Báo Đồng Nai điện tử
En

Mía ngọt

11:01, 18/01/2012

Ông bắt đầu từ hai bàn tay trắng, song nhờ chịu khó học hỏi và đi trước một bước đã trở nên giàu có. Hiện nay, mỗi năm ông “cày” hàng trăm hécta mía, lời hàng tỷ đồng...

 

ông Trần Đức Hùng
Ông Trần Đức Hùng

Ông bắt đầu từ hai bàn tay trắng, song nhờ chịu khó học hỏi và đi trước một bước đã trở nên giàu có. Hiện nay, mỗi năm ông “cày” hàng trăm hécta mía, lời hàng tỷ đồng...

Tuy được giới thiệu từ trước, song khi gặp ông Trần Đức Hùng ở ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), chúng tôi vẫn khá bất ngờ. Bởi, một nông dân triệu phú kiếm lời vài tỷ đồng một năm lại giản dị, mộc mạc từ lời nói đến cách ăn mặc. Ông nói vui: “Một số người nói tôi giàu có rồi thì phải sửa soạn cho ra dáng một chút, nhưng tôi nghĩ mình là nông dân có khấm khá lên thì cũng phải tiết kiệm. Thực tế, tôi cũng nhờ tiết kiệm và chịu khó chắt bóp nên mới được như ngày hôm nay”.

Theo lời ông Hùng kể, ông xuất thân trong gia đình làm nông, lớn lên tiếp tục gắn bó với ruộng rẫy. Ngay từ trẻ, ông đã ý thức được là đất ít, nhỏ lẻ rất khó làm giàu, vì vậy dành dụm được chút vốn nào là ông bỏ ra mua đất và dồn điền đổi thửa để có diện tích lớn dễ cơ giới hóa, giảm công lao động và tăng năng suất. Do đó, cây mía ông trồng năng suất luôn cao hơn những hộ khác từ 5-10 tấn/hécta, trong khi vốn đầu tư lại thấp. 4 năm về trước, đầu ra của cây mía khó khăn, để tiêu thụ hết 10 hécta mía ông Hùng phải đầu tư xây dựng một lò sản xuất đường thủ công để giải quyết đầu ra và tăng thêm lợi nhuận.

Có diện tích lớn dễ cơ giới hóa, giảm chi phí đầu tư.
Có diện tích lớn dễ cơ giới hóa, giảm chi phí đầu tư.

Thế nhưng, cơ hội giúp ông Hùng có khoản lời vài tỷ đồng/năm chỉ đến với ông cách đây hơn 3 năm. Lúc đó, đầu ra của cây mía ổn định trở lại do được các nhà máy sản xuất đường trong tỉnh bao tiêu với giá có lời. Đồng thời, những hộ trồng mía hợp đồng với nhà máy còn được hỗ trợ kỹ thuật và vốn để đầu tư. Tận dụng cơ hội này, ông Hùng thuê lại đất của những hộ thiếu lao động trong huyện và những khu vực quy hoạch nhưng chưa triển khai để trồng mía. Năm 2009, ông thuê gần 100 hécta để trồng mía, lợi nhuận năm đó thu được hơn 1 tỷ đồng. Năm sau, ông mạnh dạn vay thêm vốn tiếp tục đầu tư thuê đất để trồng mía. Vì nắm vững kỹ thuật, đầu ra ổn định nên lợi nhuận ông thu về tăng gấp hơn 2 lần năm trước. Đầu năm 2011, ông Hùng rủ thêm một số hộ sang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuê gần 400 hécta  đất trồng mía. Hiện ông Hùng có trong tay khoảng 500 hécta mía. Năm nay, thời tiết không thuận lợi, năng suất cây mía giảm so với năm trước, song khoản lời ông thu về vẫn lên đến vài tỷ đồng.

Thu hoạch mía ở ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom.
Thu hoạch mía ở ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom.

Khi chúng tôi hỏi ông Hùng vì sao lại chọn cây mía để làm giàu thì ông thật thà cho hay: “Tôi chọn cây mía để làm giàu vì nắm vững kỹ thuật trồng có thể đẩy năng suất tăng cao. Bên cạnh đó, cây mía mấy năm nay đầu ra được các nhà máy bao tiêu không phải lo làm ra không bán được hàng. Với nông dân, quan trọng nhất là chọn cây trồng thích hợp và có đầu ra ổn định. Song song với công việc đó, tích lũy đất đai để có diện tích lớn đưa máy móc, giống mới vào trồng, giảm đầu tư, tăng năng suất và lợi nhuận”.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều