Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế Việt Nam năm 2010:
Hướng đến mục tiêu phục hồi bền vững

02:02, 09/02/2010

* Kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ “hậu khủng hoảng”; kinh tế Việt Nam đang hồi phục tốt
Theo dõi diễn biến tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chắc chắn không dẫn đến một cuộc đại khủng hoảng kinh tế như thời kỳ 1929-1933, mà đã có nhiều người lo lắng.Tác động của khủng hoảng tài chính đã dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng đến nay có thể tin rằng, sự suy giảm đã chạm đáy.

* Kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ “hậu khủng hoảng”; kinh tế Việt Nam đang hồi phục tốt

Theo dõi diễn biến tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chắc chắn không dẫn đến một cuộc đại khủng hoảng kinh tế như thời kỳ 1929-1933, mà đã có nhiều người lo lắng.Tác động của khủng hoảng tài chính đã dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng đến nay có thể tin rằng, sự suy giảm đã chạm đáy.

TS.Trần Du Lịch, Ủy viên UBKT Quốc hội, thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Thật vậy, đối với thị trường tài chính, thì đáy của khủng hoảng đã không lập lại sau ngày 10-3-2009 (ngày có các chỉ số của các thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức thấp nhất). Đối với suy thoái kinh tế thì hầu hết các nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn nhất đều tin rằng đã đến đáy: Ba nền kinh tế lớn Mỹ, EU và Nhật Bản đã có dấu hiệu tăng trưởng dương từ tháng 8-2009; tỷ lệ thất nghiệp giảm; các nền kinh tế khác như: Hàn Quốc, Singapore... đang có sự phục hồi ngoạn mục. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đang tập trung tăng tốc trở lại với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của thời kỳ “hậu khủng hoảng”. Dự báo năm 2010 kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng trên 4%. Do đó, có thể nói: Thế giới đang thực sự bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng. Các quốc gia đang nỗ lực thực hiện các chiến lược riêng của mình; một cuộc chạy đua mới đang diễn ra, mặc dù tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế toàn cầu rất chậm và phần nào đó trì trệ cho đến giữa năm 2010, khi niềm tin của nhà đầu tư và tính ổn định của nền tài chính được củng cố.

Hệ thống tài chính - tín dụng giữ ổn định

Đối với Việt Nam, do đặc điểm của một nền kinh tế có độ mở cao, cùng với đặc điểm của một nền kinh tế mang nặng tính chất gia công, tỷ trọng giá trị gia tăng thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm, nên chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Tuy nền kinh tế nước ta không chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính toàn cầu; hệ thống tài chính - tín dụng giữ được ổn định, nhưng sự tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi mức độ phục hồi của thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu xét về hệ thống tài chính - tín dụng, thì thời điểm khó khăn nhất đã rơi vào quý II-2008, còn tăng trưởng kinh tế khó khăn nhất cũng đã rơi vào quý I-2009. Năm 2010 có thể xem là thời kỳ phục hồi và trên thực tế nền kinh tế nước ta đang phục hồi ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Năm 2009, GDP tăng trưởng 5,2% và mục tiêu tăng GDP năm 2010 với mức 6,5% là khả thi.

* Kinh tế phục hồi, nhưng nguy cơ bất ổn vĩ mô vẫn là thách thức...

Mặc dù trong thời gian qua chính sách tiền tệ đã đóng góp rất có hiệu quả cho mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng tự nó không thể giải quyết nguyên nhân bất ổn từ nội tại của nền kinh tế. Thật vậy, nền kinh tế nước ta, tuy vượt qua giai đoạn suy giảm, đang phục hồi, nhưng vẫn còn nguyên vẹn những tồn tại cố hữu của cơ cấu kinh tế; những nguyên nhân bên trong tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về kinh tế vĩ mô. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bài học được rút ra quan trọng cho nền kinh tế nước ta là: Sự bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động rẻ, khai thác tài nguyên thô và gia công hàng xuất khẩu..., thể hiện qua các chỉ báo như: hệ số ICOR, VA/GO, cơ cấu hàng xuất khẩu, năng suất lao động, tổng yếu tố của tăng trưởng; tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài phải giải quyết cán cân thanh toán tổng thể bằng các nguồn ngoại tệ thiếu tính ổn định như kiều hối, giải ngân FDI, ODA...

 Năm 2009, ngành dầu khí khai thác đạt 16,3 triệu tấn dầu, đạt 103% kế hoạch năm, vốn là một trong những mũi nhọn của kinh tế Việt Nam.

Tình trạng đầu cơ thái quá trên thị trường bất động sản kéo dài nhiều năm, cùng với sự thiếu lành mạnh trong hoạt động của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây đã đưa nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng: khoảng cách giữa tài sản thực và tài sản tài chính của nền kinh tế ngày càng dãn ra. Hay nói cách khác nền kinh tế tiền tệ đã thoát ly xa nền kinh tế. Nếu chậm có giải pháp căn cơ cho các vấn đề trên thì nguy cơ xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục đeo đuổi, dù tình hình kinh tế thế giới có phục hồi.

* Năm 2010, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và triển khai đồng bộ 4 nhóm công cụ điều tiết vĩ mô

Bên cạnh nguy cơ tái lạm phát cao do hệ quả của chính sách kích thích kinh tế đã và đang áp dụng, sự biến động của giá cả thế giới, thì thị trường tài chính - tiền tệ nước ta đang đặt ra 3 vấn đề nóng là: lãi suất, tỷ giá và nguồn vốn trung - dài hạn. Cần lưu ý rằng, điểm khác biệt giữa tình hình kinh tế nước ta với nhiều nước khác hiện nay là: chúng ta nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong điều kiện phải đồng thời ngăn chặn nguy cơ tái lạm phát. Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ cả 4 nhóm công cụ điều tiết vĩ mô: chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ; chính sách tiêu dùng và chính sách ngoại thương, phục vụ cho mục tiêu ưu tiên năm 2010 là ổn định kinh tế vĩ mô.

Hoạt động của thị trường chứng khoán năm 2010 vẫn là một ẩn số.

Vấn đề trọng tâm của giai đoạn "sau suy giảm" là: Tổ chức lại nền kinh tế nhằm chuyển nền kinh tế từ tính chất gia công sang sản xuất; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển nền kinh tế từ lệ thuộc sang tương thuộc trong quá trình hội nhập nhằm xác lập vị thế của nền kinh tế Việt nam trong thời kỳ “hậu khủng hoảng” của thế giới với sự dự báo sẽ diễn ra cuộc chạy đua nhằm thay đổi trật tự kinh tế quốc tế trong quan hệ toàn cầu và khu vực. Do đó, Chính phủ cần có một chương trình tổng thể để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, với một lộ trình rõ ràng, có mục tiêu định lượng cụ thể, kèm theo các chính sách kinh tế, tài chính bảo đảm cho việc thực thi các mục tiêu đề ra. Một chương trình như vậy cần được ban hành sớm, để thực hiện từ năm 2010 nhằm hỗ trợ và định hướng đầu tư cho doanh nghiệp ngay từ giai đoạn phục hồi.

TS.TRẦN DU LỊCH

Tin xem nhiều