Sáng nay, bất chợt nhìn ra sau hè nhà, thấy những cành lá của cây phong đã chuyển qua màu vàng úa, báo hiệu cho tôi biết trời đã vào thu. Rồi mùa đông sẽ đến, và mùa xuân đang tới dần. Vậy là tôi phải đón thêm một cái Tết ở đất khách quê người này nữa.
Sáng nay, bất chợt nhìn ra sau hè nhà, thấy những cành lá của cây phong đã chuyển qua màu vàng úa, báo hiệu cho tôi biết trời đã vào thu. Rồi mùa đông sẽ đến, và mùa xuân đang tới dần. Vậy là tôi phải đón thêm một cái Tết ở đất khách quê người này nữa. Nói đến Tết, thì lòng quặn thắt nhớ quê. Bởi, nhớ quê nên đi tìm đồng cảm trong những bài thơ xưa. Những tấc lòng vang vọng qua ngàn năm, trải qua hơn thiên niên kỷ rồi mà vẫn như vừa nói với mình trong chén rượu chiều ba mươi Tết tại tiểu bang Đông Bắc Hoa Kỳ này (Virginia).
Xuân và tuổi thơ |
Tôi xa quê nhà ra đi để tạm ở trọ xứ người lúc tóc đang xanh, nay nhìn lại thấy tóc đã hoa râm. Người Việt ở Mỹ này, thành đạt không ít, lận đận chuyện áo cơm (chuyện xe cộ, nhà cửa, công ăn việc làm…) cũng nhiều. Và từ đó, mỗi người có một cuộc sống khác nhau, có người làm hai, ba việc (job) trong một ngày, có người không chịu đi xin việc làm, chỉ trông vào tiền thất nghiệp, trợ cấp, một tháng được năm, bảy trăm đô, sẵn tiền không đau lưng mỏi cổ, suốt ngày lê lết các tiệm cà phê, tha hồ bốc phét, ăn cơm mới nói chuyện cũ. Chuyện chỉ có một, chuyển thành mười. Vậy mà cũng có người chổng tai nghe, thật đau lòng...
Những tháng năm đầu, khi tôi đặt chân đến nước Mỹ, mọi việc mua sắm, tôi tìm đến các tiệm tạp hóa của người Việt mình. Mục đích chính là do cùng ngôn ngữ, cùng máu đỏ da vàng, dễ gần gũi, dễ đồng cảm, để cùng nhau nở một nụ cười xóa đi phần nào nhớ quê. Nhưng tôi đã lầm, phần đông người Việt có cửa hàng tạp hóa tại tiểu bang tôi đang ở, thì họ thiếu hẳn một nụ cười. Tôi nói không ngoa đâu, ai có dịp đi mua một lần thì biết. Khi bạn bỏ hàng lên giây belt (băng chuyền), cô bán hàng đứng ngay trước mặt cũng chẳng thèm nhìn vào khách, nói chi đến chuyện nở nụ cười, cô chỉ lạnh lùng (scan) bấm giá món hàng, nói lên con số, xong chìa tay lấy tiền, thơ thẩn, uể oải như vừa mất ngủ đêm qua.
Tôi qua đây sống, thời gian chưa đủ nộp đơn để thi quốc tịch, theo Luật Di trú của Mỹ (chưa tròn 5 năm). Nhưng chỉ ngần ấy thời gian tôi đã mục kích nhiều sự việc, nhiều cảnh trái ngang. Gần đây, tôi đi cùng một người bạn đến viếng một người già vừa quá cố tại nhà quàn (funeral home). Mở cánh cửa phòng, trong căn phòng nhỏ, chỉ có quan tài người đã mất, mấy vòng hoa, vài đĩa trái cây, một nén nhang tàn lạnh lẽo. Sau đó, tôi được biết ông là một người có tiếng tăm, đã đem gia đình đến Mỹ rất sớm, con cái của ông đều thành đạt, cháu chắt đề huề, nhưng rồi ông nằm một mình lạnh lẽo như thế, trước khi ông được đưa ra nghĩa trang, kết thúc một kiếp người sống trên đất khách. Nếu ông mất ở Việt Nam, chắc đám đình to lắm. Còn ở đây, ông lặng lẽ âm thầm nằm trong nghĩa trang lạnh lẽo, chỉ một mặt bằng, không lăng mộ như ở quê nhà.
Tết đến Xuân về đối với những người xa quê đang bước tới tuổi xế chiều, thì tiếng gọi quê hương còn thúc giục mãnh liệt hơn nữa, nung nấu tấm lòng qua những đêm không ngủ. Ly hương, xa quê là nỗi buồn tiền kiếp của một con người lưu lạc trên đất khách. Cổ thư còn ghi lại điển tích: “Việt điểu sào Nam chi, Hồ mã tê bắc phong”. Con chim trĩ phương Nam của vua nước Việt dâng cho Chu Thành Vương về nuôi trong vườn ngự, nó vẫn chọn càng cây phía Nam mà làm tổ, con ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế khi nghe gió bấc thổi về thì ngoảnh mặt về phương Bắc hí vang. Hóa ra nỗi nhớ quê nó kinh khủng đến vậy, là ngựa, là chim còn vậy, huống chi làm con người ở trọ xứ người như tôi. Bất chợt hôm nay ngồi nhớ lại mùa Xuân năm nào của quê hương thuở xa xưa. Nhớ lại những hình ảnh Xuân đang về trên quê hương, mà thấy lòng mình ngậm ngùi buồn nhớ những ngày xuân của lòng mình không còn nữa. Nhìn lại đời mình tóc đã ngả màu mây xám của buổi chiều hoàng hôn lạc loài nhạt bóng nắng chiều. Từ giã quê nhà, cha mẹ, anh em, bè bạn thân thương để ra đi, bỏ lại biết bao kỷ niệm đẹp nhất trong tâm hồn. Bây giờ hương xuân không còn đến bên tôi! Hay tại mùa xuân của đời mình chỉ còn là mùa xuân của một kiếp người viễn xứ, một đời phiêu lưu?
Chợ hoa ngày Tết. |
Ông bà cha mẹ lần lượt ra đi mang theo những ngày xuân hồng truyền thống về với cội nguồn. Dần dần rồi cũng tới phiên mình. Và, những ngày xuân thân ái sẽ theo tôi về bên kia chân trời vĩnh cửu, cho lòng mình được nghe lại tiếng hư không. Tôi sợ rằng các cháu của tôi ở mãi đây rồi sẽ không còn biết được ngày xuân của quê hương. Thôi, thì mặc tình những ngày xuân cứ đến, mặc tình xuân cứ đi, chỉ có mùa xuân của lòng mình còn giữ yên trong một góc nhỏ của tâm hồn luôn gợi nhớ đến quê hương.
Tôi nhớ xuân xưa, tôi nhớ quê hương, tôi nhớ kỷ niệm, nhớ từng con đường lót đầy xác pháo đỏ hồng, nhớ những ánh mắt ân tình bên chiều xuân hạnh phúc, nhớ ánh mắt mẹ hiền, nhớ những nụ cười, nhớ những mái tranh nghèo, ngồi ngắm mưa rơi bên song cửa. Tất cả những hình ảnh thân yêu ấy bây giờ đang lạc loài ở chốn nào? Có ai ngồi đây mà nhớ như tôi, có ai ngồi đây mà hối tiếc tuổi thanh xuân, và cảm thấy ngày xuân không còn đến với đời mình. Hiện tôi đang sống một cuộc sống tạm cho là đầy đủ tiện nghi nơi đất khách quê người. Nhưng tôi không có được những ngày xuân tràn ngập hương xuân ở trong lòng như một thời còn sống ở quê nhà. Mùa xuân không còn đến nữa, xuân bây giờ chỉ còn trong ký ức, trong đáy mắt buồn. Tôi như cây trồng trong chậu, dù có tưới, bón đến đâu, thì gốc rễ vẫn không nằm sâu trong đất. Từ đó khái niệm về ngày Tết chỉ còn lại là nỗi nhớ quê.
Virginia, đầu Xuân 2012
Xuân Đức