Năm 2022 là năm vô cùng đặc biệt, Đồng Nai phải chạy đua trong thực hiện nhiều dự án lớn của quốc gia và của tỉnh, đồng thời chống đỡ với những khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn về đích với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đạt và vượt kế hoạch năm. Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển cho tỉnh trong năm mới.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng. Ảnh: Huy Anh |
Năm 2022 là năm vô cùng đặc biệt, Đồng Nai phải chạy đua trong thực hiện nhiều dự án lớn của quốc gia và của tỉnh, đồng thời chống đỡ với những khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn về đích với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đạt và vượt kế hoạch năm. Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển cho tỉnh trong năm mới.
Đẩy nhanh tiến độ trên các đại công trường
* Thưa đồng chí, năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 tạm lui thì nhiều thách thức, khó khăn “lộ diện” như: hàng hóa nguyên vật liệu tăng giá, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả và nguồn cung xăng dầu “trồi sụt”. Đồng Nai đã có những giải pháp nào để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội?
- Năm 2022, Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều gặp rất nhiều khó khăn do nền kinh tế toàn cần suy giảm dẫn đến chuỗi cung ứng đứt gãy, giá nguyên vật liệu, xăng dầu, cước vận tải tăng cao, lạm phát, biến động tỷ giá, đơn hàng của doanh nghiệp (DN) giảm… Nhưng điều đáng mừng là Đồng Nai đã vượt qua và gặt hái được những kết quả khá cao như: GRDP tăng 9,22% so với năm trước; thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.717,5 USD/người; kim ngạch xuất khẩu trên 24,6 tỷ USD, tăng hơn 13% và xuất siêu hơn 5,75 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước cả năm được gần 62,9 ngàn tỷ đồng, đạt 114% dự toán; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh hơn 105,8 ngàn tỷ đồng, tăng 15,2%.
Có được kết quả trên là do từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các cấp khắc phục những hạn chế, chủ động bám sát công việc, tiếp tục đổi mới, linh hoạt sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong tổ chức, điều hành gắn với khôi phục, thúc đẩy phát triển các hoạt động vận hành chuỗi cung ứng trong sản xuất, kinh doanh.
* Thưa đồng chí, Đồng Nai đang được ví von như một “đại công trường” với hàng loạt dự án lớn nhỏ đang triển khai. Trong năm tới, Đồng Nai sẽ ưu tiên những dự án nào? Thuận lợi và khó khăn về đẩy nhanh tiến độ các dự án trong năm tới là gì?
- Trong năm 2023, Đồng Nai sẽ tiếp tục ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng quan trọng của quốc gia và của tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án Đường cao tốc: Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương; các dự án Đường vành đai 3, 4 và các đường tỉnh kết nối với sân bay Long Thành; đường trục trung tâm TP.Biên Hòa; đường ven sông Cái…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Văn Thành trao đổi với đơn vị thi công dự án Sân bay Long Thành ngày 6-2-2022 . Ảnh: Huy Anh |
Các dự án trên đều là dự án trọng điểm, nếu sớm hoàn thành sẽ tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, Chính phủ, Đồng Nai rất quan tâm và dồn lực để triển khai các dự án trên để có thể hoàn thành và đưa vào khai thác theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án thường gặp khó khăn ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và nguồn vốn. Trong năm tới, tỉnh sẽ nỗ lực tìm các giải pháp hiệu quả để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để kịp thời thu hồi đất giao cho chủ đầu tư thi công dự án đúng theo tiến độ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn tất thủ tục đấu giá nhiều khu đất lợi thế để có vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh.
Đồng Nai trải qua một năm có nhiều khó khăn, biến động nhưng vẫn có 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội vượt kế hoạch, 6 chỉ tiêu không đạt, 2 chỉ tiêu chưa có cơ sở đánh giá, còn lại các chỉ tiêu khác đều đạt kế hoạch. Đây sẽ là tiền đề tốt để tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. |
* Đồng Nai đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi DN tham gia vào các dự án hạ tầng lớn. Đồng chí có thể cho biết cụ thể những dự án nào sẽ khuyến khích DN tham gia?
- Hạ tầng kỹ thuật là lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cũng như nguồn vốn huy động từ các DN để triển khai, bởi các công trình này khi hoàn thành sẽ tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế của tỉnh và vùng kinh tế Đông Nam bộ. Đồng Nai đã công khai danh mục các dự án hạ tầng lớn để mời gọi đầu tư như: Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn gần 3,6 ngàn ha, Khu công nghiệp Cẩm Mỹ hơn 300ha (H.Cẩm Mỹ); Khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp hơn 2,6 ngàn ha, Khu công nghiệp Long Đức 3 hơn 250ha (H.Long Thành). Chính phủ cũng đã đưa vào danh mục quốc gia giai đoạn 2021-2025 khoảng 5 dự án hạ tầng giao thông lớn có vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD để mời gọi DN nước ngoài đầu tư vào là: Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Hệ thống cấp nước và xử lý chất thải TP.Long Khánh.
Ngoài ra, tỉnh đang mời gọi các DN đầu tư vào 6 dự án khu du lịch sinh thái với tổng vốn hơn 1 tỷ USD.
* Khi thăm hỏi công nhân xa quê trong thời kỳ giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng chí từng nói “Đồng Nai nợ anh chị em công nhân một chốn an cư”. Có phải vì vậy mà trong 2 năm nay, tỉnh liên tục xúc tiến, mời gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội hay không? Đồng chí kỳ vọng gì ở lĩnh vực này?
- Đồng Nai đã trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của Việt Nam, thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế cao có sự đóng góp rất lớn từ lực lượng công nhân lao động trong các nhà máy trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh có trách nhiệm chăm lo đời sống của công nhân lao động để họ yên tâm làm việc và tiếp tục đóng góp cho tỉnh. Năm 2021, trong đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tôi đã đi thăm và chứng kiến nhiều công nhân lao động phải sống chen chúc trong những khu phòng trọ chật chội, thiếu ánh sáng, không đảm bảo vệ sinh, môi trường. Đây cũng là lý do khiến cho năm trước, dịch bệnh Covid-19 tại Đồng Nai lây lan nhanh. Vì thế, gần 2 năm qua, tỉnh đã xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi DN đầu tư vào dự án nhà ở xã hội. Tỉnh đã ban hành nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội và đặt ra kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng 10 ngàn căn, và đến năm 2030 là 40 ngàn căn nhà ở xã hội để bán, cho thuê với người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT làm đầu mối phối hợp với các địa phương nhanh chóng hoàn thành hồ sơ thủ tục để đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho nhiều dự án nhà ở xã hội. Trong tháng
11-2022, tỉnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư về nhà ở xã hội, nhiều tập đoàn, DN tham dự đã cam kết sẽ đầu tư xây dựng khoảng 40 ngàn căn. Tôi hy vọng sẽ thu hút nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Tiếp tục đồng hành cùng DN
* “Đồng hành cùng DN” là chủ trương xuyên suốt nhiều năm qua của Đồng Nai. Tuy nhiên, trong vài năm nay, đất công nghiệp thu hẹp, thị trường gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện phương châm này có gặp thách thức nào không, thưa đồng chí?
- Từ nhiều năm nay, Đồng Nai luôn thực hiện chính sách “Đồng hành cùng DN”, mọi khó khăn vướng mắc của DN sẽ được tỉnh kịp thời tháo gỡ. Do đó, có nhiều DN sau một thời gian đầu tư vào tỉnh hiệu quả đã tăng vốn gấp 1-4 lần ban đầu. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, Đồng Nai gặp khó khăn là diện tích đất công nghiệp cho thuê còn rất ít nên đã bỏ lỡ một số dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ để thành lập các khu công nghiệp mới, đầu tư hạ tầng kỹ thuật để có diện tích đất công nghiệp lớn cho DN thuê. Quá trình thực hiện các hồ sơ, thủ tục cũng gặp những khó khăn liên quan đến Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư… nên các dự án chậm hơn so với dự kiến.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng kiểm tra tiến độ dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào tháng 10-2022 |
* Theo nhiều nhận định, khó khăn có thể còn kéo dài đến đầu năm 2023, DN phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất, phải cho lao động nghỉ việc luân phiên không lương. Ở góc độ quản lý, điều hành, tỉnh sẽ có những giải pháp nào cho vấn đề này?
- UBND tỉnh đã đặt ra mục tiêu cho năm 2023 là tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng các giải pháp hỗ trợ DN về vốn, cung ứng lao động để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ đột phá. Chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN.
* Cùng với hàng loạt dự án lớn đang được triển khai và đi vào hoạt động trong 5 năm tới, đồng chí đánh giá Đồng Nai sẽ đứng trước những cơ hội gì về phát triển?
- Trong 5 năm tới, Đồng Nai tiếp tục là điểm đến của DN trong nước, DN nước ngoài vì có nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đưa vào khai thác. Ngoài công nghiệp thì những lĩnh vực khác như: thương mại dịch vụ, logistics, du lịch sinh thái, bất động sản sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư. Đồng Nai đang gấp rút hoàn thành quy hoạch chung của tỉnh, chuẩn bị sẵn quỹ đất để đón dòng vốn chất lượng cho các dự án có giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
* Xin cảm ơn đồng chí!
KIM NGÂN - HƯƠNG GIANG (thực hiện)