...Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt mặc áo phao màu cam, nổi bật trên vùng biển xanh, với chiếc loa cầm tay, hết gân cổ, la lớn: “Chỉ ráng ngồi tàu cao tốc một tiếng rưỡi là các bạn tới đảo Lý Sơn”.
...Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt mặc áo phao màu cam, nổi bật trên vùng biển xanh, với chiếc loa cầm tay, hết gân cổ, la lớn: “Chỉ ráng ngồi tàu cao tốc một tiếng rưỡi là các bạn tới đảo Lý Sơn”.
Bến tàu Lý Sơn |
Khi đặt chân xuống đảo, mới biết đảo này ngày xưa được gọi là Cù lao Ré như đã học từ thời “mài đũng quần trên ghế tiểu học”. Ngư dân vẫn gọi là Cù lao Ré. Và xa kia là Hoàng Sa mà bao đời họ vẫn coi đó là quê mình, là đất sống của mình. Tự nhiên tôi có “ác cảm” với tấm biển báo cắm ngay ở bến tàu kêu gọi: “Không xâm phạm vùng biển các nước để khai thác thủy sản trái phép”. Tất nhiên, cảnh báo bao giờ cũng không thừa, nhưng màu sơn tấm bảng này còn quá mới, như một cái gì rất xa lạ và bất thường. Ngư dân chúng ta vốn hiền lành, chắc trừ khi bị gió bão lạc tàu, chứ không có ý sai phạm. Vùng biển Việt Nam từ bao đời đã cho họ sống rồi mà, cần gì vi phạm tài nguyên xứ người, lại còn nguy hiểm nữa. Có điều, họ thấm vào máu cái lý: “Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Chẳng thế mà, từ Lý Sơn, vua nhà Nguyễn thường gửi ra Hoàng Sa những toán quân để trấn giữ đảo gọi là Hải đội. Ai vào Hải đội đó đều coi như “một đi không trở lại.” Họ mới đúng là những anh hùng vô danh. Không tên tuổi đã đành, mồ chôn cũng không. Để tưởng nhớ họ, dân nơi đây đắp lên những “mộ gió”. Sống trong đời sống phải có một tấm lòng, để gió cuốn đi chăng? Không, ở đây, gió không cuốn đi, gió giúp lòng dân giữ lại những người anh hùng chết trên biển. Nhớ tới những anh hùng vô danh là khôn nguôi về nỗi mất đi một vùng biển đã bao đời là đất sống của những ngư dân hiền lành như đá sỏi, như cát.
Cô Nguyễn Thị Nga, người thuyết minh Nhà bảo tàng Hải đội Hoàng Sa vừa nói vừa nghe điện thoại cầm tay. Chúng tôi thoáng trách cô: Sao lại bất lịch sự như vậy? Khách đang say sưa nghe câu chuyện bi tráng của anh hùng Hoàng Sa, cô lại cắt ngang để nghe điện thoại? (sau đó mới biết cấp trên của cô phàn nàn về đoàn nhà báo do Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt tổ chức đã không “chơi đẹp”: dám từ chối nhà hàng do một cán bộ phòng văn hóa giới thiệu. Hèn chi mà một giáo sư kinh tế dạy cho sinh viên viết báo kinh tế của ông vẫn lặp đi lặp lại cái công thức “Mẫu số chung của tất cả hoạt động của con người là TIỀN.” Nếu ông Lửa Việt rộng rãi về tiền một chút nữa có lẽ chuyến du khảo của chúng tôi đến đảo Lý Sơn lần này đã xuôi chèo mát mái hơn.
Chính vì vậy, đoàn đã không lên được miệng núi lửa Thới Lới như dự tính.
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Lửa Việt - một cựu cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỏ ra bực dọc: “Biết bao giờ mới khá đây?”, miệng thì hỏi mà con mắt đỏ ngầu như câu trả lời có sẵn.
Phải chăng “cái khó bó cái khôn?”
Binh Nguyên, phóng viên SGTT, đã ra đảo nhiều lần nói về ông Nguyễn Đảng, một ngư dân mất xác trên biển. Ông già ấy tức ông Nguyễn Đảng dù bị bắt nhiều lần ông vẫn tiếp tục đóng thuyền ra khơi. Cái lý của ông: Biển của mình thì cớ gì mình lại không ra đó để kiếm ăn. Thà chết sướng hơn là mất miếng ăn từ bao đời cha ông để lại. Cha ông để lại là đất này, trời này, biển này, tôm cá này… Nếu anh không có gan giữ thì thà chết sướng hơn.
Mộ lính Hoàng Sa |
Ông chết như bao anh hùng Hải đội ngày xưa. Chết mất xác. Cũng không biết ông bị người giết hay bão giết. Chỉ biết ông rất ngoan cường, ra khơi đánh cá, bị bắt, thả về, lại đóng ghe ra khơi, lại bị bắt, bị tịch thu tàu… Rồi lại đóng tàu ra khơi và cuối cùng mất tích cùng biển cả. Tôi liên tưởng tới hình ảnh ông già của Hemingway trong “Ngư ông và biển cả” với tất cả sự phi lý khi chiến đấu đến tận cùng để kéo về một bộ xương cá. Nhưng con người vẫn phải sống với nghịch lý và phi lý. Vấn đề là con người phải luôn chiến đấu. Ông già của Hemingway hay ngư dân Nguyễn Đảng đều thành Người thật sự vì đã thật sự chiến đấu để gìn giữ những giá trị mà họ tin là thuộc về họ. Trong tâm thức người dân, quần đảo và vùng biển Hoàng Sa là của họ, bao đời vẫn thế! Biển vẫn ở đó sừng sững như “cái nhà là nhà của ta…”.
Đó là cái nghĩa lý đơn giản ở đời.
Tháng 12-2011
Trần Ngọc Châu