Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội

10:10, 07/10/2016

Thảo luận tình hình thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, phần lớn các ý kiến tham dự hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 (khóa X) đều thống nhất rằng, Đồng Nai vẫn đang giữ được mức tăng trưởng ổn định.

Thảo luận tình hình thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về các mục tiêu kinh tế - xã hội, phần lớn các ý kiến tham dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 (khóa X) đều thống nhất rằng, Đồng Nai vẫn đang giữ được mức tăng trưởng ổn định.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: P.Hằng
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: P.Hằng

Trong 9 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của Đồng Nai tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2015; số doanh nghiệp mới được thành lập tăng 11,3%; công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư có chuyển biến đáng kể. Thu hút đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 1,5 tỷ USD, vượt kế hoạch cả năm. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, trong khi cả nước tăng trưởng âm thì ở Đồng Nai tăng 4,2%.

* Tích cực chống ngập cho Biên Hòa

Đồng chí Lê Văn Dành, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Biên Hòa, cho biết Biên Hòa đang tích cực chống ngập. Trong 16 điểm ngập do Biên Hòa quản lý, Biên Hòa đã nạo vét, chống ngập được 8 điểm. Từ nay đến cuối năm 2016 thành phố sẽ xử lý tiếp các điểm: trên quốc lộ 1K, đường vào chợ Tân Phong, đường vào UBND phường Tân Tiến, ngã tư Lạc Cường, đường vào KP.3 (phường Bửu Long); đồng thời nạo vét các suối: Linh, Tân Mai, Bà Bột… Các điểm ngập khác thuộc tỉnh quản lý cũng đang được tích cực thực hiện các giải pháp chống ngập.

Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đề nghị các đơn vị, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong quý IV, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh năm 2016; đồng thời, xây dựng các giải pháp tạo vốn cho các dự án hạ tầng quan trọng, các công trình trọng điểm; khẩn trương thực hiện các giải pháp nâng cấp, đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh, nhất là Biên Hòa; tăng cường quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, xử lý kịp thời vi phạm về khai thác tài nguyên đất, cát trên sông Đồng Nai; bên cạnh đó, quản lý tốt giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2017; thực hiện hiệu quả, đồng bộ các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, nhất là các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, như: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu.

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Lâm, giải pháp trước mắt là Biên Hòa phải tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân không xả rác bừa bãi, không che chắn hố ga để nước mưa thoát được; tăng cường kiểm tra, xử phạt việc lấn chiếm dòng chảy. Còn giải pháp căn cơ, UBND TP.Biên Hòa phải là chủ đầu tư toàn bộ dự án thoát nước trên địa bàn.

Thông tin rõ hơn về nguyên nhân ngập úng ở Biên Hòa vừa qua, đồng chí Trần Văn Vĩnh, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết khi đô thị phát triển với tốc độ nhanh, gần như công tác quản lý đô thị không theo kịp nhu cầu phát triển. Trước đây có nhiều ao hồ, ruộng để chứa nước, nay không còn. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công các công trình giao thông, chủ đầu tư chỉ tính đến việc thoát nước cho hệ thống giao thông chứ không phải cho tổng thể của thành phố. Một số tuyến giao thông hiện nay gần như không có hệ thống thoát nước, nếu nhà cao thì nước đổ ra đường, nền nhà thấp hơn đường thì nước tràn vào nhà.

Đồng chí Trần Văn Vĩnh nói: “Bên cạnh việc xử lý nước mưa, còn phải xử lý nước thải ở Biên Hòa. Nước thải hiện nay chảy hết ra sông Đồng Nai, rồi từ đây lại lấy nước để ăn uống, sinh hoạt. Ngay đến nước rửa chén cũng là hóa chất nên mới có tình trạng cứ mưa đầu mùa là cá chết vì nước thải đọng lâu ngày, có mưa trôi hết xuống sông, cá thiếu oxy, ô nhiễm nên chết. Giải pháp lâu dài phải tính đến việc đào hồ chứa nước. Trước mắt, trong tháng 10 UBND tỉnh thành lập các đoàn cùng cấp ủy, chính quyền phường, xã đi kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, suối. Không giải quyết ngay, càng về sau Biên Hòa càng ngập nặng”.

* Không nên dàn đều

Vấn đề khác được đề cập nhiều tại hội nghị là công tác giảm nghèo. Đồng chí Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết hiện nay toàn tỉnh còn 13.621 hộ nghèo (theo các tiêu chí xác định nghèo đa chiều của Chính phủ và chuẩn nghèo mới của tỉnh), chiếm 1,76% dân số. Dự kiến, cuối năm 2016 có 3.445 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo còn lại chỉ chiếm 0,75%. Như vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã về đích ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 (Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã xác định, trong nhiệm kỳ này số hộ nghèo dưới 1%). Tuy nhiên, 2 huyện Tân Phú và Định Quán đang có số hộ nghèo cao nhất tỉnh (chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Để tiếp tục giúp người dân thoát nghèo, Sở Lao động - thương binh và xã hội đề nghị tỉnh bố trí ngân sách cho giảm nghèo năm 2017 khoảng 218,5 tỷ đồng. Đây là số tiền không phải nhỏ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P. Hằng
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P. Hằng

Về vấn đề giảm nghèo đa chiều, đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đã đề cập những vấn đề khá mới. Theo đồng chí, Đồng Nai đã có thành tích lớn trong giảm nghèo. Tuy nhiên, giảm nghèo không chỉ giải quyết “cái bụng” mà phải giải quyết cả “trái tim” và “cái đầu”. Để giảm nghèo đa chiều, quan tâm đến nhà ở, nước sạch, lương thực thực phẩm, phương tiện nghe nhìn… là đúng, song còn nhiều cái “nghèo” khác phải quan tâm: nghèo về niềm tin, trách nhiệm, tri thức và không có quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Hiện nay ai cũng thấy Nhà nước quan tâm hỗ trợ người nghèo nhiều hơn xưa, nhưng trong lòng nhiều người còn bất an. Do vậy, phải huy động tổng lực cho giảm nghèo, quan trọng là giải pháp. Hiện nay giải pháp cho giảm nghèo còn dàn đều. Để tránh sự dàn đều này, địa phương nào nghèo nhất, như: Tân Phú, Định Quán thì phải tập trung nguồn lực nhiều hơn, nếu không 2 huyện này ngày càng khó khăn hơn. Trong giảm nghèo cũng nên chú ý đến từng giới, từng đối tượng yếu thế.

Hội nghị bỏ phiếu thống nhất giới thiệu nguồn quy hoạch cán bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội nghị bỏ phiếu thống nhất giới thiệu nguồn quy hoạch cán bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lâm Văn Nghĩa thì phản ánh thực trạng học sinh trên địa bàn Vĩnh Cửu ngày càng tăng, trong khi biên chế giáo viên không được tăng thêm. Để có đủ giáo viên dạy ở các lớp theo sĩ số của trường chuẩn quốc gia, năm học 2015-2016 huyện đã phải hợp đồng thêm 100 giáo viên, nhưng không có cơ chế tài chính để trả lương cho số giáo viên này. Các trường phải lấy kinh phí chi thường xuyên để trả lương giáo viên, đến nay nguồn kinh phí này ở các trường đã hết. Ngành GD-ĐT nếu không giải quyết sớm tình trạng này sẽ khó tránh học ca 3 xảy ra ở Vĩnh Cửu.

Hội nghị còn thảo luận, đề cập đến nhiều vấn đề, như: chất lượng giáo dục ở Đồng Nai; chú trọng chất lượng đảng viên mới, nhất là kết nạp Đảng để đi nghĩa vụ quân sự; chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở…

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6

Trong 2 ngày 6 và 7-10, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 (khóa X) đã được diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.

Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy trong 9 tháng; xác định các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 3 tháng còn lại của năm 2016. Bước đầu cho ý kiến vào dự thảo chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2017. Đồng thời, hội nghị cho ý kiến thống nhất phương án và danh sách dự kiến đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành, Ban TVTU và các chức danh chủ chốt của tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hội nghị cũng đã nghe PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng Sản báo cáo chuyên đề “Đổi mới quản lý, phát triển xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”.

Dương An

Phương Hằng

 


 

 

 

 

Tin xem nhiều