Báo Đồng Nai điện tử
En

Đà Lạt thắm những sắc hoa

05:01, 28/01/2022

TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được thiên nhiên ưu đãi khí hậu ôn đới nên cây hoa xứ lạnh phát triển. Từ lâu, những mùa hoa đặc trưng của Đà Lạt đã trở thành một trong những niềm tự hào của người dân Phố núi, cũng như niềm thương nhớ của biết bao du khách gần xa.

TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được thiên nhiên ưu đãi khí hậu ôn đới nên cây hoa xứ lạnh phát triển. Từ lâu, những mùa hoa đặc trưng của Đà Lạt đã trở thành một trong những niềm tự hào của người dân Phố núi, cũng như niềm thương nhớ của biết bao du khách gần xa.

Gia đình chị Đào Kim Chi (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chụp hình bên cây mai anh đào bờ kè suối Cam Ly, gần khu vực công viên Mạc Đĩnh Chi (TP.Đà Lạt)
Gia đình chị Đào Kim Chi (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chụp hình bên cây mai anh đào bờ kè suối Cam Ly, gần khu vực công viên Mạc Đĩnh Chi (TP.Đà Lạt)

* Lên xứ hoa đào

Hằng năm, cứ vào thời điểm cuối thu, đầu đông, khi tiết trời se lạnh tràn về, những cây anh đào bắt đầu rụng lá, để trơ lại những cành cây in trên nền trời xám. Xuân sang - đất trời ấm hơn, ánh nắng chan hòa khắp vạn vật - cũng là lúc cây mai anh đào đâm chồi hoa, nảy lộc biếc. Những cánh hoa mai anh đào với sắc hồng phớt nhỏ nhắn, nhẹ nhàng, mong manh là thế, nhưng khi hợp thành từng cành, từng nhánh, từng cây hoa, từng con đường hoa, có thể làm bừng sáng cả một vùng, khiến lòng người du ngoạn lâng lâng, phơi phới hơn. 

Đây rồi, một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ với điểm nhấn là sắc mai anh đào rực rỡ, tương phản với màu xanh thẫm của bạt ngàn rừng thông, màu trong xanh của nước hồ. Trong gió xuân hây hây, đi dưới hàng cây mai anh đào ngay khu vực hồ Xuân Hương, đường Trần Hưng Đạo, Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, hay khu vực Cầu Đất, Thái Phiên…, những cánh hoa anh đào mong manh bay bay rơi trên mái tóc, càng khiến khoảnh khắc chụp hình của những người du ngoạn trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết.

* Cúc dã quỳ gây thương nhớ

“Đà Lạt lập đông hoa vàng vừa mới nở/ Ta còn chờ em một giấc mơ hoàng lan/ Mặt trời mùa đông đến chợt đi vội vàng/ Ta vẫn chờ em chiều phố núi mênh mang…” - nhiều khách phương xa đem lòng yêu sắc hoa cúc dã quỳ đặc trưng của Đà Lạt để rồi cứ mỗi mùa đông về lại nôn nao, mong ngóng được đến tận nơi thưởng lãm.

Vì sao một loài hoa dại, nếu ngắt khỏi cành thì dễ héo, có mùi gắt, sống thành từng bụi dại dọc hai bên đường, hoặc xen kẽ giữa tán rừng lại có được niềm yêu thích của rất nhiều du khách, trở thành biểu tượng của thành phố ngàn hoa, được đặt biểu tượng ngay Quảng trường Lâm Viên ở trung tâm thành phố? Phải chăng vì ngoài vẻ đẹp, loài hoa này còn mang đặc trưng dễ phát tán, dễ sống ở vùng đất cao nguyên.

Khoảng 20 năm trước, khi Đà Lạt chưa đô thị hóa cao như bây giờ, cúc dã quỳ mọc nhiều ở hai bên đường. Khi mùa mưa vừa dứt hạt thì hoa dã quỳ bắt đầu nở rộ. Dịp văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nào, các cô cậu học trò Phố núi cũng hái hoa dã quỳ trang trí cho lều trại hoặc làm đạo cụ cho những tiết mục văn nghệ của mình.

Ngày nay, do tốc độ đô thị hóa và cũng là yêu cầu chỉnh trang đô thị, nhiều vỉa hè được bê tông hóa nên dã quỳ bị mất đất sống ngay khu vực trung tâm thành phố để nhường đất cho các loại hoa khác. Muốn ngắm hoa dã quỳ, người dân và du khách phải đi xa hơn, ở khu vực vùng ven thành phố như: hướng vào làng hoa Vạn Thành hướng đến Tà Nung, khu vực sân bay Liên Khương đến dọc đường cao tốc Liên Khương - Đà lạt, Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm…

* Chung tay làm đẹp cho thành phố ngàn hoa

Ưu đãi của thiên nhiên về khí hậu và thổ nhưỡng giúp muôn hoa ở Đà Lạt khoe sắc. Một số loài hoa dại mọc ở những bờ đất ven cánh rừng như dã quỳ, ngũ sắc, dâm bụt… hoặc tràn cả khu đồi như cỏ hồng, hay dây leo vươn lên những cành cây, mái nhà như bìm bịp…

Riêng trong khu vực trung tâm thành phố, những luống hoa được nhân viên đô thị chăm sóc cẩn thận, luôn khoe sắc quanh năm làm duyên dáng thêm cho những tuyến đường, những công viên hoa. Có thể kể đến là những luống hoa cẩm tú cầu dọc tuyến đường Trần Phú, hoa đỗ quyên ngay bờ kè cầu Ông Đạo, hoa hồng ngay đường 3-4…

Người trồng hoa Phố núi dọn dẹp vệ sinh khu vực hoa cúc dã quỳ ở làng hoa Vạn Thành (P.5, TP.Đà Lạt)
Người trồng hoa Phố núi dọn dẹp vệ sinh khu vực hoa cúc dã quỳ ở làng hoa Vạn Thành (P.5, TP.Đà Lạt)

Người dân xứ lạnh vốn yêu hoa và ngày càng ý thức hơn trong việc làm đẹp khuôn viên gia đình, khu vực mình sinh sống, góp sức cùng chính quyền làm đẹp thành phố. Họ tự vun trồng, chăm sóc những luống hoa hồng, hoa cúc… trước hiên nhà hoặc những hàng rào, cổng nhà bằng các loại hoa leo như: tường vi (hoa hồng dại), sử quân tử, móng cọp…

Cách đây chừng 10 năm, từ ngày chuyển nhà đến công viên đường Mạc Đĩnh Chi (thuộc P.4, TP.Đà Lạt), cô Nguyễn Thị Xuân đã trồng vài cây mai anh đào ngay bờ kè suối vào thác Cam Ly. Gia đình cô bỏ công chăm sóc loài cây đặc trưng của thành phố với mong muốn làm đẹp khu vực xung quanh.

Những năm gần đây, mỗi khi hoa đào nở rộ, hoa mọc phủ cành, át luôn cả màu lá, làm cho cây hoa này đã trở thành điểm check-in của không ít người. Mang lại niềm vui cho người dân và du khách là điều cô mong muốn, nhưng hành động của một số ít người lại vin cây, bẻ cành, hái hoa… để chụp hình, hoặc tập trung đông gây ồn ào, hoặc mất an toàn giao thông, khiến gia đình cô phải canh chừng nhắc nhở…

Do vậy, ở góc độ những du khách, thái độ “check-in” văn minh, “Không đem theo gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những bước chân” là cách mỗi du khách góp phần gìn giữ, bảo vệ vẻ đẹp lâu bền của thành phố hoa nói riêng và môi trường sinh thái nói chung. Đó cũng là lối sống văn minh, lịch thiệp của mỗi người.

Lâm Viên

Tin xem nhiều