Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày ấy, 70 năm…

05:01, 01/01/2016

Chỉ 4 tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 6-1-1946 cả nước nô nức tiến hành bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Chỉ 4 tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 6-1-1946 cả nước nô nức tiến hành bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Cử tri hai miền Bắc - Nam nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 6-1-1946).
Cử tri hai miền Bắc - Nam nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 6-1-1946).

Ngày ấy, cách nay tròn 40 năm, in đậm dấu ấn trong tim người Việt Nam. Báo Quốc hội in hình lãnh tụ Hồ Chí Minh với lời kêu gọi: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên, hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”. Kết quả, toàn dân bầu được 303 đại biểu cả nước vào Quốc hội. Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ cao nhất với 98,4% số phiếu. Quốc hội khóa I kéo dài 14 năm (1946-1960), thành quả ấn tượng là đã thông qua và thực thi Hiến pháp đầu tiên của đất nước Việt Nam dân chủ, tự do, độc lập. Đến nay, Quốc hội đã nối dài 13 khóa, luôn tiếp nối, phát triển thành quả trên nền móng của Quốc hội từ cách đây 70 năm.

Đi bầu trong máu lửa

Trong khi miền Bắc bầu cử Quốc hội khóa I trong không khí mùa Xuân thanh bình, đầm ấm, thì nhân dân miền Nam đi bầu trong khói lửa chiến tranh bởi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Có thể nói, lá phiếu của cử tri miền Nam là “lá phiếu máu”. Hơn 40 cán bộ làm công tác vận động bầu cử đã hy sinh anh dũng trong ngày bầu cử. Có đại biểu trúng cử đã hy sinh trên đường đi dự phiên họp Quốc hội đầu tiên.

Trong hồ sơ đại biểu Quốc hội khóa I, tỉnh Biên Hòa (cũ) có 4 đại biểu trúng cử, đó là: Phạm Văn Búng, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Văn Nghĩa và Điểu Xiển. Điểu Xiển đã không dự được phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I. Điểu Xiển, người dân tộc Chơro, người gốc Võ Dõng, Túc Trưng (nay thuộc xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), tham gia cách mạng từ trước năm 1945, có mặt trong hội nghị thành lập chi bộ đầu tiên của Xuân Lộc tại Bàu Trâm (tháng 2-1937). Sau khi trúng cử, trên đường ra Hà Nội dự họp, cuối tháng 1-1946, Điểu Xiển bị địch phục kích bắt ở Rừng Lá (Xuân Lộc). Giặc Pháp ra sức dụ dỗ, chiêu hàng, nếu đầu hàng sẽ cho làm quan. Khi ông vẫn giữ khí tiết, địch đã điên cuồng tra tấn. Qua bài thơ Cái chết của anh Xiển (tác giả Huỳnh Văn Nghệ), người đời sau cảm kích tấm gương hy sinh lẫm liệt của vị đại biểu Quốc hội đầu tiên của Đồng Nai:

Anh vẫn đứng lặng im

Hiên ngang như ngọn núi

Nhìn lũ giặc căm thù sôi trong máu

Anh gầm lên tiếng thét vang rừng

“Không! Không đầu Tây. Tao thà chết tại đây

…Chiếc xe hốt hoảng rồ ga

Phóng tới như điên kéo anh ngã gục

Ngọn Chứa Chan ngắm mãi người anh hùng dân tộc

Đuổi theo xe như một khối căm hờn

Máu anh đỏ cả ruộng vườn

Núi rừng Xuân Lộc nhớ thương đời đời…

Xuân Lộc bi hùng

Sự hy sinh lẫm liệt của anh hùng - đại biểu Quốc hội Điểu Xiển gợi nhớ đến không khí lịch sử bi hùng của vùng đất Xuân Lộc, nơi hoạt động cũng là  nơi hy sinh của ông. Sau khi giành chính quyền không lâu, tháng 10-1945 Xuân Lộc được bước vào cuộc chiến chống thực dân Pháp tái chiếm. Các lực lượng kháng chiến gồm tự vệ chiến đấu và vệ quốc đoàn được lệnh chặn đánh địch ở Núi Tung, Núi Thị khiến địch phải rút lui về Trảng Bom. Cùng với cả nước và nhân dân Nam bộ, quân dân Xuân Lộc - Long Khánh vừa xây dựng lực lượng kháng chiến, vừa hăng hái tham gia bầu cử Quốc hội. Quân Pháp mở nhiều đợt càn quy mô lớn để ngăn cản cuộc bầu cử, thế nhưng cuộc bầu cử vẫn diễn ra an toàn, đạt kết quả mong muốn.

Sau bầu cử, ngày 26-1-1946 quân Pháp lại mở cuộc càn lớn huy động hơn 1 ngàn lính Pháp cùng phương tiện cơ giới nhằm mở rộng chiếm đóng vùng Xuân Lộc, trọng điểm là các đồn điền cao su. Đến tháng 3-1946, giặc chiếm được Xuân Lộc, lập sở chỉ huy tại Suối Tre, ra sức đàn áp, đốt phá, giết chóc  gây tổn hại cho quân dân vùng kháng chiến Xuân Lộc. Lực lượng kháng chiến tổn thất, có bộ phận lánh qua Bình Thuận, rút về Rừng Lá hoặc vùng ven, lập làng kháng chiến. Đồng chí Lê Hữu Quang, cán bộ Việt Minh cùng 6 công nhân cao su bị vây bắt tại khu Bàu Sao, xử bắn ngay tại sân banh. Công nhân trí thức Phạm Văn Phú bị địch hành hình tại khu nghĩa địa lô 97 (Dầu Giây).

Theo lời kể của nhân chứng lịch sử, ngày 15-12-1946 (nhằm 22-11 Bính Tuất), quân Pháp càn quét một làng kháng chiến vùng ven Suối Tre, bắt 17 người trong một tiểu đội du kích vốn là công nhân cao su, ép tự đào huyệt rồi xả súng thảm sát trước mặt người thân là phụ nữ, trẻ em để trấn áp tinh thần. Trước khi nổ súng, một tên “Tây đen gạch mặt” còn dùng dao chặt tay tiểu đội trưởng du kích Hà Huy Thái để cướp chiếc đồng hồ đeo tay. Những hành động tàn ác không thể quên ấy vẫn không lung lạc được tinh thần kháng chiến cứu nước của người dân Xuân Lộc.

Huỳnh Văn Tới

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

 

 

 

Tin xem nhiều