Hà Nội - Đồng Nai cách xa nhau đến hàng ngàn cây số, vậy mà cũng gần gũi vô cùng.
Trước khi Huỳnh Văn Nghệ thay mặt cho chiến sĩ, đồng bào Đồng Nai gửi ra thủ đô Hà Nội lời minh định sắt son: "Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" với: "Kinh đô nhớ lại... ôi đất Bắc"...
Hà Nội - Đồng Nai cách xa nhau đến hàng ngàn cây số, vậy mà cũng gần gũi vô cùng.
Trước khi Huỳnh Văn Nghệ thay mặt cho chiến sĩ, đồng bào Đồng Nai gửi ra thủ đô Hà Nội lời minh định sắt son: "Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" với: "Kinh đô nhớ lại... ôi đất Bắc". Hoặc:
"Vẫn nghe tiếng hát thời Quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng...
Thì vùng biên trấn này đã khẳng định cùng đồng bào trong cả nước là dù: "Rồng chầu ngoài Huế, ngựa vẫn... tế ở Đồng Nai", để nói lên khát vọng đánh ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc. Và cũng vì thế mà khi giặc Pháp tái xâm chiếm nước ta, từ thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã gửi vào chiến trường Đồng Nai đoàn quân Nam tiến với người chỉ huy lỗi lạc Nam Long. Đặc biệt cũng chính Bác Hồ cử tướng Nguyễn Bình - nhân vật huyền thoại đã làm nên Chiến khu Đông Triều lịch sử, tiếp tục vào Đồng Nai lập Chiến khu Đ, thống nhất lực lượng vũ trang...
Trước
đó, để lên án thực dân Pháp, Bác Hồ đã không quên đem việc xây đài kỷ niệm những người chết thay cho quân Pháp đặt trước sân bay Biên Hòa ra làm bằng chứng. Và rồi khi đã là Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn nhớ đến vùng đất còn nhiều gian khó, bằng cách cho trồng những cây bưởi Biên Hòa bên cạnh cây vú sữa miền Nam trong khu vườn Phủ Chủ tịch ở giữa lòng thủ đô Hà Nội để tự tay Bác chăm sóc mỗi ngày. Từ nơi này, Người vẫn luôn dõi mắt và kịp thời làm những vần thơ đầy khí thế để cổ vũ, ngợi khen đoàn pháo binh Biên Hòa vừa lập nên chiến thắng vang dội vào sân bay Biên Hòa.Do vậy, trong lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Đồng Nai, Bác Hồ là biểu tượng thiêng liêng, là hình ảnh vị cha già dân tộc. Với nhiều người Đồng Nai khi nói về Bác Hồ còn mặc nhiên xem như là nói về miền Bắc, nói về Hà Nội với niềm tin yêu và hy vọng. Thế nên, trong hoàn cảnh bị kìm kẹp nghiệt ngã, trên chiến trường vô cùng ác liệt bởi ngoài quân viễn chinh Mỹ, Đồng Nai còn có đủ mặt các loại quân chư hầu với vũ khí trang bị hiện đại. Do đó, đêm giao thừa được nghe Bác đọc thơ, chúc Tết là niềm hạnh phúc, là nguồn động viên vô cùng to lớn và quý báu. Và cũng vì thế mà chiều ngày 3-9-1969 khi nghe tin Bác mất do Đài tiếng nói Việt Nam phát từ Hà Nội loan báo, nhiều cán bộ, chiến sĩ Đồng Nai òa khóc. Ngay sau đó, khắp các căn cứ cách mạng từ suối Cả, suối Quýt, suối Đá Vàng, khu Lòng Chảo - Long Thành, rừng Sác, Chiến khu Đ, rừng Lá... đồng loạt tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều xã ở Nhơn Trạch - Long Thành, người dân còn có sáng kiến để tang Bác Hồ bằng những hình thức khác nhau. Có nơi, bọn cảnh sát ngụy phát hiện ra được, đã lờ đi. Đáng nói là sau đó, mấy vị bô lão ở xã Phú Hội còn làm ra mấy tấm hoành phi ca ngợi công đức Bác Hồ ngang nhiên treo trong đình sát bên đồn giặc. Liền sau đó, hưởng ứng phong trào thi đua "Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch", cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Đồng Nai đã biến đau thương thành sức mạnh hình thành hàng loạt Đội Trinh sát vũ trang táo bạo, bất ngờ đột nhập vào khu vực nội đô giáng vào bọn tay sai ác ôn những đòn sấm sét. Chính đợt thi đua đặc biệt này đã xuất hiện nhiều gương mặt mưu trí, dũng cảm diệt thù như: Lương Thọ, Hường (bí số H5), Gái (H6), Xuân, Ngọc..., đặc biệt là Hồ Thị Hương.
Từ chiến trường Đồng Nai vẫn còn rền vang bom đạn, vào cuối năm 1973, đồng bào, cán bộ vùng Hố Nai, Kiệm Tân (nơi trước đó là những pháo đài chống Cộng - lãnh địa bất khả xâm nhập của dân Thiên chúa giáo di cư) đã tuyển chọn và tập kết chở vào Chiến khu Đ mấy chục cây kiểng quý để gửi ra Hà Nội góp phần trang trí lăng Bác Hồ. Cùng lúc bà con Hoa Nùng ở Bàu Hàm gửi ra Hà Nội mấy trăm kg đậu xanh đặc sản vùng đất này để đồng bào thủ đô... "ăn Tết Quý Sửu".
Số lượng hoa kiểng, đậu xanh tuy không nhiều, nhưng đã phần nào nói lên tấm lòng của cán bộ, đồng bào Đồng Nai hướng về thủ đô Hà Nội. Và, điều này cũng đã góp phần quảng bá cho cây kiểng Đồng Nai - một môn chơi nghệ thuật độc đáo. Nhờ đó, sau ngày thống nhất đất nước, Tết 1976, Hội hoa xuân toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội, nhà tư sản dân tộc Tám Mộng (Dương Văn Hảo) được Ty Văn hóa hỗ trợ đã đưa hàng trăm cây kiểng quý, trong đó có mấy cây kiểng khô độc đáo ra dự thi, đã chiếm toàn bộ giải thưởng của bộ môn này.
Hồ Chủ tịch chăm sóc cây vú sữa do đồng bào miền Nam tặng Người.
Phải thú thật là từ những hình ảnh
được nhìn thấy về Bác Hồ ở thủ đô Hà Nội, tôi được dẫn dắt đến những nơi chốn mà Bác Hồ đã qua, đã để lại kỷ niệm. Nhờ đó tôi đã lặn lội được khá nhiều nơi trong nước cũng như trong khu vực. Nhưng thực tình, đến các thủ đô như: Bangkok, Vientiane hay Bắc Kinh... dù thân thiện, hiếu khách với "nụ cười du lịch" luôn tươi nở trên môi người dân bản xứ, tôi vẫn thấy mình là người xa lạ. Hầu như phần lớn tuổi thanh xuân tôi gắn với Biên Hòa - thị xã nằm bên dòng sông Đồng Nai và Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh). Đây là hai nơi mà tôi có rất nhiều kỷ niệm với từng góc phố, hàng cây, bài hát, khuôn mặt bạn bè... Còn Hà Nội tôi chỉ mới... quen sau này và ra đây chỉ độ mươi lần. Thế mà không hiểu sao Hà Nội lại thân quen, gần gũi với tôi vô cùng. Trong tôi hình như luôn có nỗi nhớ về Hà Nội. Dường như tôi đã bị mê hoặc bởi mùi hương hoa sữa nồng nàn trong những đêm mùa đông lang thang trên phố phường Hà Nội; ngẩn ngơ dưới những cội sấu già xanh um, rắc lá lả tả vào đầu đông và trải thảm mặt đường bằng loại hoa trắng nhỏ li ti giữa mùa xuân. Tôi cũng từng mê mẩn nhìn dòng người đạp xe chở lặc lè phía sau chậu đào thế, những giỏ cúc vàng tươi mịt mù sương buổi sáng cuối năm trên đường từ Quảng Bá, Nhật Tân, Nghi Tàm... vào nội thành Hà Nội - những cảnh đẹp nhìn như trong mơ. Hà Nội còn nhắc nhớ trong tôi những buổi tối lạnh giá cùng bạn bè ngồi bên tô ốc nóng bốc khói thơm lừng mùi chanh, sả ở phố Nhà Chung, ngõ Gầm Cầu phủ Tây Hồ... những bữa trưa ngán cơm thèm món đậu bún mắm bày bán góc vỉa hè. Đọc Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng... tôi đâm mê phở Hà Nội. Và vào những sáng tương đối rảnh rỗi, tôi tà tà đi bộ từ đường Lý Thái Tổ - nơi có mấy quán cà phê kiểu châu Âu dài qua phố Tràng Thi, tiếp tục vượt hết dãy phố cổ để đến tận cửa Đông, đứng xếp hàng với tiền cầm sẵn trên tay chờ... ăn phở Bát Đàn.Hà Nội với tôi có nhiều điều rất lớn, rất thiêng liêng, nhưng trong đó cũng đong đầy vô vàn kỷ niệm nhỏ nhoi, vụn vặt và hơi riêng tư như thế, vậy mà tôi vẫn cứ nhớ hoài và lâu lâu không ra Hà Nội lại thấy... nhớ ơi là nhớ!
Bùi Thuận