Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

05:01, 28/01/2022

Theo kế hoạch, cuối năm 2022, đầu năm 2023 dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án thành phần của dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sẽ hoàn thành xây dựng.

Theo kế hoạch, cuối năm 2022, đầu năm 2023 dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án thành phần của dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sẽ hoàn thành xây dựng.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tuyến kết nối giao thông quan trọng của Vùng kinh tế  trọng điểm phía Nam
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tuyến kết nối giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Đây là tuyến đường quan trọng đảm nhận “sứ mệnh” kết nối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.

* Nỗ lực “về đích” sớm

Những ngày cuối năm 2021, khi không khí Xuân đã tràn ngập khắp các nẻo đường thì trên công trường dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn rộn ràng tiếng máy của các phương tiện thi công. Trên toàn tuyến, các đơn vị thi công đang tập trung triển khai những phần việc quan trọng nhất, các bên liên quan cam kết đưa cao tốc vào vận hành đúng thời gian quy định.

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99km đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, trong đó đi qua địa bàn Đồng Nai là 51,5km.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, dự án thành phần Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/giờ. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là gần 12,6 ngàn tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng. Trong giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe.

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây là một trong 3 dự án thành phần (2 dự án còn lại là: Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mai Sơn - quốc lộ 45) của dự án xây dựng một số đoạn Đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi đầu tư từ hình thức đối tác công - tư (PPP) sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công.

Dự án được chính thức khởi công vào tháng 9-2020 và sẽ hoàn thành sau 24 tháng thi công. Năm 2021, việc thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như thiếu nguồn nguyên vật liệu. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn đang cơ bản giữ được tiến độ. 

Sau gần 12 tháng thi công, đến nay, tại gói thầu số 4, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã có gần 5km đường được cấp phối đá dăm loại 1, gia cố xi măng. Toàn bộ hệ thống cống trên tuyến chính đã làm xong, 5/10 cầu cũng đang lao lắp dầm.

Ông Lê Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng gói thầu số 4, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chia sẻ, gói thầu số 4 có chiều dài 16km, hiện liên danh nhà thầu huy động hàng trăm máy móc, nhân lực đồng loạt triển khai 12 mũi thi công đường và cầu. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt là mưa nhiều nên tiến độ gói thầu số 4 bị ảnh hưởng. Hiện thời tiết nắng nóng, đây là thời gian “vàng” khi làm đường nên nhà thầu sẽ huy động tất cả máy móc, nhân lực nhằm đẩy nhanh thi công các hạng mục, bù đắp tiến độ cho thời gian trước.

Trong khi đó, tại gói thầu số 3 có chiều dài hơn 35km, sau hơn 1 năm thi công, 10km đầu tiên của dự án đã được thảm lớp nhựa đầu tiên trong tổng số 4 lớp nhựa theo thiết kế. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc liên danh gói thầu số 3 cho hay, những km được thảm nhựa đầu tiên của dự án là đoạn đi qua địa bàn xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc. Đối với các đoạn còn lại, các nhà thầu cũng đang thi công để hoàn thiện lớp cấp phối đá dăm.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nguồn vật liệu đất đắp cung cấp cho hai gói thầu qua tỉnh Đồng Nai đang được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thi công. Nếu được tháo gỡ khó khăn về nguồn đất đắp phục vụ thi công thì tiến độ của dự án trong quý I-2022 sẽ vượt yêu cầu và phấn đấu “về đích” sớm từ 1-3 tháng.

* Lên kế hoạch thi công xuyên Tết

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, thời gian qua, các nhà thầu đã huy động đến công trường khoảng 1,5 ngàn kỹ sư, công nhân và gần 1 ngàn máy móc, phương tiện, tổ chức hàng chục mũi thi công, làm việc cả ngày lẫn đêm trên công trường. Đến nay, cả bốn gói thầu đã hoàn thành khoảng 25% khối lượng công việc. Để đảm bảo tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án Thăng Long đang phối hợp cùng các nhà thầu lên kế hoạch thi công trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, phấn đấu đến đầu năm 2023 đưa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào sử dụng.

Sau hơn 1 năm xây dựng, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã dần thành hình
Sau hơn 1 năm xây dựng, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã dần thành hình

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, nếu vấn đề đất đắp phục vụ thi công được tháo gỡ, các nhà thầu sẽ thực hiện thi công xuyên Tết để đảm bảo tiến độ chung của dự án.

Những năm qua, việc phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và là một trong 3 đột phá chiến lược của đất nước. Thời gian qua, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc đã có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, trở thành động lực đánh thức tiềm năng của nhiều vùng, miền. Đường cao tốc mở đến đâu, kinh tế ở đó phát triển, người dân được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển này.

Những ngày cuối năm 2021, các công nhân vẫn hăng say làm việc trên công trường xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: L.Văn
Những ngày cuối năm 2021, các công nhân vẫn hăng say làm việc trên công trường xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: L.Văn

Đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, khi hoàn thành xây dựng sẽ giúp phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ cao tốc đã và đang được đầu tư. Dự án sẽ giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ. Đồng thời, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trong khu vực, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ cũng như từ Bắc vào Nam. Dự án khi hoàn thành sẽ là “cú hích” cho các tỉnh và khu vực dự án đi qua mà trực tiếp là tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và góp phần khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GT-VT triển khai nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với quy mô lớn, mang tính đột phá qua địa bàn tỉnh như: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành.

Đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đây là công trình trọng điểm quốc gia, hiện đại nhất Việt Nam. Dự án có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước.

Đặc biệt, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi hoàn thành xây dựng cũng sẽ giúp giảm tải áp lực về giao thông cho tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh. Từ đó, mở ra thời cơ phát triển cho các địa phương phía Bắc của tỉnh như: H.Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh.

Lê Văn

Tin xem nhiều