Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước ngoặt không thể nào quên

04:04, 30/04/2020

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn luôn sống mãi trong ký ức của mỗi thế hệ người dân Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn luôn sống mãi trong ký ức của mỗi thế hệ người dân Việt Nam.

Năm nay tuổi đã cao (87 tuổi), không thường xuyên được gặp lại những người bạn từng vào sinh ra tử nên mỗi năm đến ngày 30-4, bà Huỳnh Thị Ngàn (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) lại lấy những tấm hình cũ ra ngắm cho vơi nỗi nhớ đồng đội. Ảnh: Nga Sơn
Năm nay tuổi đã cao (87 tuổi), không thường xuyên được gặp lại những người bạn từng vào sinh ra tử nên mỗi năm đến ngày 30-4, bà Huỳnh Thị Ngàn (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) lại lấy những tấm hình cũ ra ngắm cho vơi nỗi nhớ đồng đội. Ảnh: Nga Sơn

Với bà Huỳnh Thị Ngàn (tên thường gọi là Sáu Ngàn, ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cũng như những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm xưa, đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi là sự kiện đặc biệt, là bước ngoặt giúp họ thoát khỏi cảnh tù đày, trở thành người tự do.

* Coi nhà tù là mặt trận chiến đấu

Năm 1969, vừa học nghị quyết ở nhà một cơ sở cách mạng, bà Sáu Ngàn bị địch bắt. 7 năm bị giam tại các nhà tù và nếm trải đủ các hình thức tra tấn, đàn áp nhưng bà Sáu Ngàn cũng như những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, luôn coi nhà tù là mặt trận và quyết tâm chiến đấu tới cùng.

Không chỉ giam cầm, đày ải mà kẻ thù còn muốn giết chết những người tù cộng sản cả về thể xác, tinh thần và tư tưởng nhưng họ vẫn sống, chiến đấu ngoan cường, góp phần đánh thắng kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai.

Bà Sáu Ngàn kể, sau khi bị bắt và thẩm vấn, địch đưa bà về nhà tù Thủ Đức. Tại đây, bọn chúng đánh chết 3 người. Lúc ấy, những nữ tù chính trị đã đấu tranh, hô khẩu hiệu suốt 2 ngày, chống đàn áp, ngược đãi tù nhân, tố cáo chính quyền Sài Gòn. Trước sự đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, bọn địch đã phải nhượng bộ và chấp nhận tôn trọng quyền con người, quyền tự do lý tưởng của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Khắc nghiệt và ác liệt hơn cả theo lời kể của bà Sáu Ngàn là Chuồng Cọp ở nhà tù Côn Đảo. Đây được coi như địa ngục trần gian - phòng giam theo kiểu hầm đá, hai bên hai dãy hầm, trên trần hàn song sắt. Trên hai dãy hầm là những khạp vôi bột sống, lúc cần đàn áp tù nhân bọn chúng đứng bên trên đổ xuống. Mùa mưa, nước tạt vào hành lang, mùa nắng thì gió, cát bụi bay mù mịt. Những người tù cộng sản bị chúng đối xử tệ hơn cả con vật. Cơm chỉ ăn với mắm loãng. Những thùng cơm, thùng mắm không có nắp đậy luôn có nước văng, bụi bay, ruồi ăn trước, tù ăn sau. Cuộc sống tù đày khắc nghiệt là thế, song tinh thần của những người tù cộng sản vẫn không hề giảm sút mà ngày càng bất khuất, kiên cường hơn.

Sau 5 năm trực tiếp tham gia chiến đấu, ông Trịnh Văn Bên (tên thường gọi là Tư Bên, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bị bắt. Ông Tư Bên nhớ lại, Tết Nguyên đán năm 1967, khi ấy ông đang làm nhiệm vụ tại Phòng Hóa học Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh). Theo phân công của chỉ huy đơn vị, ông cùng với 3 đồng đội đi kiểm tra trái mìn mới đánh chiều hôm trước thì gặp quân Mỹ. 2 người chạy thoát, 1 người hy sinh, còn ông thì bị bắt. Chúng đưa ông về nhà lao Tân Hiệp giam giữ một thời gian rồi chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc.

Ông Bên cho biết, ở trong tù cũng có Đảng ủy nhà tù. Xung quanh đều có các chi bộ, các đoàn thể. Vì vậy, trước mỗi cuộc đấu tranh đều có kế hoạch, có sự phân công chuẩn bị. Mặc dù mỗi lần đấu tranh là mỗi lần đổ máu, song các cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ uy tín của Đảng, của Bác Hồ; đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống lại các chế độ hà khắc của nhà tù… vẫn được những người tù cộng sản duy trì. Sau này, như một thói quen, cứ gần đến ngày lễ kỷ niệm của dân tộc, bọn chúng lại bắt một vài người ra đánh để phủ đầu. Bản thân ông Bên cũng đã từng bị chúng đánh đập bằng cách đá mạnh vào hai bên sườn tới ngất xỉu, chúng đập mạnh vào 10 đầu ngón tay tới tóe máu…, còn những người khác thì bị chúng lột móng tay, đập tới gãy răng, đục cho răng lung lay đau nhức…

* Ngày trở về đặc biệt

Sau trận Mậu Thân năm 1968 và thắng lợi của ta trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Mỹ buộc phải nghĩ đến vấn đề thương lượng với ta. Sau nhiều cuộc tiếp xúc nhưng lập trường của hai bên quá xa nhau nên chưa đi tới kết quả cuối cùng. Chỉ khi Việt Nam đập tan cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội và Hải Phòng trong 12 ngày đêm, làm nên trận Điện Biên Phủ trên không mới buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán ký Hiệp định Paris.

Ông Trịnh Văn Bên cùng người bạn đời xem lại cuốn hồi ký về những bước ngoặt trong khoảng thời gian tham gia kháng chiến của mình
Ông Trịnh Văn Bên cùng người bạn đời xem lại cuốn hồi ký về những bước ngoặt trong khoảng thời gian tham gia kháng chiến của mình

Năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Theo nội dung của hiệp định, vấn đề trao trả tù binh sẽ thực hiện song song và chậm nhất là 60 ngày đối với tù binh (những người cầm súng chiến đấu bị địch bắt tù đày) và 90 ngày đối với tù chính trị (là những người tham gia hoạt động cách mạng). Tuy nhiên, Mỹ lại không thực hiện nghiêm điều khoản này. Vì vậy, năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chỉ có một số tù binh và tù chính trị được trao trả, số còn lại mãi tới Ngày Giải phóng miền Nam mới được trở về.

Tháng 4-1975, sau nhiều năm ở các nhà tù Thủ Đức, Chí Hòa, Côn Đảo, bà Sáu Ngàn bị đưa về nhà lao Tân Hiệp. Bà Sáu Ngàn chia sẻ, tháng 4-1975, qua chiếc radio nhỏ bí mật (những người tù cộng sản nhờ được một giám thị mua giùm), bà Sáu Ngàn và những người tù cộng sản trong nhà lao Tân Hiệp đã nghe được thông tin Quân đội nhân dân Việt Nam tuyên bố đánh chiếm được đồn bốt của chính quyền Sài Gòn ở Huế, Đà Nẵng… Biết được thế và lực của Việt Nam đang lên, ngày chiến thắng sắp đến gần, bà Sáu Ngàn và các chị em ở nhà lao Tân Hiệp đã động viên nhau đứng dậy tập đi.

Do bị gông cùm lâu ngày nên mỗi người chỉ tập đi được chừng vài chục bước là không thể đi tiếp được, có người do bị đánh đập trong thời gian dài, sức khỏe yếu nên tập đi được vài bước là ngất xỉu. Nhưng, nghĩ đến ngày được trở về với cách mạng đã tiếp thêm động lực để những người cộng sản đứng dậy, kiên trì tập luyện. Theo chỉ đạo của cấp trên, anh chị em tù nhân trong nhà lao Tân Hiệp đã chia thành các tổ đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau như: tổ gỡ mìn, tổ xung kích, tổ hậu cần, tổ y tá… sẵn sàng vượt ngục khi quân giải phóng vào. Trưa 29-4, toàn bộ địch rút khỏi nhà lao Tân Hiệp, những người tù cộng sản tại nhà lao Tân Hiệp đã đập đứt dây xích và chạy theo hai hướng. Bà Sáu Ngàn là người dân địa phương nên phụ trách dẫn mọi người chạy về hướng Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu). Nhưng do tình hình chiến sự phức tạp nên bà Sáu Ngàn đổi hướng đưa mọi người về Gia Kiệm (H.Thống Nhất).

11 giờ 30 ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng cắm trên nóc Dinh Độc Lập đã đánh dấu thời khắc Sài Gòn - Gia Định (TP.HCM ngày nay) hoàn toàn giải phóng, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Bà Nguyễn Thị Thoại (hiện ở xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) khi đó còn đang bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo nên chứng kiến trọn vẹn giây phút sung sướng của những người tù. Bà Thoại kể, hòa chung với ngày hội non sông, tất cả tù chính trị ở lại Côn Đảo khi ấy ai nấy đều vui mừng như đàn chim được sổ lồng. Riêng bà Thoại khi nhận được thông tin chiến thắng đã bật khóc. 14 năm tù đày là 14 năm bà cùng với những người đồng chí kiên cường chiến đấu trong nhà tù, âm thầm nuốt nước mắt vào trong. Giờ khắc miền Nam được giải phóng, đất nước Việt Nam liền một dải, bà đã được tự do, được trở về với cách mạng, với những người thân yêu…

Bà Nguyễn Thị Thoại cho biết, 14 năm bà bị bắt tù đày, nếm đủ mọi hình thức tra tấn dã man của địch tưởng có thể chết đi sống lại. Nhưng bà là người may mắn sống sót, được chứng kiến đất nước đổi mới. Những năm gần đây, năm nào Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh tổ chức thăm nhà tù Côn Đảo, bà Thoại cũng đăng ký tham gia với mục đích duy nhất là tự tay thắp nén nhang để tưởng nhớ đến công lao của những người đồng chí, đồng đội đã khuất. Mỗi lần trở lại là mỗi lần ký ức xưa ùa về. Cảnh tượng bà cùng với những người cộng sản yêu nước chiến đấu trong tù như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua…

Nga Sơn  

Tin xem nhiều