Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Lâm Viên
08:16, 18/10/2023

Hiện nay, một số quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực kinh tế chính trị diễn biến rất phức tạp. Các thế lực thù địch cho rằng, đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là chắp vá, không tưởng; phủ nhận mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Những quan điểm sai trái, thù địch này cần được đấu tranh kịp thời, hiệu quả, vừa giúp người dân hiểu được đúng đắn, đầy đủ quan điểm chính thống, vừa làm thất bại âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch muốn phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

* Các đối tượng thù địch chống phá các vấn đề về kinh tế chính trị

Lợi dụng sự nhanh nhạy, phát tán không biên giới của mạng xã hội, thời gian qua, các thế lực thù định đã thực hiện đăng tải, chia sẻ các clip chống phá Việt Nam trên mạng xã hội. Trên lĩnh vực kinh tế chính trị, các clip này thể hiện sự cay cú và phủ nhận những thành tựu đạt được của Việt Nam, đồng thời xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng ta, cụ thể là mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Gần đây, ngày 8-10, trang T. đăng video clip dẫn bài viết của V. với tiêu đề: “Việt Nam sẵn sàng từ bỏ mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ở góc độ nghiên cứu, ThS Chống Nguyệt Ánh, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai trong tham luận gửi hội thảo khoa học Gắn hoạt động giảng dạy lý luận chính trị với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay, đã nhận định một số vấn đề kinh tế chính trị bị chống phá “nổi cộm”:

Một là, “những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tính khoa học, tính cách mạng, tính thời đại các học thuyết kinh tế Mác - xít…”.

Hai là, “các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta, cụ thể trên mặt trận phát triển kinh tế: họ phủ định tính khách quan và bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mang nội dung tư bản, sở hữu toàn dân chỉ là một khái niệm. Công hữu nghĩa là vô chủ, là không của ai, không hiệu quả, là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khó khăn và nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Họ còn đưa ra các luận điệu xuyên tạc về mô hình phát triển kinh tế nước ta, nhất là khi Đảng ta xác định phát triển thành phần “kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”: Việt Nam thừa nhận kinh tế thị trường chính là đang mở đường cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển. Các thế lực thù địch lại dùng chiêu bài khuếch đại nợ công, lợi dụng một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ và một số cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý… để tuyên truyền rằng đó là hậu quả của việc nhà nước can thiệp sâu vào nền kinh tế… Nắm rõ đường lối đối ngoại của Đảng ta là tăng cường mở rộng quan hệ với các nước lớn, các thế lực thù địch ra sức công kích nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng, truyền thống…”.

* Việt Nam kiên định vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Có thể thấy, các thế lực thù địch cố tình đưa ra những luận điệu xuyên tạc, đi ngược và đối lập hoàn toàn với chủ trương, đường lối của Đảng ta, phủ nhận những luận cứ lý luận khoa học và thực tiễn về kinh tế chính trị nói chung và mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam nói riêng. Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN xuất phát từ bối cảnh thực tiễn trong nước và quốc tế, đồng thời có sự đúc kết lại, phát triển và hoàn thiện hơn trên cơ sở đánh giá và rút ra các bài học lớn qua các kỳ Đại hội Đảng.

Theo đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) của Đảng đã thực hiện đổi mới tư duy, chuyển nền kinh tế vận hành theo cơ chế tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường.

Dù vậy, thuật ngữ kinh tế thị trường định hướng XHCN mới được khẳng định tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001). Đó là kết quả của quá trình 15 năm đổi mới tư duy và thực tiễn ở nước ta, được đúc kết lại trên cơ sở đánh giá và rút ra các bài học lớn qua các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội VII, Đại hội VIII của Đảng. Theo tinh thần đó, Đại hội IX của Đảng xác định: “phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) của Đảng làm rõ nội hàm, mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”.

Trên cơ sở đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) của Đảng nhấn mạnh: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng nêu rõ hơn: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.

Như vậy, xét về bản chất, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là một kiểu hình kinh tế thị trường vừa tuân theo các quy luật chung của nền kinh tế thị trường, vừa hàm chứa những giá trị XHCN trong vận hành, quản lý cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính vì xác định đúng đắn mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN mà đất nước ta liên tục gặt hái được những thành tựu ấn tượng về mọi mặt, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, dù cho trong bối cảnh có những khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cũng như xung đột ở một số khu vực trên thế giới dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt doanh nhân tiêu biểu nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam vào chiều 11-10 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Nhờ quan điểm, đường lối đúng đắn trong đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và có sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân, đến nay “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định. Trong đó, sau hơn 36 năm đổi mới, đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 409 tỷ USD, tăng khoảng 51 lần. Đặc biệt, giai đoạn 1986-2022, Việt Nam lọt vào tốp 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá năng động và có độ mở cao nhất thế giới”. Đây chính là lời khẳng định, luận cứ đanh thép và cụ thể nhất đập tan các quan điểm sai trái, thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta.

Lâm Viên

 

Tin xem nhiều