Báo Đồng Nai điện tử
En

Thắm tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc Việt Nam

Lâm Viên
07:40, 04/10/2023

Việt Nam có 54 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa riêng, đa đạng, phong phú và thống nhất, hoà hợp trong tình đoàn kết, cùng nguồn cội con Lạc - cháu Hồng.

Sáng 16-8-2023, tại Phủ Chủ tịch, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt thân mật các nữ sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu được nhận học bổng của Quỹ Học bổng Vừ A Dính
Sáng 16-8-2023, tại Phủ Chủ tịch, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt thân mật các nữ sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu được nhận học bổng của Quỹ Học bổng Vừ A Dính

Chính sự gắn bó keo sơn như máu thịt của 54 dân tộc anh em đã trở thành sức mạnh góp phần rất lớn vào tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước, đánh bại âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động lôi kéo đồng bào vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sự hòa hợp giữa các dân tộc tạo thành sức mạnh của dân tộc

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Tính đến thời điểm ngày 1-4-2019, theo điều tra dân số toàn quốc, ngoài dân tộc Kinh có tỷ lệ 85,3% dân số cả nước, còn lại cộng đồng 53 dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam có hơn 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước với hơn 3 triệu hộ. Trong 53 dân tộc thiểu số, quy mô giữa các DTTS không đồng đều. Riêng đối với Đồng Nai có đặc thù là có đến 52 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn.

Ngoại trừ dân tộc Kinh, Khmer, Hoa chủ yếu sống ở đồng bằng và thành thị, các dân tộc còn lại chủ yếu sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn với địa hình chia cắt và giao thông đi lại khó khăn, dù cho ngày nay với chủ trương của Đảng và chính sách, sự đầu tư của Nhà nước, giao thông ở các thôn, bản đã có nhiều đổi thay so với trước.

Đồng chí HOÀNG THỊ HẠNH, nguyên Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: “Cần nắm vững khái quát về đặc điểm các dân tộc Việt Nam bằng chính thực tiễn, cũng như bằng những vấn đề thuộc về lý luận để từ đó có đủ điều kiện, chất xúc tác và khả năng để chống lại những luồng tư tưởng phía bên ngoài chống phá chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta”.

Cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam có truyền thống gắn kết lâu đời trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Điều này được chứng minh bằng hàng loạt bài học lịch sử, bằng thực tiễn cuộc sống khắp các miền Bắc, Trung, Nam và Tây nguyên. Tên tuổi của những anh hùng dân tộc như: La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Nông Văn Dền (Kim Đồng), Vừ A Dính... vẫn như còn vang vọng khắp hồn thiên sông núi với những chiến công huyền thoại.

Khi đất nước được độc lập, thống nhất, dù ở bất cứ khu vực nào ở Việt Nam đều thấy rõ cuộc sống chan hòa giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số. Thậm chí, đồng bào miền xuôi tự nguyện đi “kinh tế mới”, lên khai hoang ở miền núi, sống xen kẽ trong những bản, những làng. Đó còn là những thầy cô với sức trẻ và sự nhiệt huyết của mình đã tự nguyện đem “con chữ” lên vùng cao cho học trò vùng Tây Bắc. Tương tự, các DTTS lại di dân về phía đồng bằng, từ miền Bắc vào miền Nam để làm ăn, sinh sống, cho nên ở Đồng Nai hiện nay có rất nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Có sự giao thoa, học hỏi lẫn nhau từ cách ăn ở, kiến trúc, trang phục, ẩm thực… giữa các dân tộc. Để rồi trong hành trình nhiều năm làm ăn, sinh sống ở vùng đất mới, đồng bào DTTS cùng người Kinh đã nên duyên chồng vợ, rồi con cháu họ ra đời. Không lấy làm lạ trong nhiều gia đình có những người con dâu, con rể là đồng bào DTTS. Điều này cho thấy sự gắn bó máu thịt, keo sơn giữa các dân tộc.

Thiêng liêng hơn, dù bất kể dân tộc gì, miễn là người Việt Nam thì đều có chung nguồn cội, gốc tích của Lạc Long Quân và Âu Cơ, để rồi “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Việc tất cả người dân đều hướng về đền Hùng, thờ vua Hùng cho thấy sự đoàn kết, yêu thương giữa các dân tộc như lời cha ông đã dạy: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Từ sức mạnh tinh thần đó đã trở thành sức mạnh vật chất để cả dân tộc Việt Nam đi qua các cuộc kháng chiến cũng như biết bao khó khăn trong xây dựng, phát triển đất nước. Gần đây, trong những đợt bão lũ, hay trong đại dịch Covid-19 hoành hành, đồng bào cả nước lại hướng về nhau, chia ngọt sẻ bùi, gắn kết như một lẽ tự nhiên, rất giản dị, vô hình nhưng trực tiếp làm nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc.

Chú trọng tính đặc thù của từng vùng có đông đồng bào DTTS

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh, nguyên Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vào tháng 8-2023 đã có buổi tập huấn tại Đồng Nai về nội dung Khái quát đặc điểm các dân tộc Việt Nam, một số kết quả thực hiện chính sách sân tộc thời gian qua và những vấn đề cần chú ý trong phòng ngừa, xử lý giải quyết điểm nóng về vấn đề dân tộc. Khi chia sẻ về quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, đồng chí Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh: Từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc. Ngay từ cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã đề cập vấn đề dân tộc và giải quyết quan hệ dân tộc: “…độc lập dân tộc, người cày có ruộng…” phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của các dân tộc.

Báo Sơn La chuyển trao kinh phí của Báo Đồng Nai hỗ trợ xây dựng
nhà ở cho gia đình hộ nghèo Lường Văn Sưa, bản Pát, xã Bó Sinh,
H.Sông Mã, tỉnh Sơn La
Báo Sơn La chuyển trao kinh phí của Báo Đồng Nai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình hộ nghèo Lường Văn Sưa, bản Pát, xã Bó Sinh, H.Sông Mã, tỉnh Sơn La

Các nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ đều nhấn mạnh xuyên suốt, rõ ràng về chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc. Đến kỳ Đại hội thứ XII vào tháng 1-2016, Đảng nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung”. Đến Đại hội lần thứ XIII vào tháng 1-2021, Đảng có nêu: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc”.

So với các kỳ đại hội trước đây, chủ trương, đường lối về công tác dân tộc được đề ra mang tính khái quát chung toàn bộ về vùng dân tộc và miền núi, trong văn kiện Đại hội thứ XIII, Đảng đã chủ trương chú trọng đến tính đặc thù của từng vùng có đông đồng bào DTTS trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Đây được xem là điểm mới có ý nghĩa hết sức quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng nhằm đảm bảo phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng cũng như từng dân tộc.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch kinh tế biên mậu; có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động lôi kéo đồng bào vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đe dọa sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ngoài ra, hệ thống chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc còn thể hiện ở Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; các nghị quyết chuyên đề định hướng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi như: Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên…

Lâm Viên

Tin xem nhiều