Báo Đồng Nai điện tử
En

Chín mươi lăm tuổi vẫn còn xuân chán

09:01, 17/01/2012

Ai có dịp về xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hỏi thăm cụ bà Lê Thị Hưu làm thơ lấy bút danh Hồng Vân thì phải ngạc nhiên, vì cụ tuy đã chín lăm tuổi mà vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn.

 

Cụ bà Lê Thị Hưu.
Cụ bà Lê Thị Hưu.

Ai có dịp về xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hỏi thăm cụ bà Lê Thị Hưu làm thơ lấy bút danh Hồng Vân thì phải ngạc nhiên, vì cụ tuy đã chín lăm tuổi mà vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn.

Cụ Lê Thị Hưu sinh năm 1916, tại xã Gia Cát, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tham gia hoạt động bí mật chống Pháp, năm 1942 cụ bị Pháp bắt đi tù ở Hội An. Thời chế độ Diệm, cụ vẫn tham gia hoạt động và bị bắt bỏ tù ở Quế Sơn năm 1958. Năm 1974, sau khi chồng mất để lại 5 người con, cụ đã theo con vào sinh sống ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Cụ yêu thơ và làm thơ từ thời còn trẻ. Thơ cụ làm khá phong phú về thể loại: lục bát, song thất lục bát, thơ mới, song chủ yếu là thể thơ Đường luật. Một cuộc đời vào tù ra khám, long đong chìm nổi, phải lo bươn chải cuộc sống, lo cho con cháu mà thơ cụ không buồn tủi, không than thân trách phận, hay phiền muộn. Phảng phất trong một số bài thơ là nỗi nhớ và tự hào về quê hương, những suy tư về thế sự. Đa số các bài thơ của cụ là những bài thơ đố họa với bạn thơ xa gần trong cả nước với lời lẽ lạc quan, vui tươi, với giọng thơ “tếu tếu”, “chọc giỡn”. Năm tám mươi chín tuổi cụ còn làm bài thơ khắc họa chân dung mình:

Tuổi tớ năm nay tám chín rồi

Ăn thường cơm lức với rau tươi

Dưỡng sinh uốn éo thêm dai sức

Văn nghệ ca ngâm bớt tẻ đời

Mến bạn ưa châm vui tếu tếu

Yêu thơ thích chọc giỡn chơi chơi

Bệnh ngông vốn có từ khi trẻ

Ai chửi ai la cũng cứ cười.

        (Y đề)

Cuộc sống thanh đạm, chăm chỉ rèn luyện, đặc biệt cụ đã thực hiện lời khuyên của học giả Nguyễn Hiến Lê: “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” luôn sống vui tươi, lạc quan đã giúp cụ có tuổi thọ cao. Cụ luôn xác định phải “quậy” cho tới ngày ra đi:

Thượng đế ban cho tám chín xuân

Đường lên bách tuế đã thêm gần

Xuân nào còn lại là xuân quậy

Cho Thượng đế cười cái lũ… gân.

         (Chúc Xuân)

Đến năm chín mươi tuổi, tuổi thập thò nơi cửa tử, Diêm vương vẫn đuổi, Thượng đế vẫn la vì tội lãng mạn, viết lách lăng nhăng, tâm hồn lãng mạn:

Chạy về âm phủ Diêm vương đuổi

Leo đến thiên đường Thượng đế la

Án bút lăng nhăng cần cứu xét

Tội tình lãng mạn phải sưu tra

Hãy về dưỡng tính tu tâm đợi

Thổ địa lên mời đón kiệu hoa.

      (Chín mươi tuổi)

Cũng năm chín mươi tuổi, khi có người khen mình, vẫn giọng thơ tếu táo, bỡn cợt, cụ viết:

Chín mươi bạn bảo “chị chưa già”

Mũi chị phồng to thở hết ga

…Mai mối nhờ đài rao quảng cáo

Phen này cầm chắc nhảy xe hoa.

          (Tự trào)

Cụ cảm thấy mình còn “hư” vì không tuân theo quy luật của tuổi già là ăn không ngon, ngủ không yên:

Già gần xuống đất vẫn còn hư

Bản tính làm răng sửa được chừ

Ngủ suốt năm canh chưa thấy đã

Ăn ngày ba bữa chẳng thừa dư.

          (Họa tếu)

Tuổi già bệnh tật kéo đến, cụ đã vài ba lần bị choáng, té và giờ đây là bệnh điếc. Chúng ta hãy nghe cụ ứng xử với bệnh điếc như thế nào:

Bệnh điếc thế mà nghĩ cũng hay

Ai kia được điếc ấy là may

…Rằng khôn rằng dại không cần biết

Trách móc chê khen cũng cứ cười.

            (Bệnh điếc)

Dù có bao khó khăn thì cuộc sống tinh thần vẫn lạc quan, thoải mái. Đời sống tinh thần lạc quan, thoải mái ấy có được một phần là nhờ thơ. Yêu thơ, làm thơ từ khi trẻ đến tuổi già. Qua thơ, cụ giãi bày tâm sự, giao lưu, cổ vũ, vui đùa tếu táo với bạn già, bạn thơ. Đây là đoạn thơ cụ làm mừng Hội Người cao tuổi:

Gậy trúc dìu chân đi hội họp

Kiếng thần hộ mắt đọc thi ca

Mừng xuân xin góp vui năm vận

Chúc người cao tuổi tuổi càng cao.

Nghe tin ở quê mình ra mắt nhóm thơ trẻ Trúc Đào, cụ vô cùng mừng rỡ và hy vọng ở lớp trẻ nối nghiệp nên có thơ chúc mừng:

Dù cho vật đổi sao dời

Tiếng thơ còn mãi với đời ngàn sau

Thơ già rụng cánh rơi tàu

Có đàn thơ trẻ nối câu tiếp vần

Hoan hô Đại Lãnh Hà Tân

Tre già lại có măng dần mọc lên

Hồng Vân thân chúc quý em

Trúc Đào hoa nở - thơ khen mấy vần.

Đây là đoạn thơ đố họa với nghệ sĩ điện ảnh Hồ Kiểng với cách chơi chữ rất điêu luyện:

Chơi Hồ vọc nước Hồ yên lặng

Dạo Kiểng xem hoa Kiểng lắt lay

Bà xã ở nhà hơi xẵng giọng

Ra đường em út rỉ êm tai.

Qua thơ, cụ cũng muốn gửi lại tình thương cho các con và gửi lại món quà lưu niệm quý giá, thiêng liêng cho con cái, thân quyến, bạn thơ:

Rồi một mai quay đầu về núi

Biết có gì để lại cho con

Rằng đây những giọt tình thương

Nôm na bàng bạc trong vườn thi ca

Xin gửi lại gọi là lưu niệm

Cho các con, thân quyến, bạn thơ

“ Mai sau dù có bao giờ”

Nhớ người thiên cổ vần thơ vẫn còn.

                                                     (Gửi lại đời sau)

Cụ rất yêu mùa xuân và hầu như năm nào cũng có thơ xuân. Những bài thơ xuân ấy đã thể hiện một tình yêu thiết tha với cuộc đời và niềm hy vọng ở tương lai. Mừng Xuân Đinh Hợi cụ viết:

Bính Tuất ra đi Đinh Hợi về

Toàn dân chào đón rộn vui ghê

Mai khoe sắc thắm mời xuân mới

Đào nở nụ hồng rước tết quê

Bút trẻ thơ già bay khắp chốn

Âm vang nhạc trỗi rộn tứ bề

Mừng xuân an khỏe, xây đời mới

Lời Bác, trọn đời ta, vẫn nghe.

              (Mừng Xuân Đinh Hợi)

Mùa xuân đọc thơ của cụ bà Lê Thị Hưu với bút danh Hồng Vân, 95 tuổi, ta như thấy được sức sống dẻo dai, dạt dào, tươi trẻ của người phụ nữ Việt Nam qua những thăng trầm của lịch sử, của đời người. Chúc cụ luôn mạnh khỏe và tiếp tục viết nhiều thơ đem niềm vui, niềm hạnh phúc đến cho mọi người.

Tháng 12-2011

Bùi Quang Tú

 

Tin xem nhiều