Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để người dân bị thiệt

06:06, 18/06/2013

Ngày 17-6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành lấy ý kiến các đại biểu về Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu góp ý là thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và giá đất.

Ngày 17-6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành lấy ý kiến các đại biểu về Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu góp ý là thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và giá đất.

Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 14 chương, 206 điều, trong đó có 3 chương: 6, 7, 8 được người dân quan tâm nhiều nhất vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các hộ dân.

“Nóng” việc thu hồi đất

Theo các đại biểu, thời gian qua có 70% số vụ khiếu kiện có liên quan đến đất đai là do khâu thu hồi, bồi thường, tái định cư nhiều điểm chưa phù hợp và phần thua thiệt luôn thuộc về người dân bị thu hồi đất, giá đất theo quy định của Nhà nước thực tế thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Do đó, sau khi bị thu hồi đất, nhiều hộ dân không đủ tiền mua đất làm lại nhà bằng nhà cũ đã bị giải tỏa, họ cũng không còn điều kiện mua đất để tiếp tục sản xuất đảm bảo đời sống. Muốn giảm được bức xúc cho người dân trong việc thu hồi đất, các đại biểu yêu cầu Luật Đất đai (sửa đổi) phải bổ sung một số khoản và quy định rõ ràng hơn nữa, tránh tình trạng nhập nhèm trong quá trình định giá thu hồi đất.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trươgn Văn Vở
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở phát biểu đóng góp ý kiến tại kỳ họp

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (đơn vị tỉnh Bình Định) kiến nghị: “Khi thu hồi đất thực hiện các dự án, nhà nước nên trưng mua để giảm bớt thiệt thòi cho người dân có đất bị thu hồi. Trong quá trình thu hồi đất, phải công bố rõ ràng để người dân tham gia góp ý sẽ giảm được bức xúc”. Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (đơn vị tỉnh Bạc Liêu) đề xuất: “Định giá đất nên độc lập, khách quan, phù hợp. Thời gian qua, định giá đất giao cho các tỉnh, thành phố thực hiện và thường định giá rất thấp, có khi chỉ bằng 1/3 giá thị trường nên khi thu hồi đất hay gây bất bình cho dân. Vì thế, Chính phủ quy định khung giá đất phải yêu cầu các địa phương kịp thời bổ sung thông tin để định giá cho phù hợp”.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị thu hồi đất phải bồi thường tương đương giá trị mảnh đất và tài sản trên đất cho người dân. Nhà nước không đứng ra thu hồi đất các dự án kinh tế - xã hội để tránh bị lợi dụng.

Làm sai chịu trách nhiệm

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đơn vị tỉnh Hậu Giang) đề nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh các dự án thực sự vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… tránh trường lợi dụng quy định này để thu hồi đất.

Lâu nay thu hồi đất các dự án còn xảy ra tình trạng không rõ ràng và thời gian chưa cụ thể. Đồng thời, các cơ quan, cá nhân thực hiện không đúng quy định trong quản lý đất đai vẫn chưa phải chịu trách nhiệm, dẫn đến vi phạm còn nhiều, gây ra tình trạng khiếu kiện. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trương Văn Vở (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đề nghị: “Thu hồi đất cần quy định rõ thời gian ban hành quyết định thu hồi đã bớt tình trạng tùy tiện trong việc thu hồi đất, và bổ sung thêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cấp để tránh sai phạm trong quy hoạch, mục đích sử dụng đất, sai thẩm quyền và sai trình tự thu hồi đất. Làm vậy sẽ hạn chế được tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai”. >>>Xem toàn văn nội dung đóng góp ý kiến của đại biểu Trương Văn Vở

Thực tế thời gian qua ở các địa phương, quy hoạch dự án kéo dài hàng chục năm không thực hiện làm người dân không thể mua bán, nâng cấp, xây dựng khi nhà hư hỏng hoặc thế chấp vay vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập… song không có đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm.  “Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định thêm mức xử lý với các cơ quan, cá nhân không thực hiện dự án đúng thời hạn; phải bồi thường quyền lợi trên mảnh đất cho người dân bị hạn chế trong thời gian quy hoạch” - đại biểu Huỳnh Nghĩa (đơn vị TP.Đà Nẵng) yêu cầu.

Chú ý sinh kế cho dân

Sáng 18-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thông qua nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội; thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thông qua Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Phiên họp buổi sáng được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Hầu hết các tỉnh, thành sau khi thu hồi đất bố trí tái định cư, song ít quan tâm đến sinh kế của người dân. Nhiều người dân sau khi bị thu hồi đất vào khu tái định cư không có đất sản xuất, không có việc làm, đời sống bấp bênh. “Thu hồi đất phải bồi thường tương đương và nơi tái định cư bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Sau khi đưa người dân vào nơi tái định cư cần quan tâm tạo việc làm để họ ổn định cuộc sống”- đại biểu Lê Minh Hiền (đơn vị tỉnh Khánh Hòa) nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đơn vị tỉnh Hậu Giang), đề xuất: “Nông dân lớn tuổi bị thu hồi đất, vào khu tái định cư, không còn đất sản xuất thường không tìm được việc làm dẫn đến đời sống khó khăn. Vì thế, Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung phần hỗ trợ cho người dân khi mất đất sản xuất”.

Ghi nhận góp ý của các đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục gửi phiếu lấy ý kiến các đại biểu để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) và sớm thông qua.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều