, chúng em rất tự hào và hãnh diện vì là những người con đất Việt. Biết bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để chúng em có được cuộc sống như ngày hôm nay. Càng tự hào hơn khi dân tộc Việt Nam có được một lãnh tụ xuất chúng như Bác Hồ. Mặc dù đã 51 năm trôi qua, nhưng những gì Bác để lại trong bản Di chúc vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Điều đó đòi hỏi mỗi người trong chúng ta cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để xứng đáng với tình cảm mà Bác đã dành cho đồng bào miền Nam”.
Hạnh Dung