Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan hệ quốc tế năm 2009: Đỉnh cao lịch sử

08:02, 10/02/2010

Năm 2009, được khí thiêng sông núi bốn ngàn năm hun đúc, Việt Nam bước lên đài vinh quang chưa từng có: Đảm đương trọng trách Ủy viên (không thường trực) Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tham gia với trách nhiệm cao và đầy đủ 1.500 cuộc họp. Hai lần (tháng 7 và tháng 10) đứng ở vị trí Chủ tịch Hội đồng, điều khiển hoàn hảo mọi cuộc họp. Gần 200 nước bạn là thành viên của cơ quan quyền lực số một hành tinh này đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong công cuộc giữ gìn hòa bình và an ninh chung.

Năm 2009, được khí thiêng sông núi bốn ngàn năm hun đúc, Việt Nam bước lên đài vinh quang chưa từng có: Đảm đương trọng trách Ủy viên (không thường trực) Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tham gia với trách nhiệm cao và đầy đủ 1.500 cuộc họp. Hai lần (tháng 7 và tháng 10) đứng ở vị trí Chủ tịch Hội đồng, điều khiển hoàn hảo mọi cuộc họp. Gần 200 nước bạn là thành viên của cơ quan quyền lực số một hành tinh này đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong công cuộc giữ gìn hòa bình và an ninh chung.

 

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh được Thủ tướng Australia Kevin Rudd đón tại cầu thang máy bay trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Australia ngày 6-9-2009. 

Triển khai chủ trương đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương và đa dạng, năm 2009 cũng là năm Việt Nam đạt kỷ lục về giao lưu cấp nhà nước cả chiều rộng lẫn chiều sâu, bằng hàng loạt chuyến thăm hữu nghị của các nhà lãnh đạo tới nhiều nước (ở châu Á có Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand. Tại châu Âu có Nga, Italia, Czech, Slovakia, Belarus, Hungari, Kazakhstan, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Tòa thánh Vatican. Tại khu vực Trung Đông có Qatar, Kuwait, Ai Cập. Tại châu Mỹ có Cu Ba, Canada, Hoa Kỳ, Chile. Việt Nam còn có mặt và đề xuất nhiều ý kiến có giá trị tại khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu và nhiều cuộc họp quốc tế hợp tác chống suy thoái kinh tế...

 

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 21-10-2009 tại trụ sở Trung ương Đảng.

Cũng năm 2009, Việt Nam trân trọng đón chào đông đảo khách quý quốc tế đến thăm (trong đó có Quốc vương Malaysia, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Srilanka, Tổng thống Trung Phi, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội New Zealand, Chủ tịch Hạ nghị viện Indonesia, Chủ tịch Hạ nghị viện Úc, Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Phần Lan, Phó thủ tướng Lào, Phó thủ tướng Campuchia, Phó chủ tịch Quốc hội Tanzania, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Hoàng thái tử Nhật Bản, Hoàng tử Anh, Hoàng tử Đan Mạch, Phó tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, cùng cả triệu khách thập phương đến dự các cuộc họp quốc tế, thi đấu thể thao, du lịch và làm ăn).

 

Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đón Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại Hoàng cung ở thủ đô Phnom Penh ngày 17-12-2009.

Hoạt động đối ngoại phục vụ công cuộc phát triển đất nước trong năm 2009 đạt được kết quả chưa từng có. Nổi bật là Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế diễn ra cuối năm cam kết cung cấp cho Việt Nam trên 8 tỷ USD trong năm tài chính tới (vượt 3 tỷ USD so với hội nghị năm 2008). Mức kỷ lục này được đánh giá rất cao không chỉ về độ lớn tiền bạc mà còn ở tấm lòng tin yêu Việt Nam của cộng đồng quốc tế. Tấm lòng ấy thăng hoa, bởi nó diễn ra trong khung cảnh khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, quốc gia nào cũng đang phải nai lưng chịu đựng và nỗ lực vượt qua.

 

Các nước thành viên và Tổng thư ký LHQ hoan nghênh Việt Nam đã có những đóng góp xây dựng với tư cách Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. 

Trong hoạt động đối ngoại giữa ta với bầu bạn, những từ ngữ “Đối tác chiến lược”, “Đối tác toàn diện, hướng tới đối tác chiến lược”. “Đối tác toàn diện và hữu nghị” nở rộ. Theo đà này, mối quan hệ gắn bó máu thịt Việt - Miên - Lào đi vào chiều sâu. Hàng trăm dự án hợp tác phát triển tay đôi và tay ba lên tới chục tỷ USD được ký kết và triển khai. Các thành viên ASEAN tiếp tục coi Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng, hiện vươn tới 1.300 dự án với số vốn đầu tư trên 44 tỷ USD. Hai nước láng giềng hữu hảo Việt - Trung hoàn thành công việc cắm mốc biên giới trên bộ dài cả ngàn km, đang hướng tới việc phân định tuyến biển và hân hoan trước thành tựu thương mại hai chiều phát triển chưa từng có, hiện đã vươn tới 20 tỷ USD/năm và đang phấn đấu đạt con số 25 tỷ USD trong năm 2010. Cộng hòa liên bang Nga trân trọng tình hữu nghị truyền thống, dành cho Việt Nam sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực mình có thế mạnh như năng lượng, dầu khí. Nhật Bản giữ vững vị trí hàng đầu về viện trợ phát triển cho Việt Nam, hiện đã lên tới 14 tỷ USD. Hàn Quốc coi Việt Nam là một trong những địa bàn đầu tư đầy hiệu quả. Hoa Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã được nêu trong Tuyên bố chung hai nước ngày 25-6-2008, và tin rằng trong vòng ba năm tới, sẽ là nước đứng đầu danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

 

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Raul Castro Ruz gắn Huân chương Jose Marti của Nhà nước Cuba trao tặng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chiều 27-9-2009 tại Cung cách mạng ở thủ đô La Habana. 

Đất nước ta là đại công trường trong hợp tác quốc tế. Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu đang khẩn trương hoàn thành, tạo nên sự thông suốt từ cao nguyên Đồng Văn đến mũi Cà Mau, tránh được cảnh sông nước ngăn cách kéo dài đã bao đời. Một loạt sân bay và cảng biển nội địa và quốc tế đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu và làm ăn. Nhà máy hóa dầu Dung Quất rộn rã hoạt động, là cánh chim vẫy gọi những nhà máy hóa dầu khác sớm đồng hành và thúc đẩy công nghiệp thăm dò và khai thác dầu mỏ tiến tới. Nhiều công trình điện lực được xây dựng và vận hành đang thôi thúc nhà máy thủy điện Lai Châu và hai nhà máy điện hạt nhân ở Nam Trung bộ sớm hiện hình. Thủ đô Hà Nội được mở rộng, tạo thêm sức hút vốn đầu tư từ nhiều phía. Thành phố Hồ Chí Minh từng bước biến mình thành trung tâm công nghiệp, du lịch, khoa học Đông Nam Á. Hai vựa lúa sông Hồng và sông Cửu Long liên tục trải mùa vàng, không chỉ nuôi sống 85 triệu người dân đất Việt, mà con đóng góp to lớn vào nhu cầu an ninh lương thực thế giới, hiện đã đạt mức kỷ lục xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo/năm. Vùng biển đảo rộng lớn và giàu có của Tổ quốc đang được bảo vệ và khai thác, sẽ tạo nên sức mạnh của một quốc gia biển. Lại nữa, một loạt danh lam thắng cảnh và công trình văn hóa lịch sử (vật thể và phi vật thể) đã, đang và sẽ được UNESCO xếp vào tầm quốc tế, như: Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Bản mộc triều Nguyễn, Hoàng thành Thăng Long, Bia đá Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang, các khu sinh quyển Cù lao Chàm, Mũi Cà Mau. Thêm hàng loạt trường học đạt chất lượng cao được đầu tư, đón thanh thiếu niên đến tu dưỡng để vững vàng trong tư thế chủ nhân ông đất nước nay mai. Tất cả tạo nên thế mạnh của chúng ta.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (trái) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC ngày 14-11-2009.

Năm 2009, khó khăn đến với đất nước không ít, kết quả thu được dù nhiều vẫn chưa được như mong đợi. Đây là điều dễ thấy và  dễ rõ nguyên do, ấy là tác động suy thoái tài chính, kinh tế toàn cầu, là những non yếu của chúng ta về mặt này mặt nọ, mà Văn kiện Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng, văn kiện của kỳ họp Quốc hội cuối năm và Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã nêu.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng V.V.Puin ký Bản ghi nhớ về kết quả hội đàm ngày 15-12-2009.

Đảng và Nhà nước ta từng xác định: Nhiệm vụ ưu tiên của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ cao nhất các nguồn lực bên ngoài góp phần sớm đưa kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, nỗ lực đảm đương công việc quốc tế với tinh thần trách nhiệm cao để nâng cao vị thế đất nước. Trên tinh thần đó, chúng ta chủ động, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại đồng bộ và toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ và hài hòa giữa các kênh đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài (lời của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm). Chúng ta có quyền tự hào với  phương sách ấy, chúng ta từng bước hạn chế được tình trạng suy thoái kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Kuwait Nasser Al-Mohammed Al-Ahmed Al-Sabah tại cung điện Bayan đêm 10-3 (giờ VN).
 

Năm 2010 mở đầu thập niên thứ hai, thiên niên kỷ thứ ba đã tới. Với vai trò mới, nỗ lực mới, chúng ta nhất định thu được những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lấy đó làm món quà chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xứng danh với vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện AIPA trong nhiệm kỳ mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Trung Phi François Bozizé Yangouvonda đang ở thăm Việt Nam chiều 19-5-2009.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên thảo luận tại HĐBALHQ mở về Phụ nữ, hòa bình và an ninh ngày 5-10-2009.

 

Đêm Vọng - Hà Nội, 10-1-2010

Dương Quang Minh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều