Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, sáng 13-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề: thị trường tiền tệ; vốn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết tình hình nợ xấu, nợ đọng để khơi thông nền kinh tế.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, sáng 13-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề: thị trường tiền tệ; vốn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết tình hình nợ xấu, nợ đọng để khơi thông nền kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề về thị trường vàng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hệ thống tín dụng đã được Thống đốc làm rõ...
* Chuẩn hóa thị trường vàng
Vấn đề kinh doanh vàng, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệnh cũng như các giải pháp để thu hút được lượng vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế ... được nhiều đại biểu quan tâm. Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết: Trước đây, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới gây ra biến động kinh tế vĩ mô, tác động đến tỉ giá, dẫn đến tình trạng đầu cơ buôn lậu vàng qua biên giới. Điều này ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu do lượng lớn ngoại tệ phục vụ buôn lậu vàng, kéo theo lạm phát và chảy máu ngoại tệ.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội |
Để không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải cho nhập khẩu vàng nhằm đưa giá vàng trong nước gần với quốc tế. Hiện nay, môi trường pháp lý không rõ ràng, việc quản lý hoạt động của thị trường vàng nói chung và thị trường vàng miếng nói riêng hết sức bất cập. Để chấn chỉnh kịp thời thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Nghị định 24 từ năm 2009, nhưng Nghị định động chạm đến nhiều lĩnh vực kinh doanh, qua nhiều lần trao đổi, thảo luận với các Bộ, ngành liên quan, đến ngày 25-5-2011 Nghị định này mới có hiệu lực.
Về vấn đề kinh doanh vàng miếng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng: cơ chế quản lý vàng chưa hiệu quả do trong thời gian dài, nước ta chưa có cơ chế quản lý về thị trường vàng. Vì vậy, Nghị định 24 được ban hành tạo ra cơ chế pháp lý nhằm quản lý thị trường này, trong đó, có việc quản lý về chất lượng để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người tiêu dùng. Tính đến thời điểm hiện nay, một lượng vàng lớn được dập lại thành vàng miếng dưới khoảng 8 loại nhãn mác khác nhau. Để có cơ sở chấn chỉnh lại thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng nhãn hiệu SJC vì lượng vàng SJC chiếm hơn 90% lượng vàng trên thị trường. Sau khi chuẩn hóa, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức có một loại nhãn mác vàng riêng của Ngân hàng để ban hành song hành nhằm tiến tới chuẩn hóa thị trường vàng miếng, chuẩn hóa trong giao dịch và hệ thống bán lẻ.
Vấn đề huy động vàng trong nền kinh tế cũng được nhiều đại biểu đề cập. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, hiện chưa có đánh giá cụ thể nhưng từ thực tế hoạt động, theo Ngân hàng Nhà nước có khoảng 250-300 tấn vàng trong dân. Đây là nguồn lực rất lớn bị lãng phí. Làm sao khơi thông được nguồn lực này để phục vụ cho quốc kế dân sinh là mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế. Thực hiện các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống tín dụng đã mua của người dân hơn 60 tấn vàng trong 5 tháng qua. Đây cũng là sự cố gắng bước đầu trong việc huy động được vàng.
* Giảm nợ xấu trong hệ thống tín dụng
Nợ xấu trong hệ thống tín dụng và tình hình nợ xấu gia tăng nhanh trong thời gian gần đây và liệu các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước cùng với tổ chức tín dụng có giảm được nợ xấu... là vấn đề ‘nóng’ được nhiều đại biểu quan tâm.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: nhận thức được nguy cơ nợ xấu tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng đề án tái cấu trúc và đánh giá thực trạng nợ xấu trong ngành ngân hàng. Lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ lệ nợ xấu theo đánh giá của ngân hàng; đồng thời, có giải pháp tổng thể giải quyết nợ xấu. Bên cạnh đó, Thống đốc thừa nhận, tình trạng nợ xấu đã diễn ra trong một thời gian dài là do tăng trưởng tín dụng quá nóng , buông lỏng hoạt động quản lý, thanh tra, giám sát. Khắc phục tình trạng này,Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, đánh giá thực tế doanh nghiệp...
Về tiến độ giải quyết nợ xấu chậm, Thống đốc cho rằng, cần phải có thời gian, hiện hệ thống tín dụng đang cơ cấu lại nợ của các doanh nghiệp, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, tổ chức nào chưa thành lập dự phòng rủi ro sẽ không được chia lợi nhuận để đảm bảo quỹ dự phòng rủi ro giải quyết nợ xấu. Các tổ chức đã xử lý 12.000 tỷ đồng từ quỹ dự phòng rủi ro. Thực tế tại các tổ chức tín dụng, hơn 80% nợ xấu có tài sản đảm bảo, trong đó hơn 50% có tài sản đảm bảo là bất động sản. Với những giải pháp này, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng tình trạng nợ xấu sẽ chững lại và không gia tăng. Tuy nhiên, việc này cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ban, ngành và địa phương. Nếu khơi thông được thị trường bất động sản, sẽ giải quyết được một phần nợ xấu…
Trả lời chất vấn của một số đại biểu cho rằng, nợ xấu đang là vấn đề hết sức bức xúc, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế; các biện pháp siết nợ, siết tín dụng trong thời gian qua đã làm cho doanh nghiệp điêu đứng..., Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, nợ xấu trong thời gian hiện tại chưa nghiêm trọng nhưng sẽ nguy hiểm trong thời gian tới nếu không siết chặt nợ xấu. Tuy nhiên, cùng với việc giảm nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và địa phương để tìm giải pháp hữu hiệu nhất hỗ trợ doanh nghiệp.
* Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp
Cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hệ thống tín dụng, hệ thống ngân hàng, tính thanh khoản của ngân hàng đang từng bước được cải thiện, lãi suất huy động các kỳ hạn đang ở mức trung bình 9%/năm, lãi suất cho vay cũng giảm so với trước, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều địa biểu quan tâm về chất lượng tín dụng, thị trường tín dụng đen vẫn tràn lan ngoài thị trường. Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận tình trạng này do tổ chức tín dụng thẩm định cho vay, phương án quản lý vốn chặt chẽ hơn, doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn dẫn đến tín dụng đen tràn lan. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý tình trạng này, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng.
Theo Thống đốc, thực tế, lãi suất đã giảm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, tính thanh khoản của tổ chức tín dụng đã được cải thiện nhưng chưa ổn định, chưa bền vững. Thời gian qua, lạm phát đã giảm 1% nhưng vẫn rình rập gia tăng trở lại. Ngân hàng Nhà nước cùng với hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục tìm gói giải pháp hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết: nông nghiệp, nông thôn đang là cứu cánh tỉ lệ nợ xấu. Hiện tỉ lệ nợ xấu khu vực này đang là 4,49%, điều này cho thấy chất lượng cho vay nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; mở chi nhánh ở khu vực nông thôn để dẫn vốn về khu vực này...
P.V (tổng hợp)