Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 (khóa XI) diễn ra ngày 6-12, đã có nhiều ý kiến phân tích kỹ các tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp quyết liệt hơn cho năm 2024.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ. Ảnh: C.Nghĩa |
Năm 2023, Nghị quyết của Tỉnh ủy xác định 31 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đến nay có 9 chỉ tiêu thực hiện vượt, 14 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu chưa đạt. Trong 8 chỉ tiêu chưa đạt, có 5 chỉ tiêu kinh tế là: tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP, GRDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tổng thu ngân sách.
* Tốc độ tăng trưởng đang chậm lại
Được coi là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Đại hội XIII của Đảng, nhưng ngay từ đầu năm 2023, tỉnh đã dự báo sẽ có nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới lẫn trong nước đến việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu của tỉnh đề ra. Thực tế năm 2023, tỉnh đã sụt giảm tốc độ tăng trưởng GRDP một cách rõ nét và là năm có tốc độ tăng thấp nhất so với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên phân tích, động lực tăng trưởng đang sụt giảm, cả công nghiệp và xây dựng đều giảm, điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh giảm. Chỉ có lĩnh vực dịch vụ đang có sự bứt phá và là lĩnh vực có mức tăng trưởng cao nhất so với các ngành là 6,44%. Nông nghiệp vẫn giữ được thế ổn định nhờ thời tiết thuận lợi và thị trường tiêu thụ duy trì tốt. Kinh tế sụt giảm ảnh hưởng đến mục tiêu thu nhập bình quân tính theo đầu người chỉ đạt 139,75 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so với mục tiêu của tỉnh đề ra là 145-150 triệu đồng/người/năm.
Dự ước thu ngân sách năm 2023 của tỉnh chỉ đạt 58 ngàn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Thu nội địa khoảng 40 ngàn tỷ đồng, thu xuất - nhập khẩu là 17,8 ngàn tỷ đồng. Đối với hoạt động xuất - nhập khẩu, xuất khẩu đạt 21,7 tỷ USD, giảm 11,73% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu là 15,698 tỷ USD, giảm 17,12% so với cùng kỳ. Thực tế Đồng Nai xuất siêu nhưng xét về góc độ kinh tế, chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Khi nhập khẩu giảm thì xuất khẩu cũng giảm theo và tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng bị ảnh hưởng.
Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 11-2023 mới chỉ đạt 40% kế hoạch, trong khi cả nước là 65%. Một số công trình trọng điểm có mức giải ngân chậm, một số khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ nhưng thực hiện vẫn chậm nên không đạt giải ngân như kỳ vọng. Hiện nay, 31 chủ đầu tư đã có cam kết đạt giải ngân hết năm 2023 đạt trên 90%, nhưng đến nay đã sang tháng 12 mà giải ngân vẫn rất chậm.
Toàn tỉnh hiện có 72 ngàn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập nhưng thực tế chỉ có 35 ngàn DN hoạt động và trong số này chỉ có 24 ngàn DN có phát sinh đóng thuế. Năm 2023, ghi nhận nhiều biến động đối với DN khi có 3.600 DN thành lập mới nhưng số DN giải thể thuộc hàng cao nhất so với mọi năm. Số DN tạm dừng kinh doanh là 1.561, giải thể 473 DN, đồng thời có 698 chi nhánh, văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động.
Năm 2023 so với năm 2021 và 2022 tình hình thu hút đầu tư có khởi sắc, nhưng các dự án đầu tư tầm cỡ, giá trị vốn/dự án chưa nhiều và rất thấp. Trong 11 tháng của năm 2023, tỉnh thu hút 20 dự án trong nước với vốn đầu tư 12,5 ngàn tỷ đồng (tăng 5 lần); 65 dự án đầu tư nước ngoài cấp mới với vốn đầu tư 317 triệu USD và 750 triệu USD bổ sung vốn (tăng gấp 6 lần). DN có xu thế đánh giá lại tình hình hoạt động theo các xu thế phát triển của tỉnh ở chu kỳ mới.
Trình bày tổng hợp ý kiến thảo luận tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy VIÊN HỒNG TIẾN cho biết, đã có 56 ý kiến phát biểu tại 5 tổ. Nhìn chung, các ý kiến thảo luận đều cơ bản nhất trí với nội dung các dự thảo; các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực và kết quả thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 8-12-2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, đoàn thể năm 2023 trên các lĩnh vực, nhất là đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; thể hiện sự đồng tình cao đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong năm 2024 và các dự thảo trình hội nghị.
N.P
* Xác định nguyên nhân
Trong phiên thảo luận tổ, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đặt vấn đề, vì sao Đồng Nai có nhiều điều kiện tương đồng với các tỉnh lân cận, chính sách, pháp luật như nhau nhưng tỉnh lại có tốc độ tăng trưởng sụt giảm. Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, nguyên nhân chính ở đây là công tác cán bộ, công việc có đạt hay không là do cán bộ. Chính vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh đang đẩy mạnh sắp xếp cán bộ để đảm bảo công việc tốt hơn.
Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng cũng là nguyên nhân khiến tỉnh sụt giảm tăng trưởng và không phát huy được những lợi thế cạnh tranh. Một số địa phương và cử tri phản ảnh, công tác cải cách thủ tục hành chính của các sở, ngành chưa tốt, nhiều hồ sơ chậm trễ trong xử lý và tình trạng trễ hẹn kéo dài. Nhiều nội dung địa phương đề xuất lên còn bị “ách tắc”, chậm xử lý, tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh. Có sở làm văn bản xin ý kiến nhưng tới 6 tháng sau mới nhận được văn bản phản hồi, như vậy là rất chậm trễ.
Đầu năm 2022, Chính phủ đã có nghị quyết về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, trong đó có giao cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng đề án phân cấp, phân quyền cho các cơ quan chuyên môn, trực thuộc UBND tỉnh là cấp sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Chính vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm xây dựng đề án để giảm áp lực cho UBND tỉnh và thuận lợi cho các sở, ngành, địa phương. Có đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì mới có thời gian tập trung cho công tác kiểm tra, giám sát để công việc trôi chảy hơn.
Thu ngân sách năm 2023 không đạt do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhiều đại biểu cho rằng, phải quan tâm đến tình trạng DN nợ đọng thuế còn cao và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách. Còn với công tác giải ngân vốn đầu tư công, năm nào cũng đề cập, phân tích, ban hành chỉ thị, xác định rõ trách nhiệm của địa phương, chủ đầu tư, sở, ngành, thế nhưng thực tế vẫn không chuyển biến nhiều.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ngô Thế Ân, năm 2022, tốc độ giải ngân đầu tư công có chậm và đã xác định năm 2023 sẽ phải khá hơn nhưng thực tế khó khăn vẫn chồng chất, tiến độ vẫn rất chậm. Cụ thể, Ban được giao 1.281 tỷ đồng vốn nhưng đến hết tháng 11-2023 mới triển khai được 44%. Ông Ân cho biết, Ban đang cố gắng đến ngày 15-12 sẽ giải ngân được 71%. Đối với nguồn vốn phục hồi kinh tế - xã hội Trung ương giao thực hiện đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến ngày 31-12 sẽ giải ngân 100% số vốn 524 tỷ đồng.
Vấn đề triển khai các dự án hạ tầng hiện còn rất chậm, theo nhiều đại biểu, nguyên nhân vẫn là do khâu giải phóng mặt bằng và việc chậm giải phóng mặt bằng lại xuất phát từ nguyên nhân chưa chuẩn bị tốt dự án tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Đơn cử như trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện còn 2.300 hộ dân phải thu hồi đất nhưng chưa thể bố trí tái định cư, còn toàn tỉnh là trên 30 ngàn hộ.
Nếu tiếp tục chậm trễ tái định cư sẽ kéo theo chậm trễ thu hồi đất, chậm tiến độ triển khai thi công và kéo theo là chậm giải ngân vốn đầu tư công. Về lâu dài, nếu không giải quyết rốt ráo thì số hộ cần tái định cư, cần thu hồi đất sẽ dồn lại, phát sinh thêm nhiều chi phí.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin