Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ngày tháng Tư…

06:04, 29/04/2014

Tháng Tư về, mỗi người dân Việt Nam không khỏi rạo rực bởi những phút giây hồi tưởng lịch sử. Với mọi thế hệ, thời khắc thiêng liêng 30-4-1975 mãi mãi là biểu tượng rực rỡ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Tháng Tư về, mỗi người dân Việt Nam không khỏi rạo rực bởi những phút giây hồi tưởng lịch sử. Với mọi thế hệ, thời khắc thiêng liêng 30-4-1975 mãi mãi là biểu tượng rực rỡ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Một góc TP.Biên Hòa sau 39 năm giải phóng.
Một góc TP.Biên Hòa sau 39 năm giải phóng.

Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, phóng viên Báo Đồng Nai đã gặp gỡ ông Võ Văn Ba (bí danh Tư Định, Võ Văn Lượng tên thường gọi là Tư Lượng), 66 năm tuổi Đảng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND TP.Biên Hòa, nguyên Phó ban Dân vận Tỉnh ủy... để ghi lại hào khí cuộc tổng tiến công năm 1975 và những đổi thay của Đồng Nai sau gần 40 năm giải phóng.

* Mùa xuân lịch sử năm 1975

Theo lời kể của ông Tư Lượng, vào đầu năm 1975, chiến sự tại tỉnh Biên Hòa cũ và Long Khánh tuy đã giảm về áp lực nhưng vẫn tiếp diễn. Trong đó, địch bắt nhân dân nhiều nơi trong tỉnh ven các lộ 1, 15, 17, 19... đào hầm, đắp ụ chống tăng.

Đến tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên nổ ra, bộ đội ta nhanh chóng giải phóng từng tỉnh từ Quảng Trị trở vào. Nhân dân nức lòng phấn khởi, địch thì hốt hoảng tháo chạy tán loạn theo kiểu “tùy nghi di tản” của Nguyễn Văn Thiệu (nguyên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa). Tại một số địa phương trong tỉnh, như Long Thành, Nhơn Trạch, binh lính các đồn bót đưa gia đình về quê hoặc vào thị trấn ở cho an toàn hơn. Một số lính Sài Gòn thì uống rượu, đánh bạc giải sầu hoặc đào ngũ, rã ngũ mang súng về với cách mạng.

Đến đầu tháng 4-1975, Tiểu đoàn 240 cùng bộ đội huyện Long Thành bao vây đánh 600 tên địch chốt ở ngã ba Thái Lan. Dọc lộ 19, các đồn bót của địch đều bị khống chế, nhân dân đi lại dễ dàng, thuận lợi cho dân công, cán bộ và bộ đội chuyển hàng về căn cứ. Lợi dụng sự hoảng loạn của địch, chỉ trong những ngày đầu tháng 4-1975, ta tiêu diệt hàng trăm tên địch trên các lộ 15, 17, 19, 25... và bắn cháy 1 máy bay, phá 1 xe thiết giáp, 2 xe cam nhông nhà binh. Những hoạt động trên của nhân dân tỉnh Biên Hòa đã góp phần vào Chiến dịch Xuân Lộc, mở cánh cửa thép vào Sài Gòn, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước năm 1975.

Đến ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngay trong ngày này, Tỉnh ủy đã triệu tập cuộc họp tại Căn cứ Suối Đục (huyện Long Thành), giao kế hoạch cho từng huyện, theo tinh thần “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã, liên tục tấn công địch ở khắp nơi”. Cứ thế, suốt từ giữa tháng 4-1975 đến trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tất cả các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đều dồn sức cho ngày giải phóng.

Đến sáng 30-4-1975, toàn tỉnh Biên Hòa hoàn toàn giải phóng. Trưa hôm đó, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. Tối đến, đèn đường và điện trong các nhà dân ở Biên Hòa đều bật sáng trưng, người dân vui mừng phấn khởi vô bờ bến...

* Đổi thay sau 39 năm

Ông Tư Lượng cho biết, sau giải phóng, đời sống nhân dân tỉnh Biên Hòa (cũ), nay là tỉnh Đồng Nai vô cùng khó khăn. Lúc đó, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban quân quản tỉnh Biên Hòa, ông Tư Lượng đã cho mở kho ở Tân Mai và một số kho khác để lấy gạo cứu tế cho khoảng 100 ngàn dân. Ông Tư Lượng còn ký giấy xuất hàng ngàn tấm tôn để nhân dân làm nhà ở, ổn định sau chiến tranh; tổ chức cấp phương tiện, vốn, đưa bà con về quê cũ tham gia khai hoang phục hóa, ổn định cuộc sống gia đình.

Ông Tư Lượng nhận định: Đồng Nai luôn sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm. Mỗi thời kỳ đều để lại những dấu ấn riêng”.

Tỉnh ủy Đồng Nai cũng sớm có chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần. Trong đó, để đi trước, đón đầu Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987), tỉnh đã cử một số cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở các nước: Đức, Ý, Đài Loan, Thái Lan, Singapore... Đến năm 1986 thì tổ chức đoàn đi xúc tiến đầu tư nước ngoài. Kết quả, 5 năm sau (1991), Đồng Nai đã thu hút được một dự án nước ngoài đầu tiên đến làm ăn là Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam, 100% vốn Đài Loan.

Đồng Nai nay đã trở thành thủ phủ về các khu công nghiệp trong cả nước, với 31 khu công nghiệp được cấp phép thành lập. Đồng Nai là cái nôi giải quyết việc làm cho lao động cả nước, tập trung một lực lượng lớn dân cư từ các địa phương đổ về đây. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, đoàn kết và thống nhất được nội bộ. Đồng Nai còn rất quan tâm công tác phát triển đảng viên mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng. Theo đó, nếu như ở thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ tỉnh Biên Hòa lúc đó chỉ có khoảng 40 đảng viên, thì hiện tại Đảng bộ Đồng Nai đã có hơn 60.400 đảng viên. “Đây là những thành quả rất đáng trân trọng” - ông Tư Lượng khẳng định.

Phương Hằng (ghi)

 

 

 

 

Tin xem nhiều