Báo Đồng Nai điện tử
En

“Bà tiên” Aikido

07:01, 15/01/2012

Trong cuộc sống luôn hiện diện đâu đó bóng dáng của những người thầy. Những người đã có công sức khai sáng, trang bị cho chúng ta những kiến thức bổ ích, những kỹ năng sống  hoặc dẫn dắt chúng ta qua những khúc quanh của cuộc đời. Nhân vật mà đầu Xuân chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc dưới đây là một người thầy đặc biệt. Đặc biệt, bởi chính từ những người học trò rất đặc biệt, và cũng đến chính từ những việc làm có một không hai của bà.

Trong cuộc sống luôn hiện diện đâu đó bóng dáng của những người thầy. Những người đã có công sức khai sáng, trang bị cho chúng ta những kiến thức bổ ích, những kỹ năng sống  hoặc dẫn dắt chúng ta qua những khúc quanh của cuộc đời. Nhân vật mà đầu Xuân chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc dưới đây là một người thầy đặc biệt. Đặc biệt, bởi chính từ những người học trò rất đặc biệt, và cũng đến chính từ những việc làm có một không hai của bà.

“Bà tiên” Aikido bên những học trò của mình.
“Bà tiên” Aikido bên những học trò của mình.

Võ đường Aikido có cái tên “Thế giới là yêu thương” ở TP.Hồ Chí Minh là một võ đường có một không hai, bởi ở đây không chỉ có võ thuật, không chỉ là những đòn thế hay những động tác kỹ thuật, mà còn có tình thầy trò, tình huynh đệ và tình yêu cuộc sống. Đây là võ đường dành cho trẻ em khiếm thị và chậm phát triển của lão nữ võ sư danh tiếng Nguyễn Thị Thanh Loan - người thầy suốt đời hết lòng vì nghiệp võ và cũng hết lòng mang võ đến với những phận đời bất hạnh. Lớp học của bà, dù ở bất cứ nơi đâu, dù môn sinh của mình là ai, cũng luôn được bắt đầu bằng những lời răn dạy từ trái tim về chữ “Nhân”. Với bà, Aikido không chỉ là võ học, mà còn là tình thương, là trách nhiệm của con người.
Theo học Aikido từ những ngày đầu môn võ này du nhập vào Việt Nam, tới năm 1967, khi mới 20 tuổi, võ sư Thanh Loan đã vinh dự trở thành người phụ nữ thứ 2 ở Việt Nam đạt được đến đẳng Shodan (huyền đai quốc tế Aikikai).  Gần 50 năm qua, không thể nhớ hết đã có bao nhiêu lớp võ sinh trưởng thành dưới sự dìu dắt của bà. Và, với đẳng cấp và uy tín vượt trội ấy, với nhiều người, đó sẽ là tín chỉ quan trọng để gầy dựng thanh danh. Nhưng với võ sư Thanh Loan, đời võ của bà chỉ thật sự có ý nghĩa khi cống hiến cho công việc thiện nguyện thầm lặng này. Bà đã đến với các võ sinh kém may mắn, để khai phá cảnh giới cao nhất của võ thuật: Võ Đạo.
Luôn trăn trở, làm sao để những học trò của mình được tiếp thu các bài học như những người lành lặn bình thường, võ sư phải lên giáo án riêng cho từng nhóm học viên khác nhau, có khi là từng em riêng biệt. Bởi những khiếm khuyết của mình, mà việc tiếp thu những động tác uyển chuyển và mềm mại của môn võ Aikido luôn là một thách thức với các em. Để các em hiểu, võ sư không chỉ phải giải thích cặn kẽ từng động tác bằng lời nói, rồi làm mẫu từng tư thế đòn, mà sau đó còn cho các em sờ bằng tay để cảm nhận. Sự kiên nhẫn là kim chỉ nam, là chìa khóa thành công của những lớp học như thế này.
Sau khi có được những thành công ban đầu ấy với các em khiếm thị, từ năm 2010, bà quyết định đem môn võ này đến với các em chậm phát triển hay mắc hội chứng down…, thứ bệnh quái ác làm cho trí não con người chỉ dừng ở nhận thức của một đứa trẻ nhỏ. Những buổi đầu, các em hầu như không thể tiếp thu, chỉ để chúng đi được một bước chân ngay ngắn hay tập trung ngồi nhìn bà thị phạm cũng đã là một kỳ tích. Khi các em mệt, cô lại dạy hát, đọc thơ, cùng chơi với các em… Sau vài tháng, lớp học đã tiến bộ ngoài sự mong đợi của chính võ sư cũng như những người quan tâm. Từ mong muốn các em được khỏe mạnh, biết tự đứng lên sau khi vấp ngã, biết tự tin hơn trong giao tiếp và hòa nhập cuộc sống, nay bà đã chứng kiến các em bước đi những bài quyền vững chãi, sử dụng các thế võ thành thục… Đó là niềm hạnh phúc nhất của bà trong suốt gần nửa thế kỷ theo nghiệp võ.
Võ sư Thanh Loan đã đến với những phận đời bất hạnh nhỏ tuổi như hiện thân của một bà tiên trong câu chuyện cổ tích thần kỳ.

Ngọc Luân

 

Tin xem nhiều