Báo Đồng Nai điện tử
En

Rong chơi cùng những loài hoa

05:01, 28/01/2022

Với tôi, một người thường hay đi đó đi đây thì mục tiêu khi đến một nơi mới không phải chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp, giao tiếp với người địa phương, nếm trải các món ngon vật lạ… mà còn rất thích tìm hiểu, nhìn ngắm các loài hoa đặc hữu tại đó.

Với tôi, một người thường hay đi đó đi đây thì mục tiêu khi đến một nơi mới không phải chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp, giao tiếp với người địa phương, nếm trải các món ngon vật lạ… mà còn rất thích tìm hiểu, nhìn ngắm các loài hoa đặc hữu tại đó.

Tác giả bên đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang
Tác giả bên đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang

Vốn mê hoa, tôi nhớ chừng 30 năm trước, khi phong trào chơi hoa lan bắt đầu bộc phát, tôi cùng hai người bạn từ TP.Biên Hòa lên tận Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM để học kỹ thuật trồng lan.

Mới học được 1 tuần (chỉ học ngày chủ nhật), ông bạn Phan Văn Hết (đương nhiệm Phó giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai và là đại biểu Quốc hội) phải ra Hà Nội họp dài ngày nên nghỉ trước. Học được đến tuần thứ hai, ông bạn nhà văn Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải) được Liên đoàn Lao động tỉnh mời làm Thư ký Tòa soạn cho tờ Lao Động Đồng Nai từ bản tin Công nhân vươn lên thành báo, nên cũng nghỉ học. Thế là trong số 3 học viên ở Đồng Nai, chỉ có tôi hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ.

Bị đánh giá: học lực yếu cả phần lý thuyết lẫn thực hành nên tôi quyết chí lấy cần cù bù thông minh. Vì vậy, cuối khóa học, tôi tham gia cùng đoàn nhà trường đi tham quan, nghiên cứu kinh nghiệm của các nhà vườn chuyên doanh hoa lan thuộc vào hàng có máu mặt ở xứ Chùa Vàng.

* Trả học phí

Công phu là vậy, nhưng kết quả của “sự nghiệp” trồng lan hình như không tương xứng với tôi. Cho dù, tôi chịu khó trồng đủ thứ lan, từ loại dễ ăn nhất như: Dendrobium, Mokara đến mấy loại khó chơi như: Cattleya, Vanda, hồ điệp… mà chẳng loại nào chịu có bông.

Trong khi đó, nhà văn Khôi Vũ cứ liên tục đưa lên mạng những cây lan do tự tay nhà văn, nhà báo kiêm dược sĩ trồng và chăm sóc đều nở hoa rất đẹp. Cùng lúc đó, dù công việc bận rộn, hết họp ở Hà Nội, lại đi nghiên cứu ở nước ngoài, cùng sự vụ ở cơ quan, nhà khoa học Phan Văn Hết đã tạo ra một vườn lan rất hoành tráng ở P.Tam Hiệp; đặc biệt là nhân giống thành công mấy loại lan quý hiếm.

Thấy lan trồng ở nhà không ra bông, tôi tìm đến những vườn lan có tiếng ở Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh… bê về những giò lan chiến. Cần mẩn tưới tắm, chăm chút bón phân đúng đủ theo từng giai đoạn, khi những giò lan quý giá vừa hé nụ, thì một đêm không trăng sao, bọn “lan tặc” cắt khóa cổng lẻn vào… “hốt gọn”. Đang xót xa, ấm ức, trung tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng công an P.Quyết Thắng gặp tôi đế một câu nghe chát ngắt: “Tôi chúa ghét mấy ông trồng lan và nuôi chim cảnh. Người ta có thứ gì quý giá thì cất giấu rất kỹ, còn mấy ông cứ đem ra giữa chốn thanh thiên bạch nhựt để khoe; thì thử hỏi bọn trộm đạo làm sao bỏ lơ cho được!”.

Nghe tức tức, nhưng ngẫm cũng có lý. Vậy mà vợ tôi, người đã chi ra những khoản tiền không nhỏ để cho tôi rước mấy giò lan độc lạ về, nói câu an ủi: “Thôi thì mình cứ chăm sóc đám lan còn lại đi. Từ hồi trồng lan đến giờ nhà mình không phải tốn tiền mua… rau càng cua”.

Ừ mà ngộ thật! Lan trồng không ra hoa, nhưng rau càng cua mùa nào cũng xanh um. Và có lẽ cũng nhờ trồng lan mà sản xuất ra được món rau khoái khẩu nên biết có cuộc triển lãm hoa lan nhân Hội nghị Hoa lan thế giới (The World Orchid Conference - WOC) lần thứ 20 tổ chức ở Singapore, vợ tôi hăng hái cùng tôi sang đảo quốc Sư tử làm một chuyến tham quan.

* ...vì hoa

Đã quá ấn tượng với công nghệ trồng lan của Thái Lan, nơi được mệnh danh là “vương quốc hoa lan”, vậy mà tôi vẫn choáng ngợp trước hàng trăm loài lan đặc sắc và tiêu biểu đến từ nhiều xứ sở khác nhau được trưng bày thật lộng lẫy dưới tầng hầm rộng thênh thang, hoành tráng trong khu Gardens by the Bay tại vịnh Marina.

Ngày cuối ở Singapore, tôi bảo vợ mang theo toàn bộ hành lý để thăm Botanic Garden. Thấy trong bản đồ hướng dẫn du lịch có nói trong khu vườn bách thảo nổi tiếng này có trạm metro đến sân bay Changi nên tôi rất yên tâm, cứ thong thả dạo chơi. Bị nhiều loài cỏ cây hoa lá lạ mắt hút hồn, tôi lạc bước trong Singapore Botanic Gardens và mua được quyển 1001 Garden Plants in Singapore do National Parks ấn hành. Cuốn cẩm nang có hình màu sau đó đã giúp cho tôi nhận diện và kiểm danh được rất nhiều loài hoa lạ. Ôm được quyển sách quý, mừng khấp khởi ra được đến sân bay thì bị trễ mất 1 giờ. Cô nhân viên da màu chỗ làm thủ tục check in cương quyết không cho lên máy bay. Vợ tôi khóc nấc lên và sau cùng đành móc ra 200SD (Singapore Dollar) cuối cùng để book vé về nước cho chuyến bay ngày hôm sau. Đêm nán lại đảo quốc sư tử một cách không mong muốn này, tôi lại được nghe vợ giáo huấn về hậu quả của việc… mê hoa.

Cũng trong đêm ấy, tôi chợt nhớ lại chuyện hồi mới cầm giấy chứng nhận “tốt nghiệp” khóa học kỹ thuật trồng lan tôi có chuyến du ngoạn xứ sở ngàn hoa Đà Lạt. Khi về, xe ghé chân đèo Prenn để du khách trút hết những đồng tiền còn sót lại, tôi nhìn thấy bên đường có một vườn lan rừng nhỏ và chủ vườn lan là một người dân tộc có vẻ chất phác. Ông tỏ vẻ kính nể khi nghe tôi phun ra một mớ kiến thức về lan mới vừa học được và nhủn nhặn xin bán cho tôi một giò lan mà cả tôi và ông cũng chẳng biết tên với giá chỉ 40 ngàn đồng. Tôi hí hửng cầm giò lan rừng bước lên xe và bất ngờ thấy trên xe cũng treo lủng lẳng giò lan cùng loại với giống lan tôi mua, nhưng to đẹp hơn rất nhiều. Thấy tôi cầm giò lan mua cùng một chỗ, bà chủ giò lan hào hứng nói: “Cái ông dân tộc này thiệt thà ghê! Nói hai chục là bán đúng hai chục, chứ tui trả mười lăm rồi mười tám cũng không bán. Nhưng tôi thấy giò lan này đẹp quá nên tui lấy luôn!”.

Tôi nín khe, thấy đắng chát trong bụng.

* Lại bị lừa

Ăn theo trào lưu “bỏ phố lên rừng”, mới đây tôi lên xứ B’lao (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) tái… “khởi nghiệp”. Việc đầu tiên là trồng quanh vườn nhà nằm bên bờ ao Mọi (nay có tên là hồ Lộc Thanh) mấy cây mai anh đào và anh đào. Tiếp đó, tôi đặt mua online các giống đào phai, đào bích, đào bạch mỗi thứ 2 cây. Cơ sở bán cây giống ở Hà Nội có cái tên rất kêu là “Trung tâm cây giống Học viện Nông nghiệp Việt Nam” nhận đơn hàng và yêu cầu chuyển khoản trước. Sau khi nhận đủ tiền, “trung tâm” này... biến mất.

Ông bạn Cao Thuyên của tôi nhờ anh em ở cơ quan cũ ngoài Hà Nội làm Báo Nông Thôn Ngày Nay tìm hiểu việc này, thì được lãnh đạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đang có trên 200 cơ sở mua bán cây giống ở Hà Nội mạo nhận danh nghĩa của học viện (!?).

Lại thấy trên Facebook quảng cáo mấy giống cây trồng mà từ lâu tôi ưa thích như: hoa rum, hoa bỉ ngạn và đặc biệt là hoa mặt trời giống mới có nhiều màu sắc rực rỡ được du nhập từ Nhật, tôi bèn đặt mua mỗi thứ vài chục củ. Sau 2 tháng ươm trồng, 3 loại cây khác nhau mua của 3 shop cũng khác nhau này đều cho ra 1 loại cây giống như hoa huệ mưa với bông nở ra giống nhau là chỉ có màu hồng!? Trước đó, tôi mua 5 cây giống trà hoa vàng với lời cam đoan là cây giống có dược tính quý này được xuất vườn từ Ba Chẻ (tỉnh Quảng Ninh). Suốt 3 tháng nâng niu chăm sóc, mấy cây trà hoa vàng trổ ra hoa... trắng!?

* Miệt mài cùng hoa

Khổ và bị lừa vì… hoa chỉ là chuyện nhỏ. Niềm vui mà các loài hoa đem đến cho tôi lại rất nhiều.

Tuy ở Đồng Nai, nhưng tôi lại khá may mắn có mặt trong lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ nhất cùng nhiều lần sau đó. Hình như có một chút duyên nợ với vùng cao nguyên đá.

Đến miền cực Bắc Tổ quốc, tôi được nếm trải nhiều món ăn, thức uống thật lạ với dân Nam bộ như: thắng cố, mèn mén, cháo ấu tẩu, trám đen kho thịt, rễ tam thất hầm thịt, rượu sán lùn, rượu ngô… Và đặc biệt là mê mẩn trước những cánh đồng chez (tên gọi hoa tam giác mạch của bà con người Mông bản địa) rực rỡ sắc đỏ trắng hồng.

Tôi cũng hết sức thích thú  món lẩu đọt tam giác mạch nấu với thịt gà đen (gà H’Mông đặc sản nổi tiếng vùng Tây Bắc), cảm thấy thú vị khi uống rượu và ăn bánh làm từ hạt tam giác mạch. Bất ngờ hơn là trong những cánh đồng hoa chez, thỉnh thoảng lại xuất hiện một đám cải nở hoa vàng tươi nhìn rất bắt mắt bên mấy bờ tường đá tai mèo xám đen.

Hoa đào nở bên nhà thờ đá Sa Pa
Hoa đào nở bên nhà thờ đá Sa Pa

Tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy trên cánh đồng hoa tam giác mạch, bắp núi (lương thực chủ yếu để làm ra mèn mén và rượu ngô) được trồng xen với một loài cây trổ hoa thành một chuỗi dài một màu đỏ rực. Hỏi ra mới biết loại kỳ hoa này là cây rau dền. Cũng ở vùng đất “sống trên đá và chết nằm trên đá” này, tôi vô cùng thích thú khi phát hiện ra một bụi xương rồng rất to đang nở hoa vàng chi chít trong con đường nhỏ phía sau phố cổ Đồng Văn.

Trên đường vào cột cờ Lũng Cú, tôi không thể không ngắm nhìn hàng đào trồng trước Đồn biên phòng Ma Lé tô điểm khung trời một màu đỏ hồng rực rỡ, dù trước đó đã say mê với hàng đào cổ thụ trước trụ sở UBND H.Đồng Văn.

Trong một buổi đầu hè, tôi cũng đã ngỡ ngàng nhìn thấy những quầng đỏ ối của mấy cây gạo (pơ lang, mộc miên…) đang mùa trổ hoa làm lay động một khúc sông Nho Quế vốn hiền hòa, luôn nằm lặng lẽ bên dưới đỉnh Mã Pí Lèng.

Ở cao nguyên đá Đồng Văn còn có loài hoa mua núi đỏ rực nở từng chùm rất lạ mắt mà tôi chỉ từng nhìn thấy trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (Hoàng Su Phì, Hà Giang).

Lên Điện Biên vào mùa hoa ban, tôi bị hút hồn bởi màu trắng tinh khôi của loài hoa có nhiều truyền tích này; được trải dài khắp từ đèo Pha Đin đến Mường Phăng. Và lại bất ngờ khi ra viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở bãi Yến - Vũng Chùa (tỉnh Quảng Bình) khi nhìn thấy những cây ban đem từ Điện Biên ra trồng nở hoa trắng ngắt.

Trên đất Điện Biên Phủ bây giờ còn có thêm mùa lá bàng đỏ, hoa trẩu, hoa sở, hoa cà phê… trắng muốt. Đặc biệt là hoa chít rũ bông trắng xóa hình như nở suốt 4 mùa. Đây là loại lau sậy vào xuân có con sâu sống ký sinh trên ngọn được bà con dân tộc Thái dùng làm thực phẩm bổ dưỡng, cung tiến vua ngày xưa. Nay sâu chít ngâm rượu là đặc sản “hot” của Điện Biên.

Trong một lần lên Tây Bắc, tôi tìm đến Simacai (huyện miền núi giáp biên của tỉnh Lào Cai với Trung Quốc) để ngắm mùa hoa lê nở. Khi lên tới vùng đồi núi Nàn Chíng nằm trên cao độ 2 ngàn m, tôi chợt thấy những vệt tím tô sọc trên mấy đám ruộng bậc thang, nhìn thật lạ và rất đẹp mắt. Đến gần, tôi càng bất ngờ khi biết những vệt tím nhìn rất nên thơ và lãng mạn này là hoa… cứt lợn. Dù có tên khoa học Ageratum Conyzoides L, còn bị gọi là cúc hôi, nhưng ở miền xuôi, nội cái tên này đủ nói lên sự khinh thường, rẻ rúng dành cho loại hoa dại đã thất sắc lại dị hương này. Thế mà không ngờ, trên vùng cao Simacai lạnh giá, chập chùng đá, hoa cứt lợn tím biếc với tầng tầng những vòng tròn trên ruộng bậc thang đã tạo cho cao nguyên miền biên viễn Lào Cai một sắc thái quyến rũ lạ kỳ.

Cũng ở Lào Cai, tôi lần đầu được nhìn thấy hoa thảo quả mọc vàng rực dưới tán rừng Y Tý, ngắm mận tam hoa nở trắng khắp triền đồi Bắc Hà - nơi được mệnh danh là “cao nguyên trắng”. Đặc biệt là ngất ngây trước những chậu lan trần mộng quá “khủng” trưng bày trong tiền sảnh nhà ga Fansipan, các khách sạn, trạm xe… ở Sa Pa. Đây là loại địa lan Bắc Hà quý hiếm, vừa nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán, hoa bền hơn 2 tháng, vừa có hương thơm, vừa mang theo truyền thuyết về giấc mộng vua Trần (!?). Vài năm gần đây, lan trần mộng trở thành cây làm giàu cho bà con các dân tộc ít người ở Sa Pa, Tả Phìn, Tả Van…

Sa Pa còn có loại hoa chuối rừng đỏ tươi rất được dân Hà Nội ưa thích, trưng bày trong phòng khách vào những dịp lễ, Tết.

Mùa nước nổi, tôi về tỉnh An Giang và vào tận búng Bình Thiên - nơi một số đồng bào Chăm đang sinh sống để ngắm bông điên điển. Qua Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) không phải để chiêm ngưỡng sen hồng, mà là để tận mắt nhìn những đám hoa dại có tên hoàng đầu ẩn, được cho là loài thực vật có hoa còn sót lại duy nhất ở vùng Đông Nam Á. Và có lần, tôi còn vào cả khu thủy trại Hầm Hô ở tỉnh Bình Định xem hoa vàng anh nở, vô Lý Lịch (Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) để nhìn dây guồi còn lại của Chiến khu Đ được già làng Năm Nổi trồng bên cầu Sa Mat vừa nhú bông… Hoặc là sang tận Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) để ngắm hoa anh đào của Nhật, nhìn hoa tử đằng lửng lơ một màu tím biếc, ngất ngây trước hàng trăm loại hoa cúc với đủ mọi sắc màu tại một lễ hội ở “thiên đường hạ giới” Hàng Châu. Hay ngẩn ngơ trước những hàng dâm bụt “muôn hồng ngàn tía” trồng tại công viên cạnh Quảng trường Hà Lan bên eo biển Malacca. Dâm bụt là quốc hoa của đất nước Malaysia nên loài hoa này ngày càng được lai tạo ra nhiều sắc màu độc, lạ. Cũng rất đáng nhớ là… tôi thấy rêu vàng trên chùa thiêng Yên Tử và lặng người trước những bức tường phủ đầy rêu đỏ trong “thành phố Ma” (City of Ghosts) trên cao nguyên Bokor của Vương quốc Campuchia. Và tôi cũng thực sự khó quên những hàng cây phong lá đỏ đến chói chan giữa màn sương trắng vào cuối thu ở thủ đô Seoul của Hàn quốc; cũng như hàng đào đỏ hồng rực rỡ trải dài từ TT.Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn - Lào) đến tận biên giới Việt Nam. Đây là nơi mà nhà báo Trần Đức Dục mệnh danh là… “con đường hoa đào dài nhất Đông Dương”…

Nhưng có lẽ việc đi tìm hoa ở miền gái đẹp Tuyên Quang đối với tôi là một ấn tượng khó quên. Qua văn thơ, tôi biết có một loài hoa được bà con dân tộc Tày, Nùng… ở xứ Tuyên gọi là hoa phạc phiền. Nổi máu hiếu kỳ, tôi lên vùng Na Hang, vào tận Thượng Lâm - nơi được mệnh danh là cái nôi mỹ nhân của “gái Tuyên”. Gặp gỡ đủ thành phần, từ già làng, trưởng bản đến cán bộ, thầy cúng…, ai cũng hào hứng kể về loài hoa mang truyền thuyết gắn liền với vùng đất có 99 con chim phượng hoàng cùng số phận người con gái đẹp Thượng Lâm… Nhưng khi tôi hỏi tới là có ai nhìn thấy hoa phạc phiền chưa, hoa mọc chỗ nào, thì tất cả đều ú ớ. Qua gần 1 tuần rảo khắp chục bản Tày, ngủ nhà sàn gỗ nghiến, uống rượu ủ men lá rừng cùng trứng kiến đen cuộn măng đắng…, tôi mới “ngộ” ra rằng: hoa phạc phiền cũng giống như lá diêu bông của ông thi sĩ Hoàng Cầm.      

Bùi Thuận

Tin xem nhiều