Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 2012: Đột phá hạ tầng giao thông!

03:01, 19/01/2012

Đồng Nai là địa phương có tốc độ tăng trưởng khá về nhiều mặt. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật giao thông lại chưa đồng bộ và xứng tầm đối với một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa thuộc top đầu của cả nước. Điều này đang đặt ra cho ngành giao thông - vận tải (GTVT) về lời giải của bài toán này trong năm 2012.

Đồng Nai là địa phương có tốc độ tăng trưởng khá về nhiều mặt. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật giao thông lại chưa đồng bộ và xứng tầm đối với một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa thuộc top đầu của cả nước. Điều này đang đặt ra cho ngành giao thông - vận tải (GTVT) về lời giải của bài toán này trong năm 2012.

Hướng tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Hướng tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Đây là đáp số tương đối khó đối với ngành GTVT, một khi bối cảnh kinh tế đất nước được dự báo thời gian tới vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ở Đồng Nai, thời gian qua nhiều dự án (DA) giao thông quan trọng được khởi công xây dựng. Song, tiến độ thực hiện không đáp ứng được yêu cầu là một thực tế phải được gấp rút tháo gỡ.

NHỮNG DỰ ÁN CHUẨN BỊ VỀ ĐÍCH

Mô hình cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Mô hình cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhìn lại một năm thực hiện các công trình giao thông ở Đồng Nai, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, cơ bản do vướng mặt bằng nên nhiều DA phải thi công dang dở, chắp vá. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, đã có một số DA đang bước vào giai đoạn về đích.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích đất 5.000 hécta, nằm trên địa bàn các xã: Long Phước, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu, Bàu Cạn và Cẩm Đường. Sân bay quốc tế Long Thành sẽ là trạm trung chuyển hàng không trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, tiếp nhận được các máy bay A380-800 hoặc tương đương, công suất 100 triệu hành khách/năm (sau năm 2030) và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Về giao thông đường bộ kết nối với Cảng hàng không, bao gồm: đường ra vào cảng ở phía đầu tây nam được nối trực tiếp vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi về đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, phía đầu đông bắc nối với đường vành đai 4. Giai đoạn I của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến thực hiện từ năm 2011-2014 cho việc chuẩn bị đầu tư, đền bù giải tỏa, thu hồi đất; giai đoạn II (2015-2020) bắt đầu xây dựng và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2020.

Điển hình là DA nâng cấp, mở rộng QL51 được khởi công ngày 2-8-2009, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 2-2012. Qua hơn hai năm “vật lộn” với những vướng mắc kéo dài, đến nay QL51 cơ bản đã hoàn tất phần thảm nhựa suốt tuyến, giá trị thi công đạt 85%. So với kế hoạch đặt ra thì DA này khả năng trễ hẹn là điều không tránh khỏi, nhưng chắc chắn không thể kéo dài thêm, mà phải khẩn trương cán đích với thời gian sớm nhất. Tương tự, cầu Đồng Nai mới thông xe vào cuối tháng 12-2009 nhưng công trình nút giao ngã tư Vũng Tàu đã chậm 16 tháng so với dự kiến. Nguyên nhân là do nguồn vốn giải phóng mặt bằng từ trung ương chậm phân bổ cho các địa phương, nên tình hình giao đất tại khu vực phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) chậm được giải quyết. Nhưng đến thời điểm cuối năm 2011, các tuyến nhánh phía đầu cầu đã hoàn chỉnh và thông xe; phần nền mặt đường đạt 70% khối lượng. Hiện tại, ở hai đầu cầu vẫn còn ngổn ngang do công tác giải phóng mặt bằng mới thực hiện trên 30%. Chính vì vậy, các hạng mục chính như hầm chui, nút giao, tuyến rẽ sang QL51, cầu vượt vẫn chưa được triển khai thi công. Tuy nhiên, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai (DNC), đơn vị chủ đầu tư cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ khi mặt bằng thi công được giao đầy đủ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức và Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh kiểm tra tiến độ thi công đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức và Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh (bìa phải) kiểm tra tiến độ thi công đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Đối với đường do địa phương quản lý thì đường tỉnh 767 (từ QL1 - ngã ba Bùi Chu vào thị xã Vĩnh An) trong thời gian thi công cũng gặp không ít trắc trở, nhưng từ quyết tâm của chủ đầu tư cùng những nỗ lực của chính quyền địa phương và đơn vị thi công, DA về đích trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nhanh hơn 3 tháng so với dự kiến ban đầu.

NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐANG TĂNG TỐC

Tuyến QL1, đoạn tránh TP.Biên Hòa được khởi công tháng 7-2010 và sẽ hoàn thành sau 27 tháng. Đây là công trình giải quyết ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên tuyến QL1, đoạn qua TP.Biên Hòa. Sau này, khi công trình đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn cự ly vận chuyển từ QL1 đi QL51; đồng thời giải quyết được các điểm đen về an toàn giao thông, góp phần thuận lợi cho việc chỉnh trang đô thị Biên Hòa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai. Cuối năm 2011, nhà đầu tư cho biết, đã thi công được 30% giá trị khối lượng công trình và sẽ tăng tốc sau khi hoàn thành áp giá bồi thường phần nằm trong quy hoạch. Hay như DA đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường được đánh giá là có vị trí chiến lược, hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. DA có điểm đầu tại nút giao An Phú thuộc phường An Phú, quận 2, TP.Hồ Chí Minh, ngang qua các địa bàn thuộc tỉnh Đồng Nai: Nhơn Trạch, Long Thành, Thống Nhất, Cẩm Mỹ; điểm cuối giao với QL1A tại km1829+800, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất. Tổng chiều dài toàn tuyến là 55km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 42km. Trong năm 2011, sau khi chính quyền các địa phương bàn giao hơn 98% mặt bằng toàn tuyến, nhà đầu tư đã khởi công đồng loạt 5 gói thầu xây lắp, để làm bàn đạp đẩy nhanh tiến độ thi công cho đến cuối năm 2013 công trình hoàn tất.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trong lần kiểm tra tiến độ thi công DA đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (thứ hai bên trái) trong lần kiểm tra tiến độ thi công DA đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Mới đây nhất, DA cải tạo, nâng cấp QL20 từ ngã tư Dầu Giây đến TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã được khởi công. Đây là công trình đặc biệt quan trọng, ngoài việc phục vụ vận chuyển sản phẩm cho tổ hợp bauxite Nhân Cơ (Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai), còn đáp ứng nhu cầu giao thông của tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và các địa phương khác trong vùng. Thưc tế, QL20 là tuyến huyết mạch nối TP.Hồ Chí Minh với Đà Lạt (Lâm Đồng), sau hơn 30 năm khai thác, tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Vì cùng lúc vừa thi công vừa tổ chức lưu thông nên DA nâng cấp QL20 không thể thực hiện “tà tà”, mà phải thực hiện cấp tốc để đến cuối năm 2014 công trình hoàn thiện.

ĐỘT PHÁ TỪ ĐÂU?

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Điệp không khỏi trăn trở khi hình dung mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua thực hiện ì ạch, mặc dù đi đâu cũng thấy công trường. Vì quá trình thi công chưa đạt mục tiêu đề ra nên phần nào đã ảnh hưởng đến việc lưu thông và phát triển kinh tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh trong lần kiểm tra tiến độ thi công trên Ql51.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh (thứ hai từ trái qua) trong lần kiểm tra tiến độ thi công trên Ql51.

Theo ông Điệp, nguyên nhân cơ bản nhất là công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ. Do đó, trong thời gian tới, nhằm phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh thì giao thông phải đi trước một bước, nói cách khác là tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông để không chỉ thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà còn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu “đột phá” về hạ tầng giao thông sẽ khó đạt được nếu không có những thay đổi trong phương thức quản lý cũng như những giải pháp cụ thể. Hơn nữa, để tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các DA, ngành giao thông rất cần sự hỗ trợ của các ban ngành, chính quyền địa phương liên quan, nhất là về những thay đổi cần thiết trong cơ chế, thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Trong năm 2012 và những năm tiếp theo, nhiều DA giao thông hoàn chỉnh sẽ được kết nối đồng bộ với các tuyến trọng điểm khác. Thế nhưng về lâu dài, nhu cầu về hạ tầng giao thông còn có sự thay đổi so với tốc độ phát triển chung. Đây là thách thức lớn mà ngành GTVT sẽ phải đối mặt. Chính vì vậy, định hướng tương lai là tập trung phát triển các tuyến trục theo hướng bắc nam, đông tây; xây dựng thêm tuyến cao tốc, tuyến vành đai liên vùng. Song song đó, đầu tư phát triển hệ thống cảng sông, cảng biển và cảng tổng hợp có quy mô lớn… Trước mắt, ngoài những DA đã và đang thi công thì DA đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; DA cầu đường quận 9, TP.Hồ Chí Minh sang Nhơn Trạch… cần sớm khởi công. Bởi, đây là các tuyến trục quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần đẩy nhanh sự hình thành, phát triển các đô thị vệ tinh của TP.Hồ Chí Minh, như: Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Phú Mỹ; khai thác tốt hơn các cảng nước sâu trong hệ thống cảng biển nhóm 5 và giảm áp lực giao thông trên các tuyến QL1A, QL20, Ql51...

Tạ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều