Báo Đồng Nai điện tử
En

Liệt chân nhưng không liệt ý chí

07:01, 15/01/2012

Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Para Games 6) diễn ra từ ngày 14 đến 20-12-2011, tại Solo (Indonesia), Phạm Tống Trọng là vận động viên (VĐV) khuyết tật duy nhất của Đồng Nai nằm trong số 123 VĐV của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự. Tham dự và giành chiến thắng, VĐV với đôi chân bị liệt như Phạm Tống Trọng coi đây là niềm hạnh phúc lớn nhất, bởi anh đã vượt lên được chính mình.

Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Para Games 6) diễn ra từ ngày 14 đến 20-12-2011, tại Solo (Indonesia), Phạm Tống Trọng là vận động viên (VĐV) khuyết tật duy nhất của Đồng Nai nằm trong số 123 VĐV của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự. Tham dự và giành chiến thắng, VĐV với đôi chân bị liệt như Phạm Tống Trọng coi đây là niềm hạnh phúc lớn nhất, bởi anh đã vượt lên được chính mình.

Phạm Tống Trọng với chiếc HCV tại ASEAN Para Games 6 ở Indonesia.
Phạm Tống Trọng với chiếc HCV tại ASEAN Para Games 6 ở Indonesia.

Bị liệt từ lúc 5 tuổi, với đôi chân gần như mất khả năng vận động, thể thao đã đền bù phần nào sự thiếu hụt này, giúp Phạm Tống Trọng tìm được ý nghĩa với cuộc đời. Dù bị liệt, nhưng Trọng đã vượt qua nghịch cảnh để vươn lên. Không những cố gắng học xong bậc trung học phổ thông, thông qua sự giới thiệu của Sở Lao động - thương binh và xã hội, Trọng còn cố gắng đi học kiếm cái nghề (nghề làm khuôn dao cắt) tại một xí nghiệp ở khu cầu Sập (phường Tân Hiệp). Tuy nhiên, chính thể thao mới giúp Trọng có được vị trí như hôm nay. Trọng được một người quen giới thiệu với HLV Bùi Anh Vũ để làm quen với môn cử tạ từ đầu năm 2004. Nhưng chỉ sau 4 tháng tập luyện dưới sự hướng dẫn của các HLV: Cao Minh Tuấn, Bùi Anh Vũ, khả năng nâng tạ của Trọng ngày càng được cải thiện. Không những thế, ngay lần đầu tiên tham dự Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc (năm 2004), Trọng đã xuất sắc đoạt luôn HCV ở hạng cân đến 56kg. Đây cũng chính là bước ngoặt giúp Trọng đổi đời. Nhờ có thành tích ấn tượng trên mà Trọng đã có được việc làm để sinh sống. Trọng được Sở Lao động - thương binh và xã hội giới thiệu vào làm việc tại Công ty Chang Shin ở Vĩnh Cửu từ tháng 6-2004 với công việc đầu tiên là vệ sinh dao cắt.
Dù có việc làm, nhưng cuộc sống của Trọng không dễ dàng chút nào. Vì chưa có xe đi, việc đi làm hàng ngày ở Vĩnh Cửu, cũng như đi tập luyện (tập 5 buổi tối/tuần) tại Trung tâm TDTT tỉnh của Trọng là do mẹ Trọng đảm trách. Mãi đến cuối năm 2004, Trọng mới có được chiếc xe để tự mình đi lại. Dù gặp nhiều khó khăn như thế, nhưng chính niềm đam mê thể thao đã giúp Trọng vượt qua tất cả, có được thành tích ấn tượng. Trong khi trở nên vô đối tại các giải thể thao khuyết tật của tỉnh từ năm 2005 đến nay, Trọng cũng đạt thành tích đáng nể ở Giải thể thao khuyết tật toàn quốc. Ngoại trừ giành HCB ở các năm 2008 và 2010, Trọng luôn giành HCV, thậm chí còn phá kỷ lục quốc gia ở hạng cân đến 56kg. Riêng năm 2011, Trọng giành HCV, phá kỷ lục quốc gia ở hạng cân đến 67,5kg. Và mới đây, tại Para Games 6, Trọng đã không phụ lòng sự kỳ vọng của Ban huấn luyện khi nâng được 160kg, vượt qua VĐV người Thái Lan để đem về 1 HCV cho cử tạ Việt Nam.

Phạm Tống Trọng cùng các tình nguyện viên ở Indonesia
Phạm Tống Trọng cùng các tình nguyện viên ở Indonesia

Phạm Tống Trọng tâm sự: “Khi đoạt HCV tại ASEAN Para Games 6, đầu tiên tôi cám ơn cha mẹ và vợ tôi, những người đã giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi yên tâm tập luyện. Tôi cũng cám ơn các HLV Minh Tuấn, Anh Vũ, những người thầy đã hướng dẫn, chỉ bảo tôi tập luyện tạ ngay những ngày đầu tiên.  Đặc biệt hơn, thể thao giúp tôi tìm được ý nghĩa với cuộc đời, cũng như có được việc làm và có điều kiện hòa nhập cuộc sống” .
 

A.Huy

 

Tin xem nhiều