Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, vấn đề thực phẩm chức năng, mỹ phẩm được bán tràn lan trên thị trường nói chung, mạng xã hội nói riêng, thậm chí len lỏi đến các bản làng, vùng sâu, vùng xa, lừa đảo người cao tuổi được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên chất vấn. Ảnh: Q.H |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận có tình trạng này. Và người dân cần sáng suốt khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng.
Tăng mức xử phạt
Bà Đào Hồng Lan cho hay, theo quy định hiện hành, đối với thực phẩm chức năng và mỹ phẩm quản lý theo cơ chế hậu kiểm, công bố sản phẩm và kiểm tra hậu kiểm.
Theo đó, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm khi đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh với các đơn vị có chức năng kinh doanh mỹ phẩm và tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc Sở Y tế.
Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra và xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bộ Công Thương đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất hàng giả, hàng cấm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Với sản phẩm lách luật bằng cách bán trên website, trang thương mại điện tử hoặc tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt người cao tuổi, cần tiếp tục hoàn thiện quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh, tăng mức xử phạt vi phạm; tăng cường hoạt động của quản lý thị trường vàc các đơn vị liên quan.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phản ánh việc lạm dụng sử dụng thực phẩm chức năng có thể gây ra các phản ứng dị ứng, làm rối loạn quá trình đồng hóa, trao đổi chất của cơ thể do nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng. Thậm chí người bệnh sử dụng thực phẩm chức năng không đúng, không hợp lý sẽ làm mất đi thời gian vàng chữa trị bệnh. Vậy Bộ Y tế có giải pháp căn cơ, hiệu quả nào để người dân hiểu đúng, hiểu đủ về thực phẩm chức năng để biết cách sử dụng đúng, mang lại hiệu quả?
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, thực tế thời gian qua có người lợi dụng để thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu mắc bệnh phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, không nghe theo quảng cáo trên mạng để tự chữa bệnh với các hình thức không đúng quy định.
Ngoài ra, người dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng vì đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Cần đọc kỹ thông tin chỉ định và chống chỉ định sử dụng của thực phẩm. Người tiêu dùng khi xem quảng cáo trên mạng cần lưu ý, nếu có người nói uống thực phẩm này sẽ khỏi bệnh hay sản phẩm này tốt hơn sản phẩm khác, có hình ảnh y, bác sĩ quảng cáo đều là vi phạm. Đặc biệt, nếu trên thực phẩm nào không có ghi dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” cũng là vi phạm quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Y tế cho biết, Luật An toàn thực phẩm quy định thực phẩm chức năng được phân thành 4 nhóm, trong đó có 3 nhóm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng trong chế độ ăn đặc biệt đã được quản lý chặt chẽ.
Kiểm soát thực phẩm chức năng xách tay
Với các câu hỏi liên quan đến kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng xách tay, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thực phẩm chức năng xách tay là từ được sử dụng bởi người tiêu dùng. Khái niệm này là nói về các sản phẩm nhập khẩu do người đi nước ngoài mang về. Trong các văn bản pháp quy hiện không có khái niệm này.
Khi các thực phẩm chức năng mang từ nước ngoài về, sử dụng cho cá nhân thì không trong diện quản lý. Nhưng nếu các thực phẩm đó được mang ra buôn bán, thì điều kiện để kinh doanh thực phẩm chức năng phải được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm, sản phẩm đó phải được dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thực phẩm chức năng được giao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook. Ảnh chụp màn hình |
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán tại các cửa hàng, hoặc bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Bộ trưởng khẳng định, nếu đã bán hàng thì phải đáp ứng được đầy đủ các quy định liên quan tới đăng ký, công bố sản phẩm. Bán hàng với các sản phẩm không có công bố này là vi phạm pháp luật.
Đối với các sản phẩm quảng cáo, theo quy định của pháp luật về quảng cáo, sản phẩm quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Việc bán hàng online không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đáp ứng đầy đủ các quy định thì đều là vi phạm.
Phân tích nguyên nhân của hiện trạng này, Bộ trưởng cho rằng do mức lợi nhuận khiến một số người bất chấp các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có nhu cầu dùng hàng xách tay, cho rằng hàng xách tay tốt hơn hàng nhập khẩu. Khi điều kiện kinh tế xã hội tăng lên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao hơn cũng khiến con người có nhu cầu sử dụng loại mặt hàng này. Một nguyên nhân khác là do việc kiểm soát buôn bán hàng trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tích cực phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông để tăng cường kiểm soát việc bán hàng trên thị trường, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn.
Bộ Y tế cùng các bộ đã thành lập đội phản ứng nhanh, khi phát hiện các sai phạm, theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, Bộ cũng có cách thức xử lý. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là liên quan đến mạng xã hội, khi máy chủ đặt ở nước ngoài, nên việc kiểm soát nằm ngoài phạm vi của cơ quan chức năng.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, tăng cường thanh kiểm tra là một trong những chức năng quan trọng trong quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Dù lực lượng mỏng nhưng ngành y tế vẫn tiến hành thanh, kiểm tra theo quy định. Đồng thời lựa chọn những nội dung vi phạm phổ biến, xử lý một vài vụ để mang tính cảnh tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin để nắm bắt thực tiễn tại các địa phương, huy động sức mạnh cộng đồng, các sai phạm được báo chí nêu trên mặt báo để xử lý các sai phạm.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin